Cô gái Hải Dương đỗ 9 trường đại học của Anh và Australia

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:21, 06/08/2019

Từ sinh viên có điểm trung bình 2.8, Nguyễn Thị Ngọc Lan trở thành một trong năm người đạt học bổng cao nhất của Đại học Bristol (Anh).


Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Lan

Nguyễn Thị Ngọc Lan, cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ nhập học bậc thạc sĩ tại Đại học Bristol (Anh) vào tháng 9. Ngoài trường đại học đứng thứ 10 xứ sở sương mù, Lan còn đỗ 8 trường khác, trong đó có Đại học Melbourne, xếp thứ nhất Australia. 

Được hỏi chọn mốc nào để kể về những thay đổi trong cuộc đời, Lan trả lời ngay là năm hai đại học. "Đó là giai đoạn khó khăn nhất khi mình không có bạn bè, không có ước mơ, học hành bết bát và rất cô độc", Lan nhớ lại.

Là cựu học sinh lớp Hóa Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Lan từng ước mơ trở thành bác sĩ. Được 26,25 điểm khối B (Toán - Hóa - Sinh), Lan không đủ điểm trúng tuyển ngành Y khoa Đại học Y Hà Nội. Những lần thi thử trước đó, Lan luôn đạt 29-30 điểm, thầy cô luôn nghĩ Lan chắc chắn đỗ. "Mình đã sụt 10 kg vì quá sốc và tuyệt vọng", cô gái quê Hải Dương kể.

Năm đó, Đại học Kinh tế quốc dân lần đầu tuyển khối B cho Viện Kế toán - Kiểm toán. Không suy nghĩ nhiều, Lan nộp nguyện vọng hai vào trường chỉ để cho... oai vì Kế toán - Kiểm toán đang "hot", lấy điểm cao nhất. Trúng tuyển, nhưng suốt năm đầu, Lan luôn cảm giác mình không thuộc về ngôi trường này.

Cô gái sinh năm 1997 muốn cho mình thêm cơ hội để trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội nên đăng ký thi lại đại học. Lần thứ hai, Lan vẫn đạt 26,25 điểm khối B và tiếp tục lỡ hẹn với ngành Y khoa. 

Do tập trung ôn thi đại học nên điểm của Lan tại Đại học Kinh tế quốc dân rất thấp, luôn xếp cuối lớp Kế toán - Kiểm toán trong hai năm đầu đại học.

Nhớ lại lần nhận điểm 2 thi giữa kỳ môn Nguyên lý kế toán, một trong những môn cơ bản nhất của ngành kế toán, Lan bật khóc ngay trong lớp vì quá xấu hổ. Những giọt nước mắt như thức tỉnh cô gái nhớ về hình ảnh các em nhỏ tại Trại trẻ mồ côi Hà Cầu, nơi cô từng đi tình nguyện.

Lan liên tiếp tự đặt câu hỏi: "Tại sao mình có điều kiện học tập tại một ngôi trường tốt như này mà không biết trân trọng?", "So với những em nhỏ mồ côi, mình đã rất may mắn rồi, sao không chịu cố gắng?".

"Hình ảnh bố mẹ tần tảo, vất vả dành tiền cho mình ăn học cũng như hiện ra trước mắt. Mình cảm thấy vô cùng xấu hổ vì hai năm qua hoàn toàn không xứng đáng với sự hy sinh đó", Lan nghẹn ngào kể lại và quyết định thay đổi cuộc đời mình từ thời điểm đó.

Lịch học ở trường không cố định, Lan đi làm gia sư Toán và Hóa để có thể chủ động, linh hoạt thời gian tăng thêm thu nhập. Bước vào năm ba đại học, Ngọc Lan đi thực tập tại một công ty kiểm toán. Trở về phòng vào khoảng 22h, cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân ăn tối lúc 23h, tiếp tục học đến 2-3h sáng và chỉ ngủ khoảng 3 tiếng.

Liên tục giữ nhịp độ sinh hoạt này trong suốt năm ba đại học, Lan nhập viện vài lần vì kiệt sức. Tuy nhiên, cô không bỏ cuộc, cố gắng ăn uống đầy đủ và ngủ sớm hơn. Càng học, Lan cảm thấy kế toán không tệ như mình nghĩ, trái lại còn rất nhiều cái hay, chỉ là trước đây không mở lòng.

Kết thúc năm ba, Ngọc Lan đạt điểm trung bình 4.0, trở thành một trong 10 sinh viên tiêu biểu của Đại học Kinh tế quốc dân năm học đó.

Cô cũng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học tại trường, có sáu công trình được vinh danh, nổi bật là đề tài "Tác động của đòn bẩy tài chính tới khả năng sinh lợi trong các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam". Công trình được đăng trên tạp chí Management Science Letter, thuộc hệ thống Scopus, là cơ sở dữ liệu chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học uy tín thế giới.

GS.TS Nguyễn Văn Công, giảng viên Viện Kế toán - Kiểm toán, Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng sáu công trình khoa học chính là điểm quyết định giúp Lan trở thành một trong năm sinh viên thế giới giành học bổng toàn phần Think Big Scholarship của Đại học Bristol. Với học bổng này, Lan sẽ được chi trả toàn bộ học phí trị giá 20.000 bảng Anh (hơn 600 triệu đồng) trong một năm học thạc sĩ.

Là giáo viên hướng dẫn Lan trong các đề tài khoa học, thầy Công đánh giá học trò chịu khó, quyết đoán. Thầy giáo tin chỉ cần thực sự thích và nghiêm túc theo đuổi, Lan sẽ thực hiện được mục tiêu của mình trong tương lai.

Thời điểm nhận học bổng của Đại học Bristol, IELTS của Lan mới được 6.5 trong khi yêu cầu tối thiểu là 7.0. Trường đã cho Ngọc Lan 3 tháng để thi lại chứng chỉ đảm bảo điều kiện đầu vào, nếu không sẽ hủy học bổng.

"Kỳ thi IELTS đó có ý nghĩa quyết định và đánh cược vì mình đã từ chối nhập học tại 8 trường còn lại tại Anh và Austraila. Mình chấp nhận rủi ro để đạt được những điều cao nhất có thể", Lan chia sẻ. 

Cô gái Hải Dương thi IELTS bốn lần trong ba tháng, lần cuối rơi vào tuần cuối cùng của tháng 6 đã đạt 7.0.

Chia sẻ về dự định tương lai, Lan hy vọng nếu có cơ hội sẽ tiếp tục học tiến sĩ tại xứ sở sương mù. Sau đó, cô sẽ trở về Việt Nam, mong muốn được công tác tại Đại học Kinh tế quốc dân để có cơ hội giúp đỡ và thay đổi những sinh viên "từng cô độc, không có gì trong tay" như mình năm xưa.

Nguyễn Thị Ngọc Lan đã có 6 công trình nghiên cứu được xuất bản, trong đó một công trình đăng trên tạp chí trong nước, ba công trình được đăng trong ba hội thảo khoa học quốc tế ICAFB, ICFAA, CIEMB, hai công trình đã được xuất bản trên tạp chí khoa học quốc tế.

Ngoài ra, Lan đã vượt qua hơn 1.000 thí sinh để giành chiến thắng trong cuộc thi Asean Integration Scholarship do FTMS, KPMG và ACCA tổ chức.

Cũng trong năm 2019, Ngọc Lan đỗ vào 8 trường đại học tại Anh và một trường tại Australia là Đại học Melbourne (top 1 ở Australia, top 32 thế giới), nhận học bổng Global Graduate Merit Scholarship, Đại học Bristol (top 10 UK, top 50 thế giới).

Bảy trường đại học tại Anh Lan trúng tuyển, nhưng từ chối là Leeds,  Nottingham, Huddersfield, Stirling, Belfast, Liverpool và Birmingham.

Theo VnExpress