Mỹ - Nhật - Úc lên án hành vi cản trở khai thác dầu khí ở Biển Đông
Tin tức - Ngày đăng : 08:52, 03/08/2019
Từ trái qua: Ngoại trưởng Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt tay trong cuộc gặp ở Thái Lan. Ảnh chụp màn hình SHM
Báo The Sydney Morning Herald (SMH) của Úc đưa tin Ngoại trưởng Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 2.8 đã cùng ra tuyên bố chung lên án hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng ba nước này đã bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" đối với "các báo cáo đáng tin cậy về những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí có từ lâu đời" ở Biển Đông.
Theo SMH, dù không nêu đích danh Trung Quốc, tuyên bố này ám chỉ đến việc các tàu Trung Quốc quấy rối và cản trở tàu Việt Nam trong việc tiếp cận các giàn khoan dầu quan trọng ở Biển Đông.
"Các ngoại trưởng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về những diễn biến tiêu cực ở Biển Đông, gồm việc triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến ở những thực thể tranh chấp" - tuyên bố chung của các ngoại trưởng nêu rõ, sau cuộc gặp giữa ba bên trong khuôn khổ Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52 và các hội nghị liên quan đang diễn ra ở Thái Lan.
Bộ ba Ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Úc cũng tái khẳng định cam kết đối với luật pháp quốc tế và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong lĩnh vực hàng hải.
"Các ngoại trưởng phản đối mạnh mẽ những hành động đơn phương mang tính ép buộc có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng như cải tạo đất, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các thực thể tranh chấp và những hành động làm thay đổi vĩnh viễn môi trường biển ở những khu vực chưa phân định" - tuyên bố chung nêu rõ.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch hôm 31.7 đã bày tỏ lo ngại về hoạt động khảo sát của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engel hôm 26.7 cũng đã ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong những ngày qua.
"Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, những hành động của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam" - ông Engel tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng quan ngại việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò và khai thác đã có từ lâu đời của Việt Nam.
BÌNH AN (Tuổi trẻ)