Ngành du lịch trước cơ hội đón 4 triệu lượt khách
Du lịch - Ngày đăng : 08:01, 20/07/2019
Lượng khách đến khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc trong 6 tháng đầu năm nay tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước
Du khách tăng dần
Giai đoạn 2010-2014, tổng lượng khách du lịch đến Hải Dương mới đạt hơn 2 triệu lượt người mỗi năm; năm 2015, thu hút 3,12 triệu lượt người. Từ năm 2015-2018, lượng khách hằng năm tăng bình quân 8,1%. Năm 2018 đạt 3,95 triệu lượt, hoàn thành kế hoạch. 6 tháng đầu năm nay, khoảng 2,18 triệu lượt khách đã đến Hải Dương, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, tỉnh đang đứng trước cơ hội lớn khi thu hút khách du lịch cán mốc quan trọng 4 triệu lượt. Không loại trừ khả năng mục tiêu thu hút 4,65 triệu lượt khách vào năm 2020 mà Đề án "Phát triển du lịch Hải Dương giai đoạn 2016-2020" đề ra cũng có thể hoàn thành trong năm nay.
Một số năm gần đây, khách du lịch lưu trú tại Hải Dương thường chiếm 36% tổng lượng khách du lịch. Khách lưu trú tăng dần theo từng năm và 6 tháng đầu năm nay đạt gần 804.000 lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy các sản phẩm, chất lượng dịch vụ có chuyển biến để níu chân du khách. Doanh thu từ du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 994 tỷ đồng, tăng 9,2%.
Những năm qua, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực du lịch còn hạn chế nhưng tỉnh vẫn triển khai được nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để hút du khách. Công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương tới địa phương được làm thường xuyên. Các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, ẩm thực nổi tiếng cũng được quảng bá trên mạng xã hội, báo chí. Các cơ quan, đơn vị chuyên môn thường xuyên tổ chức chương trình khảo sát, tuyên truyền quảng bá sản phẩm du lịch, thu hút nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành, phóng viên các cơ quan báo chí tham dự. Cuối năm 2018, lần đầu tiên tỉnh tổ chức Lễ hội Văn hóa du lịch xứ Đông - Chào đón năm mới 2019, góp phần quảng bá về mảnh đất, con người, sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Dương.
Hải Dương đã và đang phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để liên kết tổ chức các hoạt động quảng bá, xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh. Nhiều tuyến du lịch liên kết giữa Hải Dương và các tỉnh lân cận đã hình thành, thu hút cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
Gần đây, các điểm du lịch nổi tiếng như Côn Sơn - Kiếp Bạc, Văn miếu Mao Điền, Đảo Cò... đã được cải tạo về cảnh quan. Một số làng nghề truyền thống mở thêm dịch vụ trải nghiệm để hút khách. Người dân ở các huyện Thanh Hà, Thanh Miện, Ninh Giang có ý thức tham gia làm du lịch bằng việc mở dịch vụ chèo thuyền bẻ vải trên sông, biểu diễn múa rối nước, đạp xe khám phá làng nghề truyền thống, làm công việc của nông dân... đã thu hút một lượng khách quốc tế đáng kể đến trải nghiệm.
Khách nước ngoài thích thú với trải nghiệm du lịch đồng quê ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang)
Sớm thu hút nhà đầu tư
Lượng khách du lịch tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng để đạt mốc 4 triệu lượt khách, tăng lượng khách du lịch lưu trú, tạo sự hài lòng cho du khách, tỉnh còn nhiều việc phải làm. Hải Dương hiện chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có và du lịch chưa trở thành ngành kinh tế quan trọng; chưa có một khu du lịch có quy mô lớn, bao gồm đầy đủ các dịch vụ từ tham quan đến vui chơi giải trí, mua sắm và lưu trú. Các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và mang tính đặc thù chưa nhiều. Nguyên nhân do tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào các khu du lịch. Sản phẩm du lịch của tỉnh tương đối đơn điệu, trùng lặp với các địa phương lân cận. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch còn quá thấp so với yêu cầu...
Để có những sản phẩm du lịch tầm cỡ, thu hút khách du lịch cần sự tham gia đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Tỉnh đang muốn thu hút đầu tư phát triển du lịch vào một số dự án dịch vụ tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt và khu bảo tàng, bảo tồn lúa nước ở sông Hương - Thanh Hà; xây dựng khu du lịch văn hóa cộng đồng Đảo Cò, Chi Lăng Nam (Thanh Miện) và dự án khu du lịch sinh thái Bến Tắm (TP Chí Linh). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho UBND tỉnh 2 văn bản quy phạm pháp luật gồm “Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương” để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào du lịch và “Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh” nhằm thống nhất quản lý các khu, điểm du lịch; trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện “Đề án xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2025”. Thời gian tới, ngành văn hóa cùng với các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, chú trọng tổ chức các sự kiện du lịch lớn, tham gia quảng bá du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và tổ chức các hoạt động văn hóa du lịch Hải Dương trong khuôn khổ chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài...
TIẾN MẠNH