Nấc thang căng thẳng mới trong vấn đề Kashmir

Bình luận - Ngày đăng : 07:34, 07/08/2019

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến khu vực Kashmir đã leo lên nấc thang mới khi Ấn Độ bãi bỏ điều khoản trao quyền tự trị cho Kashmir...

Sự căng thẳng này đang có nguy cơ thổi bùng cuộc khủng hoảng trong khu vực

Kashmir - căn nguyên của những mâu thuẫn

Là vùng có đa số dân là người theo đạo Hồi sinh sống, khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya phân chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Song cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Đây cũng chính là nguyên nhân của những mâu thuẫn dai dẳng giữa hai nước.

Vào tháng 8-1947, Anh quyết định trao trả độc lập cho vùng Nam Á theo Kế hoạch Mounbatten, chia khu vực này thành hai quốc gia độc lập là Ấn Độ với phần lớn dân số là những người theo đạo Hindu và Pakistan với đa số người dân là tín đồ Hồi giáo. Năm 1949, Liên hợp quốc thiết lập Ranh giới kiểm soát (LoC) - đường biên giới không chính thức dài 720 km, phân chia khu vực Kashmir thành 2 phần, trao cho Ấn Độ và Pakistan cùng kiểm soát.

Tuy nhiên, có một vấn đề hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để, đó là những người Hồi giáo sinh sống ở khu vực Kashmir thuộc phần kiểm soát của Ấn Độ lại không muốn nằm dưới quyền lãnh đạo của người Hindu. Một số người cho rằng họ bị phân biệt đối xử khi di cư tới những khu vực khác của Ấn Độ.

Trong khi đó, với lý do ủng hộ những người anh em Hồi giáo ở phía bên ký LoC, nhiều nhóm vũ trang đã được thành lập tại phần lãnh thổ của Pakistan để thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào người Hindu, nối dài những thù hận giữa hai tôn giáo. Đây là vấn đề cốt lõi khiến các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp giữa hai bên cho tới nay vẫn bế tắc.

Và bất chấp một thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, các vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan dọc đường Ranh giới kiểm soát, cũng thường xuyên diễn ra. Cả Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc lẫn nhau tấn công qua Ranh giới kiểm soát và vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn.

Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan khiến hai nước đứng trước nguy cơ "chiến tranh cận kề". Nguy hiểm hơn, hai nước láng giềng trang bị vũ khí hạt nhân này được cho là sẽ kéo nhau vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân để chứng tỏ sức mạnh quân sự.

Tháng 2-2019, những mâu thuẫn âm ỉ giữa Ấn Độ và Pakistan lại bị thổi bùng với vụ đánh bom xe liều chết do nhóm phiến quân có căn cứ tại Pakistan thực hiện tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến ít nhất 40 cảnh sát bán quân sự của nước này thiệt mạng.

Cáo buộc Pakistan đứng sau vụ đánh bom, New Delhi đã tiến hành hàng loạt hành động đáp trả như xóa bỏ quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đập ở thượng nguồn sông Ấn, đưa chiến đấu cơ không kích các cơ sở của các tay súng Hồi giáo cực đoan trên đất Pakistan.

Đỉnh điểm là ngày 16.2, một ngày sau khi hủy bỏ quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan, Ấn Độ đã áp thuế nhập khẩu 200% đối với tất cả các hàng hóa bắt nguồn hoặc xuất khẩu từ Pakistan.

Ở chiều ngược lại Pakistan lập tức bắn hạ 2 máy bay quân sự của Ấn Độ đang làm nhiệm vụ không kích các nhóm vũ trang ở Kashmir, điều động thêm các đơn vị tên lửa và radar cùng nhiều máy bay không người lái tới sát LoC.

Nấc thang căng thẳng mới

Ngày 5.8, căng thẳng giữa hai nước đã lại tiếp tục leo lên nấc thang nguy hiểm mới khi Ấn Độ tuyên bố Chính phủ liên bang sẽ bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir và Jammu sau khi Tổng thống Ấn Độ ký sắc lệnh bãi bỏ điều khoản trên. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhà chức trách khu vực Kashmir ban bố các biện pháp siết chặt an ninh, theo đó hạn chế các hoạt động công cộng tại vùng lãnh thổ tranh chấp này.

Các hạn chế được áp dụng đối với thủ phủ Srinagar và các khu vực lân cận. Các mạng điện thoại di động tư nhân, dịch vụ internet và đường dây điện thoại đều bị cắt. Chỉ có một mạng điện thoại di động thuộc sở hữu của chính phủ được duy trì hoạt động. Lần gần đây nhất chính quyền Kashmir ban bố các biện pháp trên là vào năm 2016.

Sau khi công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong hiến pháp vốn trao quy chế đặc biệt cho bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ cũng giới thiệu một đạo luật chia bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh cùng Jammu và Kashmir. Ấn Độ còn cho biết vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir sẽ có cơ quan lập pháp giống như Delhi, trong khi vùng lãnh thổ liên bang Ladakh thì không có cơ quan lập pháp, giống như Chandigarh.

Đạo luật bãi bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát cùng đạo luật chia bang Jammu và Kashmir thành 2 vùng lãnh thổ liên bang đã được Thượng viện Ấn Độ thông qua vào tối 5-8. Cũng trong ngày 5-8, Ấn Độ đã triển khai thêm ít nhất 8.000 binh sĩ bán vũ trang từ nhiều địa phương trên cả nước đến thung lũng Kashmir, đồng thời đặt các lực lượng Lục quân và Không quân trong tình trạng báo động cao.

Sau khi Chính phủ Ấn Độ tuyên bố bãi bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực Kashmir do nước này kiểm soát, Chính phủ Pakistan cũng đã ra tuyên bố chỉ trích quyết định này của New Delhi. Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định nước này phản đối tuyên bố mà Chính phủ Ấn Độ đưa ra liên quan tới khu vực Kashmir và Jammu.

Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Khu vực Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát là một lãnh thổ tranh chấp được quốc tế công nhận. Không một bước đi đơn phương nào của Chính phủ Ấn Độ có thể thay đổi hiện trạng tranh chấp này, vốn được bảo vệ đặc biệt trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bước đi này cũng sẽ không được người dân ở Jammu và Kashmir chấp nhận".

Bộ Ngoại giao Pakistan cũng nhấn mạnh với tư cách là một bên trong tranh chấp quốc tế này, Pakistan sẽ áp dụng mọi phương án khả thi nhằm đối phó với những bước đi này của Ấn Độ.

Trong bối cảnh những căng thẳng dồn dập xảy ra, đẩy quan hệ Ấn Độ-Pakistan có nguy cơ rơi vào vòng xoáy xung đột gây đe dọa môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký, ông Stephane Dujarric cho biết Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giám sát lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan ở bang Jammu và Kashmir đã ghi nhận và báo cáo sự gia tăng các hoạt động quân sự dọc theo LoC.

Trong khi đó, Mỹ thúc giục tôn trọng thực trạng và kêu gọi duy trì hòa bình dọc theo đường biên giới thực tế ở Kashmir. Trong một tuyên bố, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên duy trì hòa bình và ổn định dọc theo LoC chia tách quyền quản lý của Ấn Độ và Pakistan tại vùng lãnh thổ tranh chấp này”.

Có thể thấy, mối bất đồng xung quanh vấn đề Kashmir đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, giống như một ngọn lửa luôn âm ỉ cháy trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng.

Nếu tình trạng căng thẳng này không được kiểm soát kịp thời sẽ thổi bùng ngọn lửa xung đột trong khu vực, làm suy yếu khả năng thông qua đàm phán, đồng thời khiến vòng xoáy xung đột tăng lên những cấp độ mới.

Theo TTXVN