Chuyển đổi đất lúa: Không thực hiện bằng mọi giá

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:47, 11/08/2019

Quy vùng tập trung là điều kiện để tránh tình trạng chuyển đổi đất lúa tự phát, tràn lan. Song vướng mắc ở đây cũng là nguyên nhân làm cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng chậm.

Vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả ở huyện Thanh Hà

Khó thực hiện

Để thuận lợi trong quản lý, tránh phá vỡ quy hoạch nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu vùng đất lúa chuyển đổi phải có quy mô tối thiểu 5 ha. Đặt ra quy định này, chủ trương của tỉnh muốn xây dựng các vùng chuyên canh rau màu, cây ăn quả tập trung quy mô lớn, hướng tới sản xuất hàng hóa. Đây là hướng phát triển phù hợp với yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại để khai thác tối đa lợi thế về đất đai, tập quán canh tác của từng vùng. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, quy định này lại bộc lộ hạn chế làm cho nhiều địa phương loay hoay trong việc chuyển đổi.

Xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) hiện còn 4 khu đồng cấy lúa bấp bênh cần chuyển đổi để nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng diện tích lại không đủ thực hiện chuyển đổi vì đều dưới 5 ha. Ông Nguyễn Xuân Thoảng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đây đều là những nơi ruộng trũng thấp, nhỏ lẻ nên người dân có nhu cầu chuyển sang trồng các loại cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao hơn nhưng nếu căn cứ theo quy định của tỉnh thì không được phép chuyển đổi. Xã đang băn khoăn, cân nhắc vì nếu đồng ý chuyển đổi thì vi phạm, còn chấp hành đúng quy định thì người dân sẽ bỏ ruộng hoang, gây lãng phí đất đai".

Huyện Bình Giang được kỳ vọng là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi đất cấy lúa bấp bênh song quá trình thực hiện lại không được như mong muốn. Ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thẳng thắn thừa nhận năm 2018 Bình Giang không chuyển đổi được vùng nào theo đúng chủ trương của tỉnh. Lý giải về điều này, ông Luyện cho rằng: "Hiện nhu cầu của người dân không đồng nhất với mục đích chuyển đổi của tỉnh. Nông dân vẫn muốn làm mô hình vườn, ao, chuồng để phân tán rủi ro trong sản xuất nhưng tỉnh lại định hướng hình thành các vùng chuyển đổi phải đồng bộ về cây trồng. Việc quy vùng chuyển đổi đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản lý đầu vào, đầu ra nông sản và kiểm soát dịch bệnh nếu không nguy cơ vỡ trận rất cao".

Quy vùng chuyển đổi đất lúa gặp khó còn do ruộng đất vẫn nhỏ lẻ. Dồn điền, đổi thửa đã khắc phục được phần nào tình trạng đất đai manh mún nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Hiện mỗi thửa ruộng đã đạt từ 500 m2 trở lên, song để quy vùng chuyển đổi vẫn phải cần sự đồng thuận của hàng chục, hàng trăm hộ dân nên rất khó thực hiện.

Vẫn phải kiên định vì mục đích lâu dài

Với mục đích tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2018-2020 sẽ chuyển hơn 4.300 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản. Thực hiện phân kỳ chuyển đổi, năm 2018 tỉnh có kế hoạch chuyển gần 2.000 ha đất lúa. Mặc dù vậy, diện tích thực hiện được chỉ đạt hơn 60% so với mục tiêu đặt ra. Thực tế này đòi hỏi chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn phải tính toán phương án chuyển đổi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu của sản xuất, vừa bảo đảm các quy định của pháp luật.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn trước năm 2018 việc chuyển đổi đất lúa tồn tại nhiều bất cập. Nhiều hộ dân lợi dụng chính sách để vi phạm, xâm lấn đất lúa. Chính vì vậy, từ năm 2018, UBND tỉnh quy định chặt hơn về chuyển đổi trên tinh thần của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. UBND tỉnh quy định việc chuyển đổi phải liên vùng, liên xã với quy mô 5 ha/vùng trở lên và bảo đảm có thể phục hồi lại mặt bằng khi có nhu cầu cấy lúa trở lại. Nghiêm cấm xây dựng, làm nhà ở, kể cả lều lán, nhà ở tạm trên đất chuyển đổi. Vì vậy nên các huyện, thành phố trong tỉnh khá thận trọng trong chuyển đổi để tránh những hệ lụy về sau.

Việc đưa quy định trên áp dụng vào thực tế đã phần nào cản trở nhu cầu chuyển đổi đất lúa của người dân nhưng vì định hướng lâu dài, vừa bảo vệ, vừa khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất lúa thì không thể nới lỏng điều kiện chuyển đổi. Để khắc phục những tồn tại, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng phương án chuyển đổi cho từng vùng, từng khu vực. Chính quyền cơ sở chủ động rà soát các quy hoạch để dự kiến vùng chuyển đổi phù hợp. Khuyến khích, hướng dẫn nông dân tự dồn đổi ruộng và liên kết thành các tổ, nhóm, HTX để chuyển đổi tập trung, tránh tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm dẫn đến phá vỡ các công trình phục vụ sản xuất và kết cấu đất.

Chuyển đổi đất lúa là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho giá trị kinh tế cao. Chuyển đổi là cần thiết nhưng không thể thực hiện bằng mọi giá mà phải tuân thủ đúng quy hoạch.

DŨNG CƯỜNG