Tổng thống Trump giành thêm lợi thế với phán quyết về bức tường biên giới

Bình luận - Ngày đăng : 07:20, 31/07/2019

Việc Tòa án tối cao Mỹ vừa ra phán quyết cho phép sử dụng ngân sách quốc phòng để xây dựng bức tường biên giới với Mexico.


Tổng thống Donald Trump đang cố gắng thực hiện lời hứa với cử tri Mỹ

Đây được xem là một động thái giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện thực hóa kế hoạch mà ông đã theo đuổi ngay từ khi vừa nhậm chức. Đặc biệt ,trong bối cảnh các đối thủ của ông ở đảng Dân chủ vẫn luôn cố gắng ngăn chặn việc ông xây bức tường biên giới thì phán quyết trên được xem là một chiến thắng lớn của ông Trump.

Lời hứa tranh cử

Dự án xây dựng tường biên giới Mỹ-Mexico là một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump hồi năm 2016. Kể từ khi lên nhậm chức, ông Trump đã rất nỗ lực để hiện thực hóa việc xây bức tường này song ông lại không thành công trong việc thuyết phục Quốc hội cấp ngân sách cho việc xây bức tường. Trong khi Tổng thống Mỹ cho rằng bức tường là công cụ phải có để ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép và buôn bán người thì các nghị sỹ đảng Dân chủ lại gọi đây là “ước mơ” viển vông, tốn kém và phi thực tế. Cũng chính vì những tranh cãi này đã dẫn đến tình trạng chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa một phần kéo dài lâu nhất trong lịch sử với 35 ngày (hồi cuối năm 2018 và đầu năm 2019).

Khi được cấp ngân sách để chính phủ hoạt động trở lại, Quốc hội Mỹ cũng chỉ đồng ý cấp 1,4 tỷ USD cho dự án tường biên giới trong khi ông Trump tuyên bố cần đến 5,7 tỷ USD cho chi phí xây bức tường này. Vì vậy, Tổng thống Trump đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 15-2-2019.

Ở Mỹ, theo Đạo luật khẩn cấp quốc gia ra đời năm 1976 quy định tổng thống được quyền ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi thấy cần thiết. Mặc dù Hiến pháp Mỹ quy định việc sử dụng nguồn quỹ từ người đóng thuế và hoạch định chính sách là do Quốc hội đưa ra, nhưng với quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, người đứng đầu chính quyền Mỹ sẽ có thể “vượt mặt” Quốc hội quyết định sử dụng nguồn quỹ trong trường hợp có tình trạng khẩn cấp quốc gia. Nó cho phép tổng thống bỏ qua các tiến trình chính trị thông thường để thực thi nhiệm vụ hành pháp nhanh chóng và hiệu quả hơn trong bối cảnh khủng hoảng hoặc an ninh quốc gia bị đe dọa. Khi ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 15-2-2019, Tổng thống Trump hy vọng ông sẽ huy động được nguồn ngân sách lên tới 6,7 tỷ USD (từ các dự án và chương trình của Bộ Quốc phòng) để xây dựng bức tường biên giới mà không cần Quốc hội phê chuẩn.

Thế nhưng, quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp cũng đã khiến Tổng thống Mỹ phải đối mặt với các vụ kiện của một số bang, trong đó có bang California, nhằm ngăn chặn ông Trump “lạm dụng quyền lực”, sử dụng các khoản ngân sách mà Quốc hội dành riêng cho người dân nhằm xây dựng bức tường biên giới. Không chỉ bị các bang kiện, chính quyền Tổng thống Trump còn bị các tổ chức như nhóm Public Citizen, đại diện cho Hội Frontera Audubon và 3 chủ đất ở miền Nam Texas kiện khi cho rằng hàng rào biên giới sẽ được xây dựng trên khu đất của họ.

Thêm một thắng lợi cho ông Trump

Sau thời gian thụ lý vụ kiện, ngày 28-6-2019, một thẩm phán tại bang California đã ra phán quyết rằng đề nghị sử dụng ngân sách phòng chống ma tuý vào việc xây tường biên giới của chính quyền Tổng thống Trump là bất hợp pháp. Thẩm phán này đã ban hành lệnh cấm sử dụng nguồn ngân sách trên cho hoạt động xây dựng tường biên giới. Phản ứng trước phán quyết này, ngày 29-6, chính quyền của Tổng thống Trump đã kháng cáo.

Sau đó, Toà phúc thẩm liên bang khu vực 9 của Mỹ ngày 3-7 cũng đã đồng ý với phán quyết của tòa cấp dưới, bác yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về việc sử dụng khoản tiền từ Bộ quốc phòng để xây dựng tường biên giới với Mexico.

Tuy nhiên, trong một động thái được xem là lật ngược hoàn toàn tình thế, ngày 26-7 vừa qua, Tòa án tối cao đã ra phán quyết bác bỏ phán quyết trước đó của tòa án cấp dưới và đồng ý để chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng khoản ngân sách từ Bộ Quốc phòng Mỹ vào việc xây dựng bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico. Theo Reuters, Tòa án tối cao đã đưa ra một lời giải thích ngắn gọn rằng chính quyền Trump đã đưa ra những minh chứng đầy đủ cho thấy các nhóm thách thức quyết định này không có cơ sở để đưa ra một vụ kiện.

Với phán quyết của Tòa án tối cao, chính quyền Tổng thống Trump có thể sử dụng khoản tiền 2,5 tỷ USD trong ngân sách phòng chống ma túy của Lầu Năm Góc để chi cho việc thay thế các hàng rào hiện nay ở Arizon, California và New Mexico bằng hàng rào vững chắc hơn. Đây được xem là lợi thế giúp việc hiện thực hóa kế hoạch xây tường biên giới của Tổng thống Trump ngày càng gần hơn.

Trong 2,5 tỷ USD trên, Tổng thống Trump đã huy động được 1 tỷ USD do Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đồng ý cấp hồi tháng 3-2019 để hỗ trợ Bộ An ninh Nội địa xây 92 km hàng rào ở biên giới, đồng thời xây dựng, nâng cấp đường sá và lắp hệ thống chiếu sáng nhằm ủng hộ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Trump. Còn 1,5 tỷ USD nữa được Lầu Năm Góc thông báo cấp thêm hồi tháng 5-2019 cho kế hoạch thay thế 125 km hàng rào ở biên giới Mỹ-Mexico để ngăn người nhập cư trái phép, sau khi chứng minh khoản tiền này không lấy từ ngân sách dành cho các nhiệm vụ chiến đấu và công việc quan trọng khác.

Ngoài 2,5 tỷ USD tái phân bổ từ các hoạt động chống ma túy của của Bộ Quốc phòng Mỹ, Tổng thống Trump hiện còn đang nhắm tới mục tiêu 3,6 tỷ USD trong các quỹ xây dựng quân sự và 600 triệu USD từ quỹ tài sản tịch thu của Bộ Tài chính để đủ số tiền triển khai kế hoạch xây dựng bức tường biên giới.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu như trong chiến dịch tranh cử năm 2016, tổng thống Trump đã biến kế hoạch xây bức tường biên giới trở thành trọng tâm thu hút sự chú ý của cử tri thì trong chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020 tới, bức tường biên giới-một phần trong chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump, vẫn tiếp tục được xem là một vấn đề quan trọng giúp ông có được sự ủng hộ của cử tri. Theo một khảo sát Gallup được thực hiện hồi cuối năm 2018, có đến 78% người Mỹ được khảo sát chọn nhập cư là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến lá phiếu của họ. Vấn đề này được xem trọng ngang với kinh tế, việc làm và chỉ đứng sau một vấn đề duy nhất là chăm sóc y tế.

Vì vậy, việc Tòa án liên bang vừa ra phán quyết cho phép Tổng thống Trump sử dụng ngân sách quốc phòng để xây dựng bức tường biên giới với Mexico được xem là một lợi thế lớn cho Tổng thống Trump trong cuộc đua vào ghế Nhà Trắng năm 2020 tới. Mặc dù vậy, đến nay Tổng thống Trump vẫn nhấn mạnh quyết định xây tường biên giới không phải là để hoàn thành lời hứa lúc tranh cử mà là để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh tại biên giới.

Theo TTXVN