Eo biển Hormuz - tâm điểm chú ý của thế giới

Bình luận - Ngày đăng : 10:43, 24/07/2019

Eo biển Hormuz đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong bối cảnh khu vực này đang bị biến thành “chiến trường” của các tàu chở dầu và máy bay không người lái.


Iran nhiều lần đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz

Việc Iran bắt giữ tàu dầu của Anh là diễn biến căng thẳng chính trị mới nhất tại eo biển Hormuz, khiến những căng thẳng ở khu vực này “nóng” lên từng ngày.

Eo biển chiến lược

Eo biển Hormuz được xem là tuyến vận tải đường biển mang tính chiến lược và là một tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với nguồn cung dầu của thế giới. Đây là tuyến đường hàng hải hẹp nằm giữa Iran và Oman, kết nối Vịnh Persian với Vịnh Oman, Biển Arab và Ấn Độ Dương. Vịnh Persian được bao quanh bởi một số quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới gồm Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Và tất cả tàu chở dầu của những quốc gia này đều phải đi qua eo biển Hormuz.

Do nơi hẹp nhất của eo biển Hormuz chỉ rộng có 34 km, đôi khi tàu bè cỡ lớn phải chờ đợi khoảng vài tiếng đồng hồ để có thể lách được qua đây, nên các tàu bè buộc phải đi vào vùng lãnh hải của Iran và Oman (bán đảo Mussandam ở phía đối diện) theo quy ước trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Theo quy định quốc tế, tuy một phần eo biển Hormuz nằm trong vùng biển của Iran nhưng các phương tiện được phép đi qua mà không bị can thiệp, miễn là họ không vi phạm quy định như cấm mang vũ khí hoặc thu thập tình báo. Khi đi qua eo biển Hormuz, tàu bè đều phải tuân theo một quy định chung gọi là Quy định phân luồng giao thông (TSS).

TSS phân chia vùng nước eo biển thành 2 luồng giao thông riêng biệt nhằm tránh nguy cơ tàu bè va chạm. Theo TSS, luồng tàu chạy trong eo biển chỉ rộng khoảng 10 km, chia ra mỗi luồng tàu ra và vào rộng khoảng 3 km, 2 luồng tàu này được cách ly bởi một vùng đệm rộng khoảng 3 km nữa.

Phía Oman có một đài ra-đa LQI trên bán đảo Mussandam để giám sát việc thực thi TSS trong eo biển. Tuyến đường vận chuyển qua eo biển Hormuz của Iran vẫn là lối ra duy nhất cho tàu bè từ Vịnh Persian, vì thế nó là một tuyến đường biển then chốt cho hoạt động buôn bán dầu mỏ của thế giới.

Ngày nay, khi kinh tế thế giới phát triển và phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, eo biển Hormuz đã trở thành một vị trí vô cùng quan trọng, là một nút thắt trọng yếu trên tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất vùng Vịnh Persian.

Ước tính, khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ của thế giới được lưu thông qua eo biển Hormuz hàng năm, khiến nơi đây trở thành cửa ngõ quan trọng nhất đối với việc trung chuyển dầu mỏ. Điểm đến hàng đầu của dầu thô được vận chuyển qua eo biển Hormuz là các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong năm 2016, châu Á tiếp nhận khoảng 80% lượng dầu mỏ thông qua eo biển này.

Do đóng vai trò thiết yếu như vậy nên bất cứ sự phong tỏa hay tắc nghẽn nào tại eo biển Hormuz sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới. Theo các nhà phân tích, bất cứ sự gián đoạn lớn nào trong hoạt động cung cấp dầu mỏ cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Á, tác động đến giá dầu thế giới. Điều này có thể dẫn đến tâm lý khủng hoảng và gia tăng động thái đầu cơ, tích trữ dầu mỏ trên toàn cầu.

Điểm nóng căng thẳng

Do vị trí địa lý đặc biệt quan trọng nên eo biển Hormuz đã trở thành tâm điểm của cuộc cuộc tranh cãi giữa Iran và Mỹ trong thời gian qua. Trên thực tế, lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz của Iran không phải là mới. Trước đó vào năm 2008, do lo ngại cuộc tấn công của Mỹ và Israel, Iran đã đe dọa đóng cửa eo biển này.

Gần đây nhất Iran đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz là vào năm 2011 và 2012, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran với cáo buộc nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, việc đóng cửa đã không xảy ra, vì cả Mỹ và Iran cùng thỏa hiệp thành công với thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015.

Nhưng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, ông đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Nhóm P5+1 với Iran (hồi tháng 5.2018), và tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc gia Trung Đông này, khiến mối quan hệ Mỹ-Iran đang rơi xuống mức thấp nhất. Quan hệ giữa hai nước càng xấu hơn từ 2 tháng trở lại đây khi Mỹ tăng cường sức ép nhằm ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của Iran.

Tính đến thời điểm hiện nay, Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên khoảng 1.000 thực thể Iran, bao gồm các ngân hàng, cá nhân, tàu bè và máy bay. Hồi tháng 5-2019, chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã ban lệnh cấm mua sắt, thép, nhôm và đồng của Iran, bên cạnh đó Mỹ cũng chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Tehran.

Mới đây nhất, ngày 18.7, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một mạng lưới công ty ở Iran, Bỉ và Trung Quốc cũng như một số nhân viên thuộc mạng lưới mà Washington cho là có liên quan tới việc cung ứng các nguyên vật liệu cho chương trình hạt nhân Iran…

Mục tiêu của việc áp đặt các lệnh trừng phạt này của Mỹ chính là cô lập nền kinh tế của Iran, nhằm "đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0”, từ đó kìm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Tehran cũng như sức ảnh hưởng về quân sự và chính trị của quốc gia Trung Đông này trong khu vực.

Nhằm đáp trả những đòn trừng phạt của Mỹ, Iran cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu phát hiện thấy lợi ích quốc gia hay an ninh của Iran bị đe dọa.

Tuy đến nay việc đóng cửa eo biển Hormuz chưa được Iran thực hiện song những động thái của các bên liên quan tại khu vực này đang rất căng thẳng. Đó là việc gia tăng các sự việc bắt giữ tàu chở dầu như vụ hai tàu chở dầu mang quốc tịch Na Uy và Nhật Bản bị tấn công khi đang di chuyển trên Vịnh Oman (hồi cuối tháng 6), hay việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran tại vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh (ngày 4.7) và Iran bắt giữ tàu chở dầu “Stena Impero” mang cờ Anh (ngày 19.7); việc Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ (ngày 20.7), hay việc tàu USS Boxer của Mỹ công bố bắn hạ máy bay không người lái của Iran nhưng phía Iran phủ nhận hoàn toàn thông tin này (ngày 18.7)…

Tất cả những động thái kể trên  đang biến vùng biển quanh Hormuz trở thành điểm nóng căng thẳng nhất trên biển ở thời điểm hiện tại, có thể xảy ra xung đột vũ trang bất cứ lúc nào nếu các bên liên quan không giữ được bình tĩnh.

Nhiều rủi ro khi nổ ra xung đột

Với tình hình căng thẳng ngày càng leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, rất nhiều hoạt động kinh tế xung quanh khu vực eo biển Hormuz cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đối với Iran, những biện pháp trừng phạt của Mỹ đang đẩy nền kinh tế Iran vào cảnh khó khăn chồng chất khi nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu bị sụt giảm mạnh. Viện Tài chính quốc tế (IIF) dự báo, nền kinh tế Iran có thể sụt giảm tới 4% trong năm 2019. Không những vậy, nhiều “khách hàng" châu Âu và những khách hàng khác của Iran cũng đã phải chật vật tìm cách bảo vệ các công ty của họ nếu muốn tiếp tục làm ăn với Iran mà không muốn bị Mỹ trừng phạt.

Trong khi đối với Mỹ, nhiều nhà phân tích nhận định, nếu những căng thẳng giữa Mỹ và Iran bị đẩy lên cao, có thể gây ra những đối đầu về quân sự thì chắc chắn rủi ro từ cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông này sẽ khiến các lợi ích của Mỹ và đồng minh khu vực chắc chắn bị ảnh hưởng.

Nếu trong trường hợp một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Iran do Mỹ đứng đầu diễn ra sẽ kéo theo sự trả đũa của Tehran và các nước đồng minh của Mỹ và cũng là “đối thủ” của Iran như Saudi Arabia hay Israel, cũng như các lực lượng lâu nay Washington vẫn cho rằng “có quan hệ với Iran” như Hezbollah tại Liban, Al-Houthi tại Yemen và một số nhóm dân binh Shiite tại Iraq… tham gia vào.

Trung Đông rơi vào khủng hoảng tất yếu sẽ làm gia tăng giá dầu thô toàn cầu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó cũng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đây là điều mà Tổng thống Mỹ Trump luôn e ngại vì tăng trưởng và việc làm chính là khẩu hiệu mà ông chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử và là yếu tố có tính quyết định đến lá phiếu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020 tới.

Ngoài ra, những căng thẳng ở vùng biển Hormuz còn khiến thị trường quốc tế bị ảnh hưởng. Theo các hãng vận tải quốc tế, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã khiến rủi ro đối với vận tải biển ở vùng Vịnh tăng mạnh. Chi phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh cho tàu chở dầu qua khu vực vùng Vịnh đã tăng lên 500.000 USD trong khi chi phí trước đó chỉ là 50.000 USD. Trong khi đó, việc Mỹ siết chặt nguồn xuất khẩu dầu của Iran cũng đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trên thị trường thế giới…

Theo TTXVN