Tự hào là lính hải quân

Tin tức - Ngày đăng : 08:23, 05/08/2019

Với những người lính từng công tác ở Trường Sa, ký ức hào hùng của một thời vượt qua muôn vàn gian khó để xây dựng, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc vẫn mãi là niềm tự hào.

40 năm trôi qua, ông Vũ Quốc Tuấn vẫn luôn lưu giữ, trân trọng những món quà từ Trường Sa

Kiên cường giữa biển khơi

Năm 1971, ông Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Gia Lộc lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được cử đi học sĩ quan, rồi về công tác tại Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126. Đầu năm 1976, ông Tuấn được điều động đi làm nhiệm vụ tiếp quản, bảo vệ quần đảo Trường Sa. "Những đảo ở Trường Sa lúc đó chỉ là bãi đá rộng, hầu như không có cây cối. Nhà ở của chiến sĩ được quây bằng tôn, giường nằm là những tấm ghi sắt ghép lại. Khó khăn nhất là thiếu rau xanh và nước ngọt. Mỗi năm chỉ có 1 - 2 chuyến tàu từ đất liền ra đảo tiếp tế nhu yếu phẩm, thư báo nên thiếu thốn mọi thứ. Nước ngọt khan hiếm, mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ được cấp hơn 1 lít nước/ngày. Bữa ăn của bộ đội chủ yếu là đồ hộp và một phần từ hải sản đánh bắt", ông Tuấn nhớ lại. Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng tinh thần của cán bộ, chiến sĩ luôn kiên cường. Ông Tuấn nhớ nhất kỷ niệm vào năm 1982, khi ông đang công tác ở đảo Song Tử Tây thì nhận được thư của gia đình báo tin con trai đầu lòng vừa tròn 1 tuổi bị mất do cảm. Thương con, nhớ nhà nhưng giữa biển trời bao la ông chỉ biết nén đau thương cùng cán bộ, chiến sĩ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên ông Vũ Quốc Tuấn ở thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) đặt chân lên đảo Sơn Ca làm nhiệm vụ, những ký ức cùng đồng đội vác đá xây đảo luôn in sâu trong tâm trí ông. "Khi ra đến đảo, chúng tôi rất bất ngờ. Một bãi sỏi đá lẫn cát hoang sơ dưới cái nắng như dội lửa. Sóng ầm ào, gió rát mặt, chỉ có chim hải âu và vịt biển. Ban ngày bộ đội vác đá từ ngoài đảo vào. Ban đêm 68 người trên đảo lại chui vào căn nhà cấp 4 chật chội dựng bằng những tấm gỗ dán. Khổ nhất là những ngày biển động, căn nhà ọp ẹp chỉ chực đổ sập trước cơn sóng dữ", ông Tuấn kể lại. Gần 5 năm gắn bó với đảo Sơn Ca, ông Tuấn rất nhớ những kỷ niệm của lính đảo. Mỗi lần đón văn công từ đất liền ra giao lưu, biểu diễn văn nghệ, anh em chiến sĩ lại cố tình kéo xuồng nghiêng để được đỡ và nắm tay các cô gái. Không ít anh em dù không biết hát nhưng vẫn mạnh dạn lên giao lưu cùng các ca sĩ để được... đứng cạnh con gái. Thiếu thốn tình cảm, mong ngóng lá thư nhà giữa chông chênh sóng biển nhưng anh em lính đảo sống như trong một gia đình lớn, một lòng quyết tâm vững chắc tay súng giữ biển đảo.

Nặng lòng với đảo

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, rời quần đảo Trường Sa, các cán bộ, chiến sĩ quê Hải Dương luôn hướng về biển đảo bằng nhiều hành động thiết thực. Hằng năm, Hội Cựu chiến binh huyện Gia Lộc thường xuyên phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức các buổi nói chuyện về biển đảo cho học sinh một số trường tiểu học, THCS trong huyện nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, năm học mới. "Qua mỗi dịp kể chuyện, các cháu học sinh sẽ hiểu hơn về biển đảo quê hương. Từ đó, các cháu dần có ý thức, tinh thần bảo vệ, quyết không để kẻ thù xâm phạm chủ quyền đất nước", ông Nguyễn Văn Tuấn nói. 

Về nghỉ chế độ từ năm 1985, ông Vũ Quốc Tuấn vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương, làm Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ rồi đến Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã... Ngoài theo dõi tình hình qua đài, báo, ti vi, ông còn thường xuyên liên lạc với đồng đội cũ để trao đổi, chia sẻ thông tin về biển đảo. "Mỗi khi nghe tin Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, tim tôi đau nhói. Mong rằng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn kiên cường, vững tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc", ông Tuấn nói.

Để tạo sự gắn kết, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm tình hình biển đảo, động viên nhau trong cuộc sống, Hội Chiến sĩ Trường Sa Hải Dương được thành lập từ năm 1998. Đến nay, hội có hơn 100 hội viên. Ngoài thăm viếng thành viên và tứ thân phụ mẫu qua đời, hội còn hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngày Thương binh, liệt sĩ, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, kỷ niệm ngày thành lập hằng năm, hội đều tổ chức thăm hỏi các hội viên là thương binh, gia đình liệt sĩ. Hội tích cực đóng góp Quỹ "Vì biển đảo Việt Nam", chương trình "Góp đá xây Trường Sa"... Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập hội (1.11), hội đều mời cán bộ, lãnh đạo Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Hải quân tới nói chuyện, cập nhật thông tin mới nhất về biển đảo tới các hội viên...

TRƯƠNG HÀ