Khi nào tiếng Anh, lịch sử thoát ''đội sổ''?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:24, 28/07/2019
Chất lượng giáo viên môn tiếng Anh đáng lo ngại
Dù Chính phủ có các đề án cả nghìn tỷ đồng như đề án Ngoại ngữ 2020, kéo dài đến năm 2025, nhưng mức điểm của học sinh ở những môn quan trọng như tiếng Anh vẫn thấp từ nhiều năm nay.
Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh từ 2017 đến 2019 cho thấy, điểm trung bình của học sinh cả nước trong 3 năm đều dưới 5.0; mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3.0 - 3.4.
Kết quả thi này có sự phân hoá theo vùng miền. Trong khi những địa phương khó khăn thuộc vùng núi phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Hà Giang, Sơn La, Hậu Giang... nhiều năm xếp cuối về điểm trung bình trong cả nước; thì những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lại đứng đầu.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) cho biết, môn Lịch sử và tiếng Anh năm 2019 có nhiều tiến bộ so với năm 2018, nhưng kết quả này vẫn chưa chấp nhận được. Vì vậy, chúng ta cần có phân tích kỹ lưỡng, đúc rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau.
Nhìn nhận phổ điểm thi THPT quốc gia từ góc độ hệ đào tạo, ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên môn tiếng Anh, Vụ Giáo dục trrung học, Bộ GDĐT cho biết, hiện vẫn tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông, chương trình hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3), hệ 10 năm chủ yếu được triển khai ở những tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Qua thống kê và đánh giá, học sinh hệ 10 năm có chất lượng tốt hơn học sinh hệ 7 năm. Tuy nhiên, theo ông Giang, để triển khai rộng khắp hệ 10 năm, cần đội ngũ giáo viên có chất lượng, trong khi thực tế chất lượng giáo viên hiện nay không đồng đều, ở những tỉnh khó khăn, trình độ giáo viên còn hạn chế.
Cùng quan điểm với ông Giang về việc cần sớm triển khai rộng rãi chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc đề án ngoại ngữ quốc gia cũng chung lo lắng về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, bà Hữu cho rằng, rất cần có vai trò xã hội hóa, cần sự hỗ trợ của các trung tâm ngoại ngữ trong đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu vùng xa.
Ở góc độ chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất, Giám đốc trường học trực tuyến Bigschool nêu một thực tế: “Tôi từng đi nhiều địa phương, có khi gặp chuyện cười ra nước mắt. Thấy người nước ngoài đến trường, nhưng giáo viên tiếng Anh lại phải trốn đi vì sợ không giao tiếp được. Hiện nay, chúng ta đã đưa ra những chuẩn về giáo viên tiếng Anh như phải có các chứng chỉ B1, B2... nhưng cũng cần xem lại các chứng chỉ này”.
Là địa phương có điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước trong 3 năm (2017: 5.92 điểm, 2018: 5.06 điểm, 2019 là 5.79 điểm), đồng thời luôn đứng đầu về tỷ lệ thí sinh có điểm từ 8 trở lên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, chất lượng tiếng Anh của học sinh thành phố tốt khá nhiều nhờ các trung tâm ngoại ngữ. Hiện rất nhiều trung tâm ngoại ngữ vào trường học tham gia giảng dạy.
“Để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường phổ thông, TP Hồ Chí Minh có chính sách riêng về đào tạo đội ngũ giáo viên. Thành phố dùng ngân sách nhà nước để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế, đến nay có 70% giáo viên đạt chuẩn”, ông Hiếu nói.
Tại một cuộc tọa đàm vừa qua ở TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp cho môn tiếng Anh, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Chất lượng dạy và học tiếng Anh phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên. Lâu nay chuẩn hóa giáo viên vẫn theo nguyên tắc nặng bằng cấp, nhẹ thực hành. Phải từng bước hoàn hiện quy trình chuẩn hóa.
Giáo viên cần tăng cường giao lưu với giáo viên nước ngoài, nâng cao kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Bên cạnh đó cần phát triển một hệ thống khảo thí chuẩn, có thể kiểm tra trình độ Anh ngữ chính xác, đồng đều, tránh tình trạng mỗi bên một kiểu như hiện nay…”.
Cần xóa tâm lý lịch sử là “môn phụ”
Tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì được tổ chức tại Bộ GDĐT, trong bối cảnh môn học này tại kỳ thi THPT Quốc gia chỉ có điểm trung bình 4,3.
Cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cho rằng, có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền; sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học.
Có nhiều năm phụ trách bộ môn lịch sử cấp THCS và THPT, ông Xuân Trường, chuyên viên Vụ giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho rằng, cần có một cuộc “cách mạng” trong nhận thức từ cán bộ quản lý, sở, phòng, hiệu trưởng, tổ bộ môn để chỉ đạo sát sao hơn với môn lịch sử trong nhà trường, tạo động lực cho giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng; đổi mới phương pháp dạy học với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Là nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng, GS.TS Vũ Minh Giang cho biết: “Để nâng cao vị trí của môn lịch sử, đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, tính hấp dẫn phải có, đổi mới sách giáo khoa phải làm được điều này, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi”.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gợi mở, môn lch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Khi Lịch sử là một yếu tố quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn.
Ghi nhận các ý kiến tại tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn học này. Bộ GDĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính - môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, trong những ngày tới, Bộ GDĐT sẽ tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GDĐT toàn quốc. Những giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn Lịch sử sẽ được chỉ đạo và thực hiện tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn lịch sử.
Theo VTC.vn