Các cơ sở y tế thường xuyên thiếu máu

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:28, 30/07/2019

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng máu trong khám chữa bệnh ngày càng tăng cao nhưng các bệnh viện, cơ sở y tế thường xuyên thiếu máu điều trị vào các dịp cao điểm.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Triệu ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) đang điều trị tại Khoa Nội 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải truyền 2 đơn vị máu do xuất huyết tiêu hóa

Phải mua thêm

Ông Nguyễn Văn Gùy (sinh năm 1950, ở xã An Sinh, Kinh Môn) là bệnh nhân Khoa Nội 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa truyền xong 1 đơn vị máu O. Vào điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cách đây 1 tuần, đến nay ông đã phải truyền 8 đơn vị máu. Ông bị bệnh xơ gan cổ trướng, viêm đa khớp, do dùng nhiều thuốc giảm đau dẫn đến viêm loét và xuất huyết dạ dày gây thiếu máu. Ông được phát hiện mắc các căn bệnh này cách đây 3 năm, năm đầu tiên ông phải tiếp 68 đơn vị máu. Đến nay lượng máu phải tiếp ngày càng tăng lên do cơ thể tiếp tục lão hóa, việc sản sinh tế bào máu chậm không đáp ứng được nhu cầu cơ thể. 

Những bệnh nhân như ông Gùy nếu không được truyền máu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Xuân Hoàng, Trưởng Khoa Huyết học lâm sàng - Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), những năm gần đây nhu cầu sử dụng máu và các chế phẩm về máu trong điều trị tại các cơ sở y tế ngày càng tăng cao. Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã sử dụng 12.074 đơn vị máu để điều trị và cung cấp cho các cơ sở y tế trong tỉnh, trong đó nguồn máu khai thác được từ Ban Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh là 6.144 đơn vị, chiếm gần 51% tổng lượng máu đã sử dụng. Mỗi tháng, các cơ sở y tế trong tỉnh sử dụng trung bình trên 1.000 đơn vị máu, nhưng nguồn cung cấp từ vận động HMTN thường xuyên thiếu hụt. Để bù lượng máu thiếu còn lại, bệnh viện phải đi mua ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp... Thời điểm này, tại Khoa Huyết học lâm sàng - Truyền máu chỉ còn chưa đến 100 đơn vị máu, trong đó mỗi nhóm máu còn khoảng 10-30 đơn vị. "Bệnh viện vừa truyền khoảng 20 đơn vị máu AB cho một bệnh nhân mổ cấp cứu. Chỉ vài ca mổ như vậy là lượng máu dự trữ sẽ hết. Đến lúc đó bệnh viện phải đi mua máu tại các đơn vị khác. Tuy nhiên vào dịp cao điểm, có khi cả một chuyến xe đi lúc về chỉ lấy được hơn chục đơn vị máu, rất lãng phí công sức và nhân lực. Biết vậy nhưng vẫn phải làm để có máu điều trị cho bệnh nhân", anh Hoàng than thở.

Tỷ lệ hiến máu còn thấp

Năm 2018, toàn tỉnh vận động, thu nhận được 11.206 đơn vị máu, trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh thu nhận 6.144 đơn vị máu. Lượng máu còn lại do các đơn vị tuyến trung ương như Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thu nhận. Tại Hải Dương, tỷ lệ người HMTN chỉ đạt 0,6% số dân, trong khi con số này trên cả nước là 1,6%. Thời gian qua, kết quả vận động HMTN tại tỉnh ta năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ người HMTN vẫn còn thấp, lượng máu tiếp nhận chưa đủ để điều trị. 

Nhằm đẩy mạnh phong trào HMTN, những năm gần đây Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, vận động, kết hợp với những chiến dịch truyền thông lớn; xây dựng, mở rộng lực lượng hiến máu bền vững, hiệu quả tại cộng đồng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu nhận máu...

Bà Nguyễn Thị Mừng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh cho biết từ đầu năm đến nay, ban chỉ đạo đã tập trung xây dựng Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống. Đây là một trong các biện pháp nhằm xây dựng lực lượng hiến máu bền vững, ổn định. Câu lạc bộ tập hợp các tình nguyện viên tích cực HMTN trong tỉnh để mỗi khi nhận được thông tin có người cần hiến máu khẩn cấp thì các thành viên sẽ đến tận nơi để hiến máu cứu người. Đến nay ban chỉ đạo đã vận động được khoảng 20 công nhân, viên chức, người lao động trong tỉnh tham gia. 

Anh Hoàng kiến nghị: "Để chủ động hơn về nguồn máu điều trị, tôi cho rằng Ban Vận động HMTN tỉnh cần tổ chức các cuộc HMTN trải đều hằng tháng trong một năm, cụ thể vào 3 thời điểm đầu, giữa và cuối tháng; tăng thêm ngày tiếp nhận vào dịp Tết Nguyên đán, hè hoặc thời gian nghỉ lễ dài ngày trong năm; ưu tiên nguồn máu tiếp nhận phục vụ cho nhân dân trong tỉnh".

VIỆT QUỲNH