Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:30, 26/07/2019
Ghi nhớ công lao của những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, 72 năm qua (27.7.1947 - 27.7.2019), cùng với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền ở tỉnh ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ phần mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng với nhiều chương trình thiết thực như xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã có ý chí vươn lên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia công tác xã hội, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chăm lo cho người có công với cách mạng vẫn còn những hạn chế. Một số nơi, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm sâu sắc về công tác người có công. Việc tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Một số nghĩa trang liệt sĩ xuống cấp thiếu kinh phí tu bổ, tôn tạo. Đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng vẫn còn khó khăn…
Hiện nay, cả nước có trên 9 triệu người có công với cách mạng, trong đó trên 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận.
Để phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2019), cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cơ sở cần lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng. Các địa phương cần đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... cho người có công. Làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ. Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Nhanh chóng giải quyết các hồ sơ tồn đọng. Phát triển sâu rộng các phong trào ''Đền ơn, đáp nghĩa'', ''Uống nước nhớ nguồn'', "Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng''… để cùng chung tay với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách người có công với cách mạng. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị với cấp ủy và cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của họ.
LÊ VĂN NGUYÊN(Cẩm Giàng)