Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:06, 31/07/2019
Bệnh lây do loài muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đốt từ người bệnh truyền sang cho người lành
Nguy hiểm đến tính mạng
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu virus Dengue (DEN) gây ra. Bệnh lây do loài muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đốt từ người bệnh truyền sang cho người lành.
Bệnh sốt xuất huyết có 2 triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết (chảy máu). Bệnh thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Nhưng sự nguy hiểm của bệnh là giảm lượng tiểu cầu trong máu, nếu lượng tiểu cầu thấp có thể gây chảy máu không cầm được, nếu chảy máu ở nội tạng người bệnh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra sốt xuất huyết còn làm tăng tính thấm thành mạch làm huyết tương trong máu thoát ra ngoài, gây hiện tượng máu cô, dẫn đến giảm khối lượng máu lưu hành, tụt huyết áp và sốc. Nếu không được cấp cứu kịp thời cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân cho biết, sốt xuất huyết Dengue do bốn chủng virus Dengue gây ra. Khi nhiễm bất kỳ chủng virus Dengue nào thì con người sẽ có miễn dịch suốt đời với duy nhất chủng Dengue đó, nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với ba chủng virus Dengue còn lại.
Vì thế, những người chưa mắc những chủng còn lại thì vẫn có thể mắc. Một người trong suốt cuộc đời mình có thể bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết tối đa là bốn lần. Ông Lân cũng lưu ý, nếu bị mắc bệnh từ lần sau trở đi với các chủng virus Dengue thứ hai, thứ ba, thứ tư thì bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xảy ra tình trạng sốc sốt xuất huyết gây nguy hiểm đến tính mạng. Một người có thể bị nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần, vì vậy những người đã từng mắc bệnh cũng không được chủ quan.
Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống
Trước tình hình hiện nay, Bộ Y tế đã lập 8 đoàn công tác kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm gồm: Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Nông và Đắk Lắk.
Để tăng cường phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế ra Chỉ thị yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; Báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tỉnh để đáp ứng công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức ba chiến dịch lớn diệt lăng quăng (bọ gậy) ngay từ tháng 7-2019 đến hết năm; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện.
Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm vận động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt...
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện tốt các nội dung gồm: tăng cường công tác truyền thông; triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết; hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống véc tơ tại các tỉnh, thành phố trong khu vực được giao quản lý; phân tích nguyên nhân gia tăng và dự báo tình hình dịch bệnh để tham mưu kịp thời cho Bộ Y tế.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; Hỗ trợ cán bộ tuyến dưới trong công tác tập huấn, chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Khuyến cáo mạnh mẽ với người dân Đáng lo ngại, cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh sốt xuất huyết: |
Theo TTXVN