Vợ liệt sĩ nuôi con thành đạt
Đời sống - Ngày đăng : 09:41, 04/08/2019
Bà Mai Thị Thơm bên cạnh các con cháu
Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, khó khăn chất chồng nhưng bà vẫn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nuôi dạy cả 4 người con khôn lớn thành đạt.
Vất vả
Chỉ vào căn nhà cấp 4 vừa được sửa khang trang, sạch đẹp, bà Thơm cười tươi bảo: “Căn nhà này được xây năm 1975, là tiền tôi tích góp lăn lộn mới làm được. Hồi ấy, nó to cũng thuộc hạng nhất, nhì làng. Vừa rồi sửa lại, cũng một tay tôi lo kinh phí, không phải nhờ ai cả”. Giọng nói còn thanh, tiếng cười sang sảng khiến chúng tôi khó tin bà đã ở tuổi 83. Dù con cái đều thành đạt, đuề huề, 2 con trai lại lập gia đình ở cạnh bên nhưng bà vẫn chọn ở một mình trong ngôi nhà kỷ niệm. Ngôi nhà ấy, chồng bà chưa một lần được ở nhưng sẽ mãi là nơi để ông "đi về". Và đó cũng là nơi 4 người con trai của bà đã lần lượt trưởng thành.
Nhìn ngắm ngôi nhà nhớ về những bước ngoặt cuộc đời, bà Thơm tự nhận đời mình lắm gian truân. Thời được mai mối gặp ông, bà thuộc dạng “ế” của làng. Vì bố mất sớm, bà Thơm phải cùng mẹ gánh vác việc gia đình, nhắc đến tình duyên bà cứ lần lữa mãi, chỉ đến khi các em đã lần lượt phương trưởng, dựng vợ, gả chồng, bà mới tính đến duyên mình.
Năm 22 tuổi, qua mai mối bà gặp được chàng sĩ quan quân đội Đỗ Xuân Tam, thời ấy ông đang công tác tại Tổng cục Hậu cần. Cảm phục trước tình cảm của người chiến sĩ, bà gật đầu đồng ý về chung một nhà. Làm vợ chiến sĩ, bà hiểu trước mắt sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi có chuỗi ngày ông sẽ vắng nhà biền biệt. Lường trước sự việc nhưng bà cũng không thể ngờ bất hạnh lại ập đến cuộc đời mình quá sớm. Năm 1972, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chồng bà hy sinh. Thời điểm ấy, con trai út mới được hơn 1 tuổi, cảnh mẹ góa con côi ập đến bất ngờ khiến bà suy sụp. Thế nhưng nhìn thấy đàn con thơ, bà lại tự dặn mình phải mạnh mẽ.
Gương sáng nghị lực
Một mình nuôi 4 đứa con, dẹp nỗi đau sang một bên, bà quần quật lao động để lo công điểm cho 5 nhân khẩu. Sau bà còn đăng ký đi học thêm y tá để phục vụ địa phương. Có thời điểm đi học về thấy làng bên bị giặc Mỹ thả bom chết nhiều trẻ nhỏ, xóm làng xơ xác, bà thất kinh chạy về tìm con thì may thay các con đều đã kịp chạy sơ tán.
Giỏi làm kinh tế, thạo công việc xã hội nên bà được nhiều người để ý. Thế nhưng bà kiên quyết không đi bước nữa, ở vậy nuôi con. Niềm vui của bà là lo cho con được no đủ, học hành đến nơi đến chốn. Bà kể đến giờ không nhớ đã chữa bệnh, đỡ đẻ cho bao nhiêu người, có người đẻ 5 lần, bà đỡ cả 5 nhưng không lấy một đồng tiền công. Bà công tác ở UBND xã, được nhiều người tín nhiệm, quý mến. Có lẽ vì tấm gương ấy của mẹ mà các con bà cũng phấn đấu noi theo.
Bà nuôi dạy 4 người con đều phương trưởng thành đạt, nhưng bà cũng tự nhận còn do may mắn vì các con bà đều ngoan ngoãn. Thương mẹ vất vả, ngay từ bé 4 anh em đã tự biết bảo ban nhau học hành, phụ mẹ việc nhà để mẹ yên tâm công tác.
Đến giờ, 4 con của bà đều đã thành đạt. Anh cả là Đỗ Đức Minh (sinh năm 1959) được Nhà nước cử đi học ở Liên Xô 5 năm, về công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân. Anh thứ hai là Đỗ Công Hoan (sinh năm 1962) hiện đang giữ chức Trưởng phòng của Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch. Anh thứ ba là Đỗ Thành Vượng (sinh năm 1965) hiện là trưởng một khoa của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Còn anh út Đỗ Mạnh Khương (sinh năm 1970) học hết cấp 3, bà đích thân đưa con vào miền Nam nhờ vả người trong họ dẫn dắt để con học nghề. Đến nay, anh Khương đã có công ty riêng về lĩnh vực xuất nhập khẩu. 4 cô con dâu của bà Thơm cũng đều thành đạt, công tác ở các ngành tòa án, sư phạm, làm bác sĩ và kinh doanh.
Nói về bí quyết giữ nếp nhà, bà Thơm bảo: “Không phải vì con cái phương trưởng, thành đạt mà mình ỉ vào con. Tôi 83 tuổi rồi nhưng vẫn cố gắng tự thân vận động, cái gì mình tự làm được thì mình làm, để con cái yên tâm công tác, cống hiến cho xã hội”. Với 52 tuổi Đảng, bà bảo rất vui khi vừa qua còn là 1 trong 12 gia đình được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen gia đình văn hóa tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. “Những động lực ấy tiếp tục giúp tôi có tuổi già sống vui, sống khỏe”, bà Thơm nói.
Ông Đào Văn Chuy, cán bộ văn hóa xã Cao An (Cẩm Giàng) cho biết: Thời kháng chiến chống Mỹ, bà Thơm là gương điển hình của phong trào phụ nữ Ba đảm đang, được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chứng nhận 2 lần vào năm 1967 và 1974. Hơn 50 năm làm công tác xã hội, giữ nhiều trọng trách quan trọng ở địa phương, bà đều hoàn thành nhiệm vụ, làm việc năng nổ, liêm khiết. "Ngay cả bây giờ tuổi đã cao, bà vẫn tích cực trong các cuộc vận động, tuyên truyền, tiếng nói của bà được người dân coi trọng. Đặc biệt, bà là vợ liệt sĩ, một mình nuôi 4 người con đến nay đều thành đạt, gia đình hòa thuận, chúng tôi rất cảm phục. Gia đình bà Thơm là gia đình mẫu mực", ông Chuy nói.
HUYỀN ANH