Vì sao điểm lịch sử, tiếng Anh thấp?
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:30, 20/07/2019
Điểm số này cũng khá giống điểm thi bình quân chung của thí sinh cả nước, lần lượt là 4,36 và 4,3. Đây cũng là 2 môn có số bài thi bị điểm liệt cao. Những con số này cho thấy việc dạy và học hai môn tiếng Anh, lịch sử trong trường phổ thông hiện nay chưa hiệu quả, còn nhiều bất cập mà chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ để cải thiện tình trạng này.
Lịch sử là môn được đông đảo thí sinh Hải Dương chọn thi nhất (13.509), chỉ sau 3 môn thi bắt buộc. Có ý kiến cho rằng đa phần thí sinh thi lịch sử để lấy điểm xét tốt nghiệp nên có thể các em không đầu tư nhiều vào môn này dẫn đến điểm thi thấp. Nhưng một môn tự chọn khác là địa lý cũng có số thí sinh thi đông tương tự (13.438) lại có điểm bình quân cao hơn hẳn (6,21). Còn tiếng Anh vốn là môn thi bắt buộc từ nhiều năm nay, hoạt động giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông đã có nhiều đổi mới, phụ huynh và học sinh đều có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của tiếng Anh, từ đó có sự đầu tư nhiều hơn cho môn học này, vậy mà kết quả thi vẫn thấp. Điều này phần nào phản ánh chất lượng dạy và học hai môn học này trong nhà trường vẫn chưa cao, phương pháp giảng dạy chưa thực sự hiệu quả.
Từ nhiều năm nay, tình trạng học sinh không thích học môn lịch sử đã được báo động. Một nguyên nhân lớn là do lượng kiến thức cần ghi nhớ của môn học này quá nhiều. Tuy nhiên, đề thi năm nay có phần nhận biết và thông hiểu ít điểm, trong khi các câu hỏi mang tính lập luận, phân tích, đánh giá lại nhiều. Điều đó cho thấy thí sinh không chỉ không nhớ được kiến thức mà khả năng nhận định, đánh giá về sự kiện, vấn đề lịch sử cũng rất kém. Hiện nay, đa phần các em ghi nhớ kiến thức một cách máy móc chứ chưa được dạy phương pháp học một cách hiệu quả và thú vị. Đội ngũ giáo viên dạy lịch sử cũng chưa có phương pháp giảng dạy sinh động, hấp dẫn để học sinh hứng thú với môn học và tự nguyện tìm hiểu, ghi nhớ.
Chất lượng của đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong toàn tỉnh cũng vẫn thấp nên rất khó đạt được kết quả giảng dạy cao. Sau 8 năm thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020", toàn tỉnh vẫn còn gần 23% số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn. Mặc dù giáo viên tiếng Anh liên tục được bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định nhưng có một bộ phận hầu như không thể đáp ứng yêu cầu như một số giáo viên được đào tạo theo hệ tại chức, năng lực hạn chế; giáo viên dạy tiếng Nga, Pháp chuyển sang dạy tiếng Anh và một số giáo viên tuổi cao, sắp nghỉ hưu. Trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường những năm qua đã được đầu tư nhiều hơn nhưng phần lớn các phương tiện này còn nặng về trình diễn, tính ứng dụng chưa cao. Những học sinh đạt điểm cao môn tiếng Anh thường đi học thêm nhiều ở các trung tâm bên ngoài chứ không thể chỉ trông chờ vào việc học trong trường.
Để nâng cao điểm thi tiếng Anh, lịch sử, cần thay đổi phương pháp giảng dạy hai môn học này trong trường phổ thông, tạo hứng thú cho học sinh, đồng thời hướng dẫn các em phương pháp học hiệu quả. Ngành giáo dục và đào tạo cần có những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện tại và chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao trong tương lai.
LAM ANH