Tri ân sao cho thiết thực, hiệu quả

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:28, 27/07/2019

Xác định tri ân thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công là việc làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ tổ chức trong dịp tháng 7.

Đã thành nếp, hằng năm vào dịp tháng 7, rất nhiều hoạt động nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, gia đình chính sách lại được tổ chức ở khắp nơi với sự tham gia của mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội.

Các cựu chiến binh tổ chức thăm lại chiến trường xưa và tưởng niệm đồng đội không may mắn. Các cấp bộ đoàn, câu lạc bộ bác sĩ trẻ tình nguyện tổ chức các chương trình khám bệnh tình nguyện, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có công. Nhiều ngôi chùa tổ chức cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Việc xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội... còn được triển khai từ trước đó vài tháng để kịp khánh thành, bàn giao đúng vào dịp ý nghĩa này. Nhiều địa phương quan tâm tu bổ, chỉnh trang, làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ. Một số doanh nghiệp trong tỉnh còn góp kinh phí tham gia tôn tạo các khu mộ của liệt sĩ người Hải Dương ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh ngoài. Điển hình như dịp 27.7 năm nay, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương và Công ty CP Gốm Chu Đậu hỗ trợ trên 3 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo khu mộ liệt sĩ hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn; Công ty CP An Phát Xanh (Tập đoàn An Phát Holdings) hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng để tu bổ, nâng cấp khu mộ liệt sĩ quê Hải Dương, Hưng Yên tại Nghĩa trang Quốc gia đường 9. Có những hành động rất nhỏ nhưng cũng không kém phần ý nghĩa như việc bể bơi ThaiHD ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) miễn vé vào cửa cho thương binh...

Điều đó thể hiện sự lan tỏa của truyền thống "uống nước nhớ nguồn" - một truyền thống đẹp của dân tộc Việt Nam. Ai cũng có thể góp sức tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình chính sách bằng cách riêng của mình, phù hợp với nguồn lực mà mình có, người có sức góp sức, người có kinh phí góp kinh phí...

Tuy nhiên, trong tổ chức các hoạt động tri ân dịp 27.7 vẫn còn có nơi làm chưa thật tốt. Những năm trước, có nơi tổ chức hoạt động khám chữa bệnh tình nguyện vào ngày quá nóng, lượng người được hẹn khám quá đông, lại không có sự điều tiết hợp lý dẫn tới nhiều người phải chờ đợi rất mệt mỏi. Nhiều nơi việc khám, tư vấn còn qua loa, hình thức, dẫn tới hiệu quả không cao. Có nơi, việc chọn quà tặng cho gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh... chưa phù hợp. Gần đây, nhiều công ty du lịch đã tìm về các địa phương liên kết tổ chức các chuyến về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, thăm nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng do phía địa phương thiếu thông tin nên mức đóng góp của những người tham gia còn cao, chất lượng ăn nghỉ hạn chế, sắp xếp hành trình chưa hợp lý...

Phải xác định tri ân thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công là việc làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ tổ chức trong dịp tháng 7. Những người tổ chức phải thực sự dành tâm huyết, đầu tư công sức, tìm tòi, học hỏi để có những cách làm hiệu quả nhất, thiết thực nhất. Như việc tổ chức khám chữa bệnh tình nguyện chẳng hạn. Vì các đợt khám chữa bệnh này diễn ra rất nhanh, mỗi địa phương thường chỉ gói gọn trong 1 ngày, lượng người tham gia đông nên cần lên danh sách sớm, phân nhóm đối tượng theo địa bàn hoặc độ tuổi và hẹn lịch khám trước, tránh việc mọi người cùng kéo đến ồ ạt chờ đợi mất thời gian. Việc tổ chức thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, chiến trường xưa cần tổ chức một cách bài bản, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các công ty du lịch có uy tín... Các địa phương cần quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chế độ chính sách với người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho các gia đình chính sách, người có công... Đây là việc thiết thực, cần quan tâm ngay.

KIM THANH