Vì sao hiệu trưởng Đại học Đông Đô bị bắt?

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 14:57, 03/08/2019

Cơ quan điều tra xác định số tiền hưởng lợi từ hành vi vi phạm của hiệu trưởng Đại học (ĐH) Đông Đô và các bị can là rất lớn.

3/4 bị can (từ trái qua) gồm: Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang và Phạm Vân Thùy. Ảnh: Công an cung cấp

Ngày 2.8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án "giả mạo trong công tác", xảy ra tại ĐH Đông Đô, đồng thời khởi tố bị can để điều tra về tội "giả mạo trong công tác", quy định tại điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với 4 bị can.

4 bị can bị khởi tố gồm Dương Văn Hòa (Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô), Trần Ngọc Quang (Phó Trưởng Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên), Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương - đều là cán bộ Trường ĐH Đông Đô.

Đào tạo chính quy tiếng Anh không phép, số tiền hưởng lợi rất lớn

Sau khi có quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc với Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang; cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc với Phạm Vân Thùy, Lê Thị Lương.

Kết quả điều tra ban đầu xác định nhiều phòng tuyển sinh của trường này đã nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh và khẳng định việc thi đầu vào chỉ là hình thức, đã nộp hồ sơ, đóng tiền sẽ đậu.

Để thu hút thí sinh, ĐH Đông Đô ra thông báo chiêu sinh với những lời giới thiệu hấp dẫn về "lợi ích của việc học văn bằng ĐH thứ hai ngành ngôn ngữ Anh", như "được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính... theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)".

Tuy nhiên, trên thực tế ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo bằng ĐH văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Cụ thể, Bộ GD-ĐT khẳng định: "Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo bằng ĐH thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh theo quyết định số 22 ngày 26.6.2001 của Bộ GD-ĐT quy định đào tạo để cấp bằng ĐH thứ hai".

Mức học phí áp dụng đối với loại hình văn bằng 2 tiếng Anh do hiệu trưởng ĐH Đông Đô ký năm học 2018-2019 có mức thu toàn khóa học gần 30 triệu đồng với sinh viên học tại tầng 5 số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội và 35 triệu đồng đối với sinh viên học cơ sở khác.

Năm 2018, hiệu trưởng ĐH Đông Đô đã công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh. Mỗi đợt có hàng trăm học viên được công nhận tốt nghiệp.

Năm học 2016 cũng có 47 thí sinh được Trường ĐH Đông Đô thông báo trúng tuyển hệ văn bằng 2 chính quy tiếng Anh. Tương tự, năm 2017 có 138 thí sinh trúng tuyển.

Cơ quan điều tra xác định số tiền hưởng lợi từ hành vi vi phạm của hiệu trưởng ĐH Đông Đô và các bị can là rất lớn.

Cấp phát bằng là trách nhiệm của trường

Ngay sau khi hiệu trưởng và một số cán bộ ĐH Đông Đô bị bắt, trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, đã giải thích về trách nhiệm của trường trong sự việc này.

Theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Bộ GD-ĐT với chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.

Ông Mai Văn Trinh cho biết khi ĐH Đông Đô có dấu hiệu về việc cấp phát văn bằng không đúng quy định, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Công an trong việc điều tra để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở giáo dục này.

"Trường ĐH Đông Đô tự in phôi bằng hay nhận phôi từ Bộ GD-ĐT, quản lý việc này như thế nào?". Trả lời câu hỏi này của phóng viên, ông Mai Văn Trinh cho biết theo quy định tại quy chế quản lý bằng các cấp từ THCS đến ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo thông tư số 19/2015 của Bộ trưởng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ GD-ĐT quy định.

Với việc tự in phôi bằng, "Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH phê duyệt mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ, gửi mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ về Bộ GD-ĐT và cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan công an địa phương nơi đóng trụ sở chính để báo cáo, chịu trách nhiệm về nội dung in trên phôi văn bằng, chứng chỉ và tổ chức in phôi văn bằng, chứng chỉ" - ông Trinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục ĐH do có những khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng nên vẫn nhận phôi bằng từ Bộ GD-ĐT. Trong cả hai trường hợp, trách nhiệm quản lý phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ đều thuộc về các trường.

Với vụ việc ở ĐH Đông Đô, "Bộ chỉ cung ứng phôi bằng cho trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát bằng là trách nhiệm của trường. Trường phải tuân thủ các quy định hiện hành trong công tác quản lý, cấp phát bằng" - ông Trinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, hằng năm, các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo Bộ GD-ĐT tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã sử dụng.

Các trường cũng phải công bố công khai thông tin quá trình thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, in, quản lý văn bằng, chứng chỉ, thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Quyền lợi của sinh viên và người đã tốt nghiệp thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết với những người học thật, thi thật, đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện tuyển sinh đầu vào cũng như điều kiện đầu ra khi tốt nghiệp, quá trình tổ chức, quản lý đào tạo theo đúng quy chế, có hồ sơ lưu minh chứng đầy đủ..., nhà trường phải bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học theo đúng quy định.

Tuy nhiên, vụ việc đang trong giai đoạn điều tra, do đó phải chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ có các phương án xử lý phù hợp với các quy định hiện hành.

Mở rộng thanh tra, kiểm tra việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ

Ngày 2.8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết với vụ việc xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, Bộ GD-ĐT đã phối hợp cơ quan điều tra.

Ngoài ra, cũng liên quan đến đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh, Bộ GD-ĐT vừa thanh tra đột xuất tại Trường ĐH Thành Đô - một trường ĐH tư đóng tại Hà Nội.

Theo ông Bằng, trước đó bộ nhận được thông tin phản ánh việc đào tạo văn bằng 2 tại Trường ĐH Thành Đô không đúng quy định. Việc thanh tra này do bộ chủ trì nhưng có sự phối hợp liên ngành GD-ĐT và công an thực hiện. Dự kiến ngay trong tuần tới, bộ sẽ công bố kết luận thanh tra.

Theo nguồn tin của phóng viên, thời gian qua, việc học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh "gây sốt" với những người có nhu cầu học sau ĐH cũng như những người sắp bước vào các kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch viên chức, công chức vì nếu có văn bằng 2, các ứng viên sẽ được miễn môn thi này.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đã kiểm tra việc thực hiện các quy định về công tác bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ của Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Qua kiểm tra, thanh tra bộ đã kiến nghị Trường ĐH Kinh tế quốc dân chấm dứt việc tổ chức các khóa bồi dưỡng, thi cấp chứng chỉ chứng nhận hoàn thành và đạt chuẩn đầu ra khóa bồi dưỡng năng lực tiếng Anh; chứng chỉ chứng nhận đã tham dự kỳ thi tiếng Anh trình độ tương đương A2, B1, B2 theo khung tham chiếu chung châu Âu cho các đối tượng không đúng quy định.

Đồng thời, đề nghị trường rà soát toàn bộ việc cấp chứng chỉ, chứng nhận đối với các chương trình đào tạo ngắn hạn, trong đó có việc bồi dưỡng, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Việc in phôi, quản lý, sử dụng chứng chỉ dùng chung cho các chương trình đào tạo ngắn hạn phải bảo đảm đúng quy định.

Đặc biệt, thanh tra bộ cũng đề xuất tiếp tục thanh tra, kiểm tra đột xuất hoạt động bồi dưỡng, thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, ứng dụng CNTT tại một số cơ sở đào tạo để có giải pháp quản lý hiệu quả.

Theo Tuổi trẻ