Chuyện một gia đình có 8 anh hùng, liệt sĩ, thương binh

Xã hội - Ngày đăng : 12:12, 07/08/2019

Đại gia đình của cụ Nguyễn Văn Ấn ở thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh (Gia Lộc) có 8 người thân là anh hùng, liệt sĩ, thương binh.


 Ông Thắng (thứ tư từ phải sang) kể chuyện lịch sử văn hóa làng Đồng Tái cho mọi người trong gia đình

Trong kháng chiến chống ngoại xâm, gia đình ấy luôn sẵn sàng nhường cái ăn, nơi ở của mình để giúp đỡ những người tham gia cách mạng. Các thành viên trong gia đình cũng hăng hái tòng quân cứu nước với 8 người thân là anh hùng, liệt sĩ, thương binh.

Vì nước quên thân

Từ năm 1958-1981, 6 người con của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Ấn và Nguyễn Thị Xung ở thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh (Gia Lộc) lần lượt nhập ngũ. Đó là ông Nguyễn Văn Ín, sĩ quan tên lửa, tham gia giải phóng miền Nam, nay là bệnh binh. Các ông Nguyễn Văn Cáp và Nguyễn Văn Quyết là liệt sĩ, hy sinh năm 1969 ở chiến trường B. Bà Nguyễn Thị Đầm (vợ ông Cáp), là chiến sĩ quân y, hy sinh năm 1972 ở chiến trường Thượng Lào. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, vào Đoàn 559 từ năm 1971, phục viên năm 1981. Ông Nguyễn Bá Tường (con rể), chiến đấu ở chiến trường B, hiện là thương binh.

Vợ chồng người anh ruột của cụ Xung là cụ Nguyễn Bá Khê và cụ Nguyễn Thị Nghệ ở cùng làng cũng có người con duy nhất là liệt sĩ chống Pháp Nguyễn Bá Kham. Năm 1978, cụ Khê qua đời, cụ Nghệ không còn nơi nương tựa. Vợ chồng cụ Ấn đã đón cụ Nghệ về nhà mình và giao nhiệm vụ cho các con. Vợ chồng ông Ín (con trưởng) thờ phụng tổ tiên theo dòng họ. Vợ chồng ông Thắng, ngoài trách nhiệm đối với gia tộc còn trực tiếp phụng dưỡng cụ Nghệ, thờ cúng cụ Khê và liệt sĩ Nguyễn Bá Kham.

Sau khi Nhà nước truy tặng cụ Nguyễn Thị Nghệ và phong tặng cụ Nguyễn Thị Xung danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại gia đình của cụ Ấn có 8 người thân là anh hùng, liệt sĩ, thương binh.

Ngược dòng thời gian, những năm 1952 - 1954, vợ chồng cụ Ấn nuôi đàn con nhỏ, có người mới 3-4 tuổi. Nhưng khi ban lãnh đạo xã Thống Kênh yêu cầu, các cụ đã nhận nuôi hai chiến sĩ Việt hùng là ông Văn Thịnh và ông Nguyễn Bá Thế do trên cử về trấn áp bọn phản động nổi dậy ở địa phương. Tiếp đó, hai cụ nuôi 3 cán bộ về cải cách ruộng đất (năm 1956 -1957), 3 giáo viên cấp 1 phổ thông (năm 1960-1963), trong đó có ông Bùi Quang Trách - Hiệu trưởng. Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc (năm 1964), đình làng Đồng Tái trở thành địa điểm sơ tán của Trường Đảng tỉnh Hải Dương. Gia đình cụ Ấn cho nhà trường đặt bếp ăn tập thể tại nhà mình, dành 3 gian nhà làm kho hậu cần và trông giữ giúp. Đến năm 1967, Trường Đảng tỉnh nhường chỗ cho cơ quan Tỉnh ủy Hải Dương. Gia đình cụ Ấn tiếp tục là cơ sở hậu cần giúp đỡ Tỉnh ủy trong việc xây dựng và ổn định nơi ăn ở, nhà làm việc. Năm 1972, lãnh đạo xã Thống Kênh đề nghị các cụ giúp đỡ cho mượn địa điểm bồi dưỡng nhanh sức khỏe cho hàng chục thanh niên của quê hương để bổ sung cho quân đội đi giải phóng miền Nam. Cũng năm ấy, một đồng chí cán bộ chính sách của Bộ Quốc phòng về địa phương công tác dài ngày, xã cũng bố trí ở nhờ gia đình, hai cụ tận tình nhận ngay…

Phát huy truyền thống gia đình

Năm 2013, cụ Nguyễn Thị Xung, người cuối cùng của thế hệ tiền bối mất. Lớp con cháu của gia đình tiếp tục noi gương thế hệ đi trước, giữ vững gia phong, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn vất vả thời kinh tế bao cấp, sớm tiếp thu những điều mới mẻ, tiến bộ, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần tô đẹp quê hương.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng (sinh năm 1948), người con trai thứ tư của vợ chồng cụ Ấn (bộ đội chống Mỹ phục viên) là người đề xuất và đi đầu vận động thực hiện nhiều hoạt động xây dựng làng Đồng Tái xanh, sạch, đẹp. Tiêu biểu như năm 2013 khi địa phương tôn tạo miếu Ba Chạ, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ông Thắng cùng với đại tá, cựu chiến binh Vũ Quang Chinh và một số người trong thôn làm nòng cốt vận động, hiến hàng trăm ngày công để làm công trình này. Năm 2014, đợt làm đường bê tông dài 200 m từ Trạm Y tế xã ra nghĩa trang cũng in đậm dấu ấn của ông trong tổ chức vận động và thi công. Gần đây, nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, ông tự ươm 79 cây cọ và vận động bạn bè ủng hộ làng 100 cây cau giống. Cùng với đó, ông chủ động đề xuất với Chi hội Cựu chiến binh thôn Đồng Tái trồng, chăm bón nhiều cây xanh, làm đẹp cảnh quan làng, xóm...

Ông Thắng cho biết: “Không ít người đã từng được gia đình giúp đỡ hồi kháng chiến, trong đó có vợ chồng ông Nguyễn Xuân Khoát, bà Nguyễn Thị Ngần năm 1972 là thành viên đội kiến trúc, làm nhà cho cơ quan Tỉnh ủy Hải Dương, được bố mẹ tôi nuôi giúp con nhỏ để yên tâm công tác. Họ đã xin làm con nuôi của hai cụ".

MỸ TRANG