Thay đổi thói quen dùng đồ nhựa: Người dân và doanh nghiệp phải cùng hành động
Môi trường - Ngày đăng : 14:57, 07/08/2019
Công ty CP Nhựa An Phát Xanh - An Phát Bioplastics (Tập đoàn An Phát Holdings) sản xuất túi vi sinh phân hủy có nguồn gốc từ tinh bột ngô để cung cấp cho người dùng trong và ngoài nước
Việc lạm dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn tác động tiêu cực đến môi trường sống. Việc chung tay thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là của toàn cầu.
Dùng vô tội vạ
Tại một cửa hàng đồ uống khá nổi tiếng trên đường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), các bàn đều chật kín khách, đa phần là giới trẻ. Trên các bàn đều là cốc nhựa, ống hút dùng một lần. Khi tôi thắc mắc tại sao không đựng đồ uống bằng ly thủy tinh, nhân viên cửa hàng này cho biết: "Trung bình mỗi ngày chúng tôi bán từ 100-200 cốc đồ uống, nếu sử dụng cốc thủy tinh sẽ rất mất thời gian để rửa. Sử dụng cốc nhựa tiện lợi hơn nhiều vì còn có khách đến mua mang về".
Trên thị trường, cốc nhựa dùng một lần có giá từ 17.00025.000 đồng/50 chiếc (loại không nắp), 20.000-70.000 đồng/10 chiếc (loại có nắp và in chữ), túi nilon có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg. Chị Phạm Thị Thu, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh đồ nhựa tại chợ Đông Ngô Quyền cho biết: "Hộp xốp trắng và cốc nhựa có nắp là 2 mặt hàng bán chạy nhất. Trung bình mỗi tháng tôi cung cấp cho các cửa hàng bán đồ ăn sẵn khoảng 2.000 sản phẩm này và 10-15 kg túi nilon cho các tiểu thương trong chợ". Xách trên tay chừng 7-8 chiếc túi nilon đựng đủ các thứ như thịt cá, rau, hoa quả... chị Nguyễn Thị Hương ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết đồ nhựa dùng một lần có ở khắp nơi, ai cũng dùng vì tiện lợi. Mặc dù biết có thể gây hại cho sức khỏe và môi trường nhưng bỏ túi nilon không dễ.
Theo các chuyên gia, các loại cốc, đĩa, bát, bao bì nhựa dẻo chủ yếu là các hóa chất cao phân tử như PVC, PE... Trong đó chất polystyrene khi gặp nhiệt độ thích hợp có thể giải phóng ra chất styrene vô cùng độc hại gây ung thư, dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh, ảnh hưởng đến nồng độ máu. Đặc biệt, chất styrene rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe con người.
Cốc chén, bát đĩa, ống hút, bao bì, túi nilon... bằng nhựa dùng một lần đang xuất hiện ở mọi nơi từ quán cà phê, cửa hàng thức ăn đến các tiệm tạp hóa, siêu thị...
Phát triển nhiều doanh nghiệp như An Phát
Tại cuộc họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đầu tháng 7 vừa qua, Văn phòng Tỉnh ủy đã dùng chai đựng nước bằng thủy tinh thay cho toàn bộ chai nhựa. Sau đó, các hội nghị, cuộc họp, bữa cơm phục vụ đại biểu dự hội nghị tại Tỉnh ủy cũng không sử dụng ống hút, chai nước bằng nhựa. Văn phòng Tỉnh ủy khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động không sử dụng và vận động người thân không dùng chai, cốc, ống hút bằng nhựa, túi nilon...
Từ sự đi đầu của Văn phòng Tỉnh ủy, hiện nay, không ít cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh cũng có sự thay đổi trong việc dùng đồ nhựa. Mặc dù vậy, do đồ nhựa dùng một lần đã trở thành thói quen của quảng đại quần chúng, hơn nữa trên thị trường chưa có nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần nên việc thay đổi thói quen này không phải dễ.
Nắm bắt được điều đó, từ năm 2015, Công ty CP Nhựa An Phát Xanh - An Phát Bioplastics (Tập đoàn An Phát Holdings) ở huyện Nam Sách đã đi đầu nghiên cứu và sản xuất thành công túi vi sinh phân hủy có nguồn gốc từ tinh bột ngô. Đến năm 2018, sản phẩm túi vi sinh này bắt đầu được bán tại thị trường Việt Nam với thương hiệu AnEco. Thành phần còn lại sau quá trình phân hủy của AnEco tuyệt đối không có hạt vi nhựa. Điều này khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm túi "tự hủy" trên thị trường. An Phát Bioplastics còn nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm dùng một lần như thìa, nĩa, găng tay… đều có nguồn gốc từ nhựa sinh học (tinh bột), phân hủy hoàn toàn.
Đại điện Tập đoàn An Phát Holdings cho biết vừa qua doanh nghiệp đã hợp tác cùng một công ty của Hàn Quốc để sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn. Sự hợp tác này sẽ giúp An Phát có thể chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản phẩm sinh học xuống từ 30-40%. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm sinh học góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, Tập đoàn An Phát Holdings sẽ xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất và cung ứng nguồn nguyên liệu sinh học phân hủy với công suất đạt 50.000 tấn/năm.
Để hạn chế việc xả thải đồ nhựa, túi nilon, nhiều năm qua, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã triển khai mô hình "làn xanh đi chợ" thu hút đông đảo chị em tham gia. Mô hình này không chỉ giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, một số quán cà phê, siêu thị đã bắt đầu thay thế túi nilon, ống hút nhựa thông thường bằng các loại có chất liệu thân thiện với môi trường như túi nilon tự phân hủy, ống hút bằng cỏ, tre....
Để thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp như An Phát, các mô hình như "làn xanh đi chợ". Ngoài ra, việc ban hành các văn bản quy định cụ thể về vấn đề xử lý rác là hết sức cần thiết. Có không ít ý kiến cho rằng cần nâng mức thuế đối với các sản phẩm được làm từ nhựa, nhất là nhựa tái chế. Vì giá cao sẽ khiến người dùng hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày.
ĐỖ QUYẾT