Quyết liệt đấu tranh phòng, chống nạn mua bán người ra nước ngoài

Xã hội - Ngày đăng : 20:38, 29/07/2019

Từ năm 2016 đến nay, toàn quốc xảy ra gần 1.100 vụ với hơn 1.400 đối tượng lừa bán và hơn 2.600 nạn nhân. Trong đó, tình hình tội phạm mua bán người sang Trung Quốc diễn biến phức tạp.

Ông Brett Dickson, Phó Trưởng Đại diện Cơ quan Di trú Quốc tế (IOM) tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ngày 29.7, tại tỉnh Lạng Sơn, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo bàn giải pháp phòng, chống mua bán người ra nước ngoài.

Tại Hội thảo, Đại tá Phạm Mạnh Thường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: Tại Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, toàn quốc xảy ra gần 1.100 vụ với hơn 1.400 đối tượng lừa bán và hơn 2.600 nạn nhân. Trong đó, tình hình tội phạm mua bán người sang Trung Quốc diễn biến phức tạp.

Các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lừa bán vào hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp. Từ đầu năm 2016 đến tháng 6/2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 900 vụ mua bán người sang Trung Quốc với hơn 1.100 đối tượng lừa bán và gần 2.400 nạn nhân.

Đánh giá về tình hình và nguyên nhân tình trạng mua bán người, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Các đối tượng còn lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua mạng xã hội làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép. Những hành vi này có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam...

Ngoài ra, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi đến nước sở tại, chúng giữ giấy tờ tùy thân để cưỡng bức lao động, dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó đem bán để cưỡng bức lao động...

Trước tình hình trên, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống mua bán người ra nước ngoài thời gian tới.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhận định, việc xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người, tệ nạn xã hội là rất cần thiết. Cùng với đó là cần quan tâm hơn nữa tới công tác xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân, qua đó hạn chế tình trạng đồng bào bị dụ dỗ ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.

Đại tá Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho rằng bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua bán người, các lực lượng chức năng cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tình trạng mua bán người ra nước ngoài ngay từ địa bàn bản, làng, xã, thôn. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là với Trung Quốc và các nước trong khu vực về phòng chống mua, bán người.

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam đã giới thiệu về đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam.

Theo đó, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), từ năm 2012, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bắt đầu thực hiện dự án “Thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam” nhằm tăng cường các chức năng hiện tại của đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ. Đồng thời, mở rộng thêm chức năng phòng, chống mua bán người để đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán.

Theo ông Đặng Hoa Nam, tiếp nối thành quả từ giai đoạn 1 của dự án trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với JICA thực hiện giai đoạn hai (từ năm 2019-2021) nhằm thành lập hệ thống đường dây nóng quốc gia về tăng cường cơ chế chuyển tuyến các dịch vụ tại Việt Nam, tiến tới hợp tác xuyên biên giới với các quốc gia lân cận trong hoạt động phòng, chống mua bán người. Việc tiếp nhận thông tin của đường dây nóng từ số điện thoại 18001567 chuyển sang số điện thoại 111 thống nhất trên cả nước.

Bà Masako Iwashina, Cố vấn trưởng Dự án "Tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Việt Nam" cho biết, thời gian tới, dự án sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông qua mạng xã hội để người dân biết đến nhiều hơn tới đường dây nóng 111. Ngoài ra, dự án có kế hoạch xây dựng đội ngũ cộng tác viên và nhân viên trực tổng đài biết tiếng dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ tối đa cho các nạn nhân người dân tộc thiểu số gọi điện đến đường dây nóng.

Theo TTXVN