Trung Quốc không nên nhầm lẫn sự kiềm chế của các nước láng giềng là yếu đuối

Bình luận - Ngày đăng : 16:33, 01/08/2019

Các chuyên gia quốc tế bày tỏ quan ngại về hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt Bắc Kinh đưa nhóm tàu khảo sát địa chấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.


Tàu hải cảnh 3901 - một trong những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới hộ tống tàu khảo sát Hải Dương 8 khảo sát trái phép tại vùng biển ở khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Trung Quốc “phớt lờ” luật pháp quốc tế

Việc Trung Quốc cử nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến hành hoạt động thăm dò trái phép gần bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam đã dấy lên nhiều quan ngại. Từ ngày 16 - 26.7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 3 lần đưa ra tuyên bố khẳng định chủ quyền tại khu vực này, đồng thời thực hiện nhiều hình thức ngoại giao, trao công hàm phản đối yêu cầu phía Trung Quốc rút tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động phi pháp.

Liên quan vấn đề này, ông Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của tờ Diplomat đã có bài viết đánh giá hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông khiến tình hình khu vực ngày càng xấu đi. Bài viết cho rằng, 3 năm sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực được lập theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), một sự thật ngày càng trở nên rõ ràng là Trung Quốc hoàn toàn không có ý định tuân thủ luật pháp quốc tế. Với hoạt động điều nhóm tàu khảo sát thăm dò địa chất trái phép gần khu vực bãi Tư Chính, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự coi thường phán quyết của Tòa trọng tài thường trực và UNCLOS 1982.

Bài viết nhấn mạnh, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong cái gọi là "đường 9 đoạn" (mà nước này đơn phương vẽ ra để đòi chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông), thế nhưng Bắc Kinh vẫn khăng khăng với đòi hỏi của họ.

Với hoạt động thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông hồi đầu tháng 7.2019 và cản trở các quốc gia khác tiếp cận nguồn tài nguyên trên thềm lục địa của họ, Bắc Kinh tiếp tục thách thức hiện trạng trên Biển Đông. Việc tàu hải cảnh 3901 của Trung Quốc - một trong những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới hộ tống tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh tiếp tục sử dụng lực lượng chấp pháp trên biển để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền phi lý của nước này.

Tiêu chuẩn kép của Bắc Kinh

Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) có trụ sở tại Washington (Mỹ) đánh giá, tình hình ở Biển Đông hiện nay rất nguy hiểm bởi sự hiện diện của nhóm tàu của Trung Quốc tại vùng biển gần bãi Tư Chính dễ dẫn đến “nguy cơ va chạm ngẫu nhiên khiến căng thẳng leo thang”.

Theo AMTI, tình huống này đã tiết lộ tiêu chuẩn kép trong hành vi của Trung Quốc: Bắc Kinh tỏ quyết tâm ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí của các nước láng giềng ở bất cứ nơi nào trong cái gọi là “đường 9 đoạn”, trong khi chính họ lại vẫn tiến hành các hoạt động thăm dò năng lượng. Chuyên gia Swee Lean Collin Koh thuộc Học viện Chiến lược và Quốc phòng Singapore lý giải: “Xét theo quan điểm của Trung Quốc, bất kỳ hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí nào trong khu vực thuộc yêu sách đường 9 đoạn đều bị xem là vi phạm pháp luật do các vùng biển đó là vùng biển đang tranh chấp, mặc cho yêu sách này đã bị bác bỏ”.

Bài viết của tác giả Ankit Panda nhận định, nguy cơ đặt ra từ việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm căng thẳng leo thang sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tiến hành khai thác hoặc cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên theo cách thức hợp lý. Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục hành vi “cưỡng ép” thì chừng đó các quốc gia nhỏ hơn sẽ còn gặp thách thức khi tiếp cận với nguồn lực tại Biển Đông.

Trong một bài viết khác trên tờ Maritime issues với tiêu đề “Bước đi sai lầm của Trung Quốc ở Biển Đông” (China’s Misstep in the South China Sea), tác giả Luc Anh Tuan, Trường Đại học New South Wales cho rằng, tại một thời điểm nào đó, Trung Quốc có thể đạt được một số mục tiêu bằng cách “phô trương sức mạnh”, nhưng về lâu dài Bắc Kinh sẽ vấp phải phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng và hành động tập thể từ cộng đồng quốc tế. “Trung Quốc không nên nhầm lẫn sự kiên nhẫn và kiềm chế của các quốc gia trong khu vực là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà đó chẳng qua là cử chỉ thiện chí để thúc đẩy những suy nghĩ tích cực, mang tính xây dựng. Hành động một cách quá mức sẽ chỉ làm suy yếu uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế”.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)