Mâu thuẫn trong mua bán điện

Bạn đọc - Ngày đăng : 16:22, 01/08/2019

Công ty TNHH một thành viên Lộc Vượng đang đơn phương đòi chấm dứt thực hiện phụ lục của hợp đồng đã ký với Điện lực TP Hải Dương và đổ lỗi kinh doanh thua lỗ của mình cho đối tác.


Công ty TNHH một thành viên Lộc Vượng đơn phương hủy thực hiện phụ lục hợp đồng mua bán điện phục vụ khu chung cư và nhà ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương)

Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (gọi tắt là Công ty Điện lực Hải Dương) và Công ty TNHH một thành viên Lộc Vượng ở TP Hải Dương (gọi tắt là Công ty Lộc Vượng) đang mâu thuẫn trong mua bán điện.

Sau khi khu chung cư và nhà ở tại phường Việt Hòa (TP Hải Dương) đưa vào sử dụng, chủ đầu tư là Công ty CP Hồng Hưng đã ký hợp đồng với Công ty Lộc Vượng bán điện cho người dân và doanh nghiệp tại đây. Để có điện bán lẻ, Công ty Lộc Vượng ký hợp đồng số 17/HD.1009 ngày 16.3.2017 mua điện của Điện lực TP Hải Dương. Hợp đồng đang có hiệu lực thì tháng 3.2018, Công ty Điện lực Hải Dương chỉ đạo Điện lực TP Hải Dương xem xét lại phụ lục về điều khoản áp dụng đối tượng được mua điện. Công ty Điện lực Hải Dương xác định việc Công ty Lộc Vượng mua buôn điện của Điện lực TP Hải Dương để bán lẻ cho khu chung cư và nhà ở tại phường Việt Hòa thuộc đối tượng quy định tại điều 14 (giá bán buôn điện tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt) chứ không phải theo điều 13 (giá bán buôn điện cho khu tập thể, cụm dân cư) quy định tại Thông tư số 16/TT-BCT ngày 29.5.2014 của Bộ Công thương. Mâu thuẫn trong việc áp dụng điều khoản xác định đối tượng mua bán điện giữa Công ty Điện lực Hải Dương và Công ty Lộc Vượng bắt đầu từ đây.

Công ty Lộc Vượng cho rằng việc áp dụng điều 14 để ký phụ lục hợp đồng mua bán điện là không phù hợp với thực trạng của khu dân cư và nhà ở tại phường Việt Hòa nên đã kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết. Để có căn cứ áp dụng điều khoản nào là đúng, Công ty Điện lực Hải Dương, Công ty Lộc Vượng và Sở Công thương có văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) hướng dẫn xác định đối tượng để thực hiện hợp đồng mua bán điện. Ngày 14.5.2018, Cục Điều tiết điện lực có văn bản số 818/ĐTĐL-GP xác định khu chung cư và nhà ở tại phường Việt Hòa mang tính chất khu đô thị nên thuộc đối tượng áp dụng giá bán buôn điện theo quy định tại khoản 1, điều 14, Thông tư 16/2014/ TT-BCT của Bộ Công thương.

Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Điều tiết điện lực, ngày 25.5.2018, Điện lực TP Hải Dương và Công ty Lộc Vượng ký lại phụ lục của hợp đồng mua bán điện số 17/HD.1009, xác định Công ty Lộc Vượng mua điện theo đối tượng quy định tại điều 14, Thông tư 16. Thời gian gần đây, Công ty Lộc Vượng tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát hiện đến tháng 6.2019 đơn vị thua lỗ trên 133,5 triệu đồng. Công ty Lộc Vượng cho rằng nguyên nhân thua lỗ là do doanh nghiệp phải mua buôn điện của Điện lực TP Hải Dương cao hơn giá bán cho một số khách hàng. Công ty này đã có văn bản đơn phương chấm dứt thực hiện phụ lục của hợp đồng số 17/HD.1009 vì cho rằng người ký hợp đồng phía Điện lực TP Hải Dương không đủ tư cách theo quy định của pháp luật và giá bán buôn điện không có trong biểu giá quy định của Bộ Công thương. Công ty cũng không thanh toán tiền điện tháng 6, tháng 7.2019 và đối trừ vào số tiền mà công ty cho rằng ngành điện đã thu do áp dụng sai điều khoản xác định đối tượng mua bán điện.

Ngành điện đã có văn bản yêu cầu Công ty Lộc Vượng thanh toán tiền điện đúng quy định, nếu không sẽ ngừng cấp điện.

Trước mâu thuẫn trên, Công ty Lộc Vượng và Công ty Điện lực Hải Dương mong muốn Sở Công thương đứng ra giải quyết để các bên sớm ổn định hoạt động kinh doanh. Về việc này, ông Lưu Văn Thành, Trưởng Phòng Năng lượng Sở Công thương cho rằng Cục Điều tiết điện lực đã có văn bản hướng dẫn nên các bên phải thực hiện theo hướng dẫn của cục.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng Luật sư Á Đông, việc mua bán điện giữa 2 doanh nghiệp được thể hiện bằng hợp đồng. Trước hết các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì hai bên cùng đàm phán, thương lượng giải quyết vướng mắc trên tinh thần tôn trọng quyền lợi của nhau và phải đúng pháp luật. Công ty Lộc Vượng có quyền ký hay không ký phụ lục hợp đồng để thay đổi giá bán buôn điện từ điều 13 sang điều 14. Khi đã ký thì đơn vị có trách nhiệm thực hiện, kết quả kinh doanh lỗ hay lãi không thuộc trách nhiệm của Công ty Điện lực Hải Dương. Nếu các bên không thương lượng giải quyết được tranh chấp thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

PV