Không được chủ quan trước bão số 3
Môi trường - Ngày đăng : 13:37, 02/08/2019
* Bão số 3 suy yếu, Bắc Bộ sẽ có mưa rất to
* Đóng cửa sân bay Cát Bi và Vân Đồn trong 24 giờ
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái kiểm tra tại trạm bơm Đò Hàn ở xã An Châu (TP Hải Dương)
Sáng 2.8, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão tại trạm bơm Đò Hàn, xã An Châu (TP Hải Dương); điểm sạt lở ở xã Minh Tân và một số hộ nuôi cá lồng ở xã Nam Tân (Nam Sách).
Sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại trạm bơm Đò Hàn (TP Hải Dương), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái yêu cầu cán bộ và công nhân trạm bơm chấp hành quy định trực ban 24/24 giờ. Kiểm tra toàn bộ hệ thống máy móc để sẵn sàng bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Hiện nay, bão số 3 chưa đổ bộ vào đất liền nhưng dự báo sẽ gây mưa lớn nên phải đề phòng ngập úng ở các khu vực trũng thấp, đặc biệt là diện tích lúa gieo vãi, cây trồng còn thấp dễ bị ngập úng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái kiểm tra điểm sạt lở bãi sông kè Hùng Thắng ở xã Minh Tân (Nam Sách)
Trạm bơm Đò Hàn hiện có 7 máy bơm công suất 8.000 m3/giờ/máy; 2 máy công suất 4.000 m3/giờ/máy phục vụ tưới và tiêu cho diện tích đất nông nghiệp ở các xã An Châu, Thượng Đạt (TP Hải Dương) và một phần diện tích đất nông nghiệp của huyện Nam Sách.
Kiểm tra điểm sạt lở ở bãi sông kè Hùng Thắng, sông Thái Bình ở xã Minh Tân (Nam Sách), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện, lãnh đạo địa phương phải theo dõi sát những diễn biến của điểm sạt lở, chuẩn bị nhân lực, vật tư tại chỗ để sẵn sàng xử lý khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh sớm đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí để xử lý sự cố. Yêu cầu địa phương tăng cường cử lực lượng trực ban, theo dõi tại điểm sạt lở để phát hiện và xử lý nghiêm các tàu hút cát trên sông, bảo đảm an toàn cho tuyến đê.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái kiểm tra các lồng bè nuôi cá trên sông ở xã Nam Tân (Nam Sách)
Sự cố sạt lở ở bãi sông kè Hùng Thắng bắt đầu diễn ra từ tháng 7, cung sạt dài 31 m, chỗ rộng nhất 8m, tụt tạo vách thẳng đứng với điểm gần nhất cách chân đê 18,5 m. Đây là một trong những sự cố sạt lở nghiêm trọng của tỉnh cần được xử lý khẩn cấp.
Đối với các hộ nuôi cá lồng ở xã Nam Tân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái yêu cầu chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và cử cán bộ hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa bão, tránh để xảy ra sự cố vỡ lồng bè như mùa mưa bão năm 2015. Xã Nam Tân hiện có hơn 1.000 lồng cá của 84 hộ dân, nhiều nhất tỉnh.
Người dân kiểm tra các mối hàn, dây neo để bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, bão số 3 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Hải Dương. Do ảnh hưởng của bão nên từ chiều và đêm 2.8 đến ngày 4.8, các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa cả đợt dao động từ 80 - 150mm, có nơi cao hơn. Gió mạnh dần lên cấp 4, cấp 5 sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh yêu cầu các xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các huyện mở các cống dưới đê để tháo gạn nước đệm
Cũng theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong 24 giờ qua, mực nước các sông biến đổi chậm. Mực nước lúc 7 giờ ngày 2.8, trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 1,59m. Ngày 3.8, mực nước các sông tiếp tục biến đổi chậm và dao động theo ảnh hưởng của thủy triều. Mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại lúc 19 giờ ở mức 2,05 - 2,15m; sông Gùa tại Bá Nha đỉnh triều lúc 21 giờ ở mức 1,8 - 1,9m.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ ngập úng khu vực nội thành do ảnh hưởng của bão số 3, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã điều động 54 công nhân vận hành các trạm bơm, phụ trách cống ngầm, hồ điều hòa trên địa bàn thành phố. Việc chống úng tập trung ở các khu vực phía tây thành phố và phía bắc đường sắt do thường xảy ra ngập nặng. Đến sáng 2.8, việc tháo gạn qua các cống tự chảy và bơm động lực đã hoàn thành. Mực nước ở các kênh trục và hồ điều hòa đáp ứng được việc dự trữ và tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn.
Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương cắt tỉa cây xanh trên đường Bạch Đằng
Công ty chủ động cắt tỉa cây xanh trên các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Ngô Quyền, Bạch Đằng để đề phòng gió mạnh.
Hiện nay, diện tích lúa mùa của huyện Thanh Hà đang giai đoạn đẻ nhánh rộ. Nông dân trong huyện đã trồng khoảng 540 ha rau hè thu, nhiều diện tích vải sớm đang ra lộc mới, cây ổi trái vụ đang ra hoa. Qua kiểm tra sản xuất trước cơn bão số 3, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà đề nghị UBND các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan khẩn trương huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Lập phương án tiêu úng, thoát nước cho diện tích lúa có nguy cơ bị ngập úng, vùng có nguy cơ ngập úng cao. Các hộ dân cần che, chống, lên luống để tiêu thoát nước nhanh cho rau màu hè thu, hạn chế tối đa đổ, gãy, dập nát do mưa úng.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà kiểm tra việc ứng phó với bão số 3 tại xã Vĩnh Lập
Đối với diện tích cây ăn quả, các hộ dân khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước trên vườn kịp thời. Cắt tỉa, phát quang tán cây tạo độ thông thoáng, giảm sức cản của gió, dùng đất hoặc bao đựng đất, cát đắp ụ quanh gốc, dùng cây chống, dây chằng níu xung quanh gốc cây để chống đổ, gẫy, đặc biệt là một số xã trồng nhiều chuối như Thanh Khê, Thanh Hải, Thanh Cường, xã trồng nhiều bưởi như Thanh Hồng.
Huyện Kim Thành yêu cầu các xã, thị trấn triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn khi có mưa lớn xảy ra. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện kiểm tra toàn bộ các trạm bơm tiêu úng. Điện lực Kim Thành sẵn sàng phương án cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu trên địa bàn. Đối với các vùng trũng có nguy cơ ngập úng cục bộ như Tuấn Hưng, Cộng Hòa, Việt Hưng... phải theo dõi chặt chẽ mực nước để vận hành các máy bơm, bảo đảm tiêu úng kịp thời. Hướng dẫn người dân gia cố, chằng néo, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Đối với cây rau màu hè thu, khẩn trương thu hoạch những diện tích đã đến kỳ. Với diện tích mới trồng, dùng nilon, rơm rạ che phủ...
Đến 15 giờ ngày 2.8, các trạm bơm trong huyện đã được kiểm tra, sẵn sàng vận hành khi có mưa lớn, 50 lồng nuôi cá của người dân đã được gia cố. 100% các trọng điểm đê điều có phương án bảo vệ.
Huyện Kim Thành hiện có khoảng 700 ha rau màu và hơn 4.000 ha lúa mùa.
Vùng núi xã An Sinh là nơi dễ xảy ra sạt lở và lũ quét khi có bão
Từ đêm 1.8, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kinh Môn mở trên 80 cống, tháo gạn nước trong đồng. Đến chiều ngày 2.8, mực nước trong nội đồng chỉ còn khoảng 0,1 m. Huyện cũng yêu cầu các xã Hiệp An, An Phụ, An Sinh, Tân Dân, Hoành Sơn, Bạch Đằng và thị trấn Kinh Môn chủ động các phương án nếu xảy ra sạt lở và lũ quét. Các hộ nuôi cá lồng lớn ở các xã An Phụ, Minh Hòa, Thăng Long, Lê Ninh thu hoạch cá và áp dụng các biện pháp chằng chống, bảo đảm an toàn cho các lồng cá...
Kinh Môn khuyến cáo nông dân tích cực thu hoạch rau màu, nhất là dưa hấu, dưa lê, chủ động làm khung che nilon cho các loại rau ăn lá, rau gia vị dễ bị dập nát. Có các phương án tiêu úng kịp thời cho diện tích lúa.
Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Miện đã kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình thuỷ lợi chống úng. Từ sáng 2.8, toàn bộ nhân lực của đơn vị thực hiện trực 24/24 giờ. 34 trạm bơm sẵn sàng đóng điện để bơm tiêu úng trong trường hợp mưa lớn. Xí nghiệp đã triển khai các phương án chủ động hạ thấp mực nước sông trục, kênh mương tiêu thoát nước bảo đảm thông thoáng. Các trạm bơm tiêu úng chính như Đò Luồi, Phí Xá, Chùa Khu... đều đã gạn tháo nước đệm. Các xã ven đê sông Luộc, Cửu An, Tây Kẻ Sặt tranh thủ mực nước sông còn thấp mở tất cả các cống tháo gạn bằng biện pháp tự chảy. Trạm quản lý Neo – My Động thực hiện phương án tiêu úng khi có diễn biến mưa lớn, ưu tiên cho diện tích lúa, cây rau màu ở các vùng trũng thấp và các khu vực nuôi thủy sản tập trung. Đến 7 giờ ngày 2.8, lượng mưa đo được tại huyện Thanh Miện là 35mm.
Chiều 2.8, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Gia Lộc đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các xã Đoàn Thượng, Yết Kiêu, Đồng Quang, Lê Lợi, Gia Xuyên; một số trạm bơm tiêu úng trọng điểm gồm Khuông Phụ (xã Yết Kiêu), Quang Tiền (xã Đồng Quang), Bùi Hạ (xã Lê Lợi)…
Các địa phương và trạm bơm đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án chống bão, úng.
Người dân thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) căng nilon che phủ cho diện tích rau màu
Xã Gia Xuyên là địa phương khó xử lý tiêu úng nhất trong huyện do nằm ở cuối nguồn. Toàn xã có trên 70 ha trồng đào. Các hộ dân trồng đào ở đây đã chuẩn bị gần 400 máy bơm điện, máy bơm xăng để sẵn sàng tiêu úng. Xã đã mở 8 cống để tiêu nước từ trong các kênh mương nội đồng ra sông Đồng Tràng và kênh Thạch Khôi – Đoàn Thượng.
Nhân viên trạm bơm Cầu Sộp A (Bình Giang) kiểm tra hệ thống máy móc, sẵn sàng phương án tiêu úng
Nhân viên kỹ thuật của VNPT- Vinaphone Hải Dương kiểm tra, gia cố lại trạm BTS
VNPT- Vinaphone Hải Dương đã triển khai lực lượng rà soát, kiểm tra, gia cố lại toàn bộ 310 trạm BTS. Đơn vị bố trí nhân viên kỹ thuật trực 24/24 giờ tại các đài, trạm, chuẩn bị vật tư thay thế thiết bị hư hỏng do bão gây ra bảo đảm liên lạc cho khách hàng. Hoàn thành bảo dưỡng vô tuyến, truyền dẫn nội tỉnh và hạ tải các cột ăng ten có tải trọng lớn. Đơn vị đã chuẩn bị xe phát sóng lưu động phục vụ thông tin đột xuất. Trong trường hợp thời tiết xấu, đường truyền liên lạc bị chia cắt, VNPT sẽ đưa vào sử dụng mạng vô tuyến CODAN và điện thoại vệ tinh Vinasat bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho các cơ quan đảng, chính quyền.
Bão số 3 suy yếu, Bắc Bộ sẽ có mưa rất to Dự báo đường đi của bão số 3 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 2.8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,4 độ vĩ bắc, 108,4 độ kinh đông, ngay phía đông Móng Cái (Quảng Ninh), cách Hải Phòng khoảng 200 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. |
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão tại TP Hạ Long |
14 giờ chiều 2.8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đến khu vực tránh trú bão sau Nhà máy đóng tàu Hạ Long thuộc phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo đoàn công tác về tình hình kêu gọi tàu bè về tránh bão đồng thời kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh tích cực đưa người dân tại các tàu, lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, kiên quyết không để người ở lại, thậm chí phải cưỡng chế để đưa người dân lên bờ tránh trú bão an toàn.
Hải Phòng: Điều động 2 tàu cứu hộ ứng trực tại vịnh Lan Hạ
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I đã điều động tàu SAR 411, SAR 273 ứng trực tại vịnh Lan Hạ, Cát Bà; canô 02, 03, 06 ứng trực ở khu vực Bắc sông Cấm, Hải Phòng, thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão.
Các tàu, thuyền đã về nơi tránh trú neo đậu an toàn. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Tại đảo xa Bạch Long Vĩ, Trạm 1 Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã điều động 10 chiến sĩ giúp nhân dân trên đảo chằng buộc, gia cố nhà cửa, vận động tàu thuyền vào neo đậu trong âu cảng, đưa trên 40 thuyền, mủng từ âu cảng lên bờ an toàn trước bão. Hiện có hơn 1.600 phương tiện neo đậu âu cảng Bạch Long Vĩ, 30 phương tiện đang hoạt động quanh đảo trong phạm vi 15 hải lý. Chính quyền, nhân dân cùng các lực lượng trên đảo đang theo dõi sát diễn biến của bão để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Đóng cửa sân bay Cát Bi và Vân Đồn trong 24 giờ
Do ảnh hưởng của bão số 3, Cục Hàng không Việt Nam vừa thông báo tạm ngưng khai thác các chuyến bay đến sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và sân bay Cát Bi (Hải Phòng) từ 12 trưa 2.8 đến 12 trưa 3.8 để bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác.
Dự báo cơn bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chuyến bay khai thác tại sân bay Vân Đồn và sân bay Cát Bi. Do đó, các hãng hàng không đã điều chỉnh kế hoạch khai thác chuyến bay đến, đi từ các sân bay Hải Phòng và Vân Đồn trong các ngày 2-3.8.
Trong ngày 2.8, trên đường bay giữa TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, Vietnam Airlines sẽ hủy các chuyến là VN1186, VN1189, VN1192, VN1193 và VN1194. Ngoài ra, Vietnam Airlines bay sớm các chuyến VN1184, VN1187 để bảo đảm hạ cánh tại sân bay Hải Phòng trước 12 giờ do sân bay Cát Bi đóng cửa.
Trên đường bay giữa Đà Nẵng và Hải Phòng, Vietnam Airlines hủy các chuyến VN1672, VN1673. Trên đường bay giữa TP Hồ Chí Minh và Vân Đồn, Vietnam Airlines hủy các chuyến VN1286, VN1287.
Trong ngày 3.8, giữa TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, Vietnam Airlines hủy chuyến bay VN1181. Hãng cũng lùi giờ khai thác các chuyến VN1180, VN1183 (dự kiến khoảng 5 tiếng) để bảo đảm hạ cánh tại sân bay Cát Bi sau 12 giờ ngày 3.8.
Hãng hàng không Vietjet, Jetstar Pacific cũng lên phương án điều chỉnh bay đến sân bay Vân Đồn và Cát Bi.
Hãng hàng không Bamboo Airways cũng dự kiến điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay trong khu vực bị ảnh hưởng, trong đó chuyển đổi sân bay khai thác từ Hải Phòng sang Hà Nội với một số chuyến bay và thay đổi lịch khởi hành dự kiến đối với một số chuyến bay khác.
PV