Sáng ngời phẩm chất thương binh
Xã hội - Ngày đăng : 07:54, 27/07/2019
Những thương binh nặng của tỉnh tham dự Lễ tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm nay
Vượt qua thương tật
Dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7 năm nay, tỉnh ta có 13 thương binh nặng, mất từ 81% sức khỏe trở lên tham dự Lễ tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. Họ là những người con quê hương Hải Dương anh dũng trong chiến đấu và luôn nuôi dưỡng ý chí, phẩm chất của người lính Cụ Hồ giữa thời bình.
Căn nhà của thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1957, ở xã Thanh Bính (Thanh Hà) nằm yên bình giữa vườn cây xanh. Ông Đức là một trong những thương binh nặng được tuyên dương lần này. Ông từng tham gia chiến đấu ở các tỉnh miền Tây và chiến trường Campuchia. Ngày ấy, ông là tiểu đội trưởng nên luôn xung phong trong các trận đánh. Bao lần trúng đạn của kẻ thù khiến thân thể ông đến giờ vẫn còn sót lại nhiều mảnh đạn.
Năm 1990, sau nhiều lần điều trị, sức khỏe tạm ổn định, ông Đức trở về quê hương. Đối mặt với cuộc sống quá khó khăn, ông Đức bàn với vợ quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê nhà. Với ý chí kiên cường của người lính, ông vừa đấu tranh chống lại bệnh tật vừa chắt chiu gom từng tấc đất, lập vùng trồng cây ăn quả. Cứ thế, đến nay vợ chồng ông đã xây dựng được cơ ngơi khang trang có ao cá rộng, vườn cây xum xuê trái, cuộc sống ngày càng no đủ.
Ở thị trấn Kinh Môn, nhiều người biết và cảm phục nghị lực của thương binh nặng Nguyễn Đức Nguyên, sinh năm 1960. Ông Nguyên là thương binh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bị cụt 2 chân, bị thương ở đầu và tay, qua giám định mất 91% sức khỏe. Ai cũng nghĩ rằng cuộc sống của ông sẽ vô cùng khó khăn khi không thể đi lại, làm việc như người bình thường. Nhưng ông luôn giữ trong mình lời dạy của Bác: "Thương binh tàn nhưng không phế". Không ngồi một chỗ trông chờ vào trợ cấp, ông cùng vợ làm nhiều nghề để xây dựng cuộc sống. Bây giờ tuy đã gần 60 tuổi nhưng hằng ngày ông vẫn cần mẫn làm công việc chuyển phát cho bưu điện trên chiếc xe 3 bánh. Bù lại những nỗ lực ấy, đến nay, vợ chồng ông Nguyên đã xây dựng được căn nhà khang trang và nuôi dạy 2 con học đại học.
Ông Dương Bá Việt ở xã Hợp Tiến (Nam Sách) từng tham gia kháng chiến và bị thương ở Bình Định vào cuối năm 1972. Vết thương nặng ở đầu và tay khiến ông mất 81% sức khỏe. Tuy nhiên, từ khi trở về quê hương ông Việt luôn hăng hái tham gia công tác đảng, chính quyền ở địa phương, đồng thời dồn sức vào làm kinh tế. Ông nhận đấu thầu khoảng 5.000 m2 đất thùng, vũng gần nhà để đào ao thả cá. Quanh bờ ao, ông lập vồng trồng nhãn linh chi. Nguồn thu nhập từ mô hình kinh tế cá - nhãn trong suốt 20 năm qua đủ để ông nuôi 2 người con học đại học và có "của ăn của để". Năm 2012, ông và một số đồng đội thành lập cơ sở sản xuất, tái chế nhựa và phế liệu tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương, trong đó chủ yếu là người khuyết tật, bộ đội phục viên, con em gia đình chính sách với mức thu nhập ổn định.
Tấm gương mẫu mực
Không chỉ vượt khó vươn lên phát triển kinh tế mà nhiều thương binh, bệnh binh còn là những tấm gương mẫu mực ở địa phương. "Ông Nguyên luôn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Ông ấy có năng khiếu và niềm đam mê nên tham gia rất nhiều cuộc thi về lịch sử, pháp luật, tình hữu nghị dân tộc... do địa phương và Trung ương phát động, đoạt một số giải cao. Dù con trai ông thuộc diện được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng sau khi con học xong đại học, ông vẫn động viên con xung phong thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Ông Nguyên xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi người noi theo", ông Đặng Văn Đức, Chủ tịch UBND thị trấn Kinh Môn nhận xét.
Nhiều người làng Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cảm mến ông Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1945, thương binh hạng 1/4 (mất 82% sức khỏe) bởi ông luôn mực thước trong cuộc sống, dạy con cháu sống nhân ái. Những năm 70 của thế kỷ trước, ông Minh có công lớn trong xây dựng HTX Tranh thêu Xuân Nẻo. Có thời điểm HTX có đến 300 người tham gia, ngoài làm nghề ở địa phương HTX còn truyền nghề ra các tỉnh ngoài.
Ông Minh nay đã 54 năm tuổi Đảng. Bà Nguyễn Thị Viên (vợ ông) cũng tròn 50 năm tuổi Đảng. Các con của ông bà đều trưởng thành. Ông Minh đã nhiều lần đứng ra làm cầu nối để con trai thực hiện các chương trình hỗ trợ nhân ái cho địa phương như quyên góp sữa bột cho các cháu nhỏ, đóng góp tu bổ, xây dựng một số công trình trong làng, xã... 13 thương binh nặng được vinh danh chính là những tấm gương tiêu biểu đại diện cho hơn 31.000 thương binh, bệnh binh của Hải Dương - những người vẫn từng ngày thầm lặng cống hiến, đóng góp xây dựng quê hương.
NGỌC HÂN
Các thương binh tỉnh ta tham dự Lễ tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm nay gồm các ông: Nguyễn Song Toàn (sinh năm 1960, ở phường Văn Đức), Phạm Bá Bảy (sinh năm 1950, phường Sao Đỏ), Phạm Văn Vình (sinh năm 1949, phường Văn An, cùng ở TP Chí Linh); Nguyễn Đức Nguyên (sinh năm 1960, thị trấn Kinh Môn), Phạm Thanh Giang (sinh năm 1963, xã Lạc Long) và Nguyễn Văn Trị (sinh năm 1955, thị trấn Phú Thứ, cùng huyện Kinh Môn); Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1945, xã Hưng Đạo), Nguyễn Đình Tảo (sinh năm 1951, xã Văn Tố, cùng huyện Tứ Kỳ); Phạm Văn Đạt (sinh năm 1963, xã Bình Minh, Bình Giang); Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1957, xã Thanh Bính, Thanh Hà); Hoàng Văn Thường (sinh năm 1953, phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương); Nguyễn Tiến Cân (sinh năm 1948, xã Vĩnh Hòa, Ninh Giang) và Dương Bá Việt (sinh năm 1953, xã Hợp Tiến, Nam Sách). |