Tranh dân gian Đông Hồ: Dung dị, độc đáo

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 20:24, 12/08/2019

Tranh dân gian Đông Hồ đang được hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, làm tiền đề cho việc trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Tranh dân gian Đông Hồ đám cưới chuột

Hoàn thiện hồ sơ tranh dân gian Đông Hồ đệ trình UNESCO

Hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện đang được hoàn thiện để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Nếu được công nhận, tranh dân gian Đông Hồ có thể sẽ phục hồi và phát huy giá trị mạnh mẽ hơn nữa.

Theo GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, quá trình làm hồ sơ khá thuận lợi, tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến việc phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ với việc xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ bao gồm các hạng mục: xây dựng nhà truyền thống, tu bổ nhà thờ, mở lại chợ tranh gần đình; bản thân gia đình các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Giáp, Nguyễn Đức Quảng... cũng vô cùng tâm huyết với việc gìn giữ và bảo tồn di sản.

Sở dĩ các cơ quan chức năng khẩn thiết đề nghị UNESCO đưa tranh Đông Hồ vào danh mục Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp bởi lẽ tranh Đông Hồ có lịch sử lâu đời, có giá trị cả về văn hóa và nghệ thuật nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Theo thống kê, làng tranh Đông Hồ hiện có gần 5.000 bản khắc đang lưu giữ tại gia đình của một vài nghệ nhân nhưng hầu như đều bị “phủ bụi” bởi cùng gặp khó về vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm như các làng nghề khác ở Việt Nam. Số lượng nghệ nhân hiện chỉ còn 3 người, có khoảng 20 người thực hành làm tranh, số nghệ nhân hiện còn khả năng truyền dạy chỉ có 2 người nhưng đều đã cao tuổi… 

Theo GS.TS Bùi Quang Thanh, tranh dân gian Đông Hồ có giá trị về 2 mặt: nội dung phản ánh (các khía cạnh đa dạng của đời sống thực) và kỹ thuật thể hiện điêu luyện (phương pháp tạo màu tự nhiên, giấy điệp...), thậm chí là tái hiện lịch sử để giáo dục truyền thống cho con cháu và đề đạt ước vọng của con người... Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ di sản quý báu này của dân tộc.

Hiện Việt Nam đang có các hồ sơ di sản gửi lên UNESCO xem xét gồm hồ sơ Then Tày, Nùng, Thái; nghệ thuật Xoè Thái; nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm. 

Dung dị, độc đáo

Cũng như tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống… tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian đặc sắc, đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người Việt. Tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề.

Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt. Có thể tìm thấy những hình ảnh quen thuộc trong tranh Đông Hồ, như đám cưới chuột, những đàn lợn, đàn gà, những cô thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…

Về thể loại, dựa vào nội dung chủ đề, có thể chia tranh Đông Hồ thành 7 loại chính, gồm: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.

Quá trình sản xuất tranh có nhiều khâu, song có thể tạm chia thành 2 công đoạn chính: khâu sáng tác mẫu/khắc ván và khâu in/vẽ tranh. Sáng tác mẫu tranh và khắc ván là khâu lao động sáng tạo, khâu quan trọng, quyết định sự sinh tồn của một làng tranh. Nó đòi hỏi ít nhiều năng khiếu bẩm sinh và kỹ năng lao động cao ở các nghệ nhân. Công việc sáng tác mẫu tranh tốn rất nhiều thời gian, trước tiên phải lựa chọn đề tài, ý nghĩa, nội dung sâu sắc, màu sắc hài hoà, bố cục chặt chẽ và có giá trị nghệ thuật cao. Khi sáng tác mẫu tranh, các nghệ nhân thường sử dụng bút lông và mực Nho để vẽ lên giấy bản mỏng và phẳng để người thợ khắc, đục ván theo mẫu. Việc sáng tác mẫu tranh không phải là việc của riêng các nghệ nhân mà thường là kết quả chung của một làng tranh, của nhiều thế hệ. Cũng chính vì thế mà trong tranh Đông Hồ, có trường hợp một mẫu nhưng có nhiều dị bản khác nhau, hoặc một mẫu tranh cũng có đến hai, ba cách phân bố màu khác nhau. Vì vậy, có nhiều mẫu tranh cổ đến nay chúng ta cũng chưa xác định được chủ nhân sáng tạo.

Ván khắc in tranh có 2 loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Gỗ thị có thớ đa chiều, vừa mềm, dễ khắc lại vừa dai, do đó khi khắc ván in, nghệ nhân có kỹ năng chạm khắc giỏi, sẽ tạo được các nét gọn, mảnh, nhỏ, tinh vi và ván in lại mềm. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve, được làm bằng thép cứng. Mỗi bộ ve có khoảng 30-40 chiếc.

Không chỉ có những đặc điểm riêng biệt về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, có khi nấu bằng bột sắn) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)... Đây là những gam màu cơ bản, không pha trộn và thường thì tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu để tương ứng với số bản khắc gỗ. 

Để hoàn thành một bức tranh, người làm tranh phải rất công phu và thực hiện nhiều giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Cứ như thế, từng lớp, từng lớp dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh các hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân…

Trước kia tranh Đông Hồ được bán chủ yếu vào dịp Tết Nguyên Đán. Thời kỳ cực thịnh của làng tranh là vào khoảng cuối thế kỷ 19 đến những năm 40 của thế kỷ 20. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp…

Tranh Đông Hồ với giá trị nghệ thuật đậm chất dân gian đã đi vào sử sách, thơ ca. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu: Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Om xòm trên vách bức tranh gà; hay trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, nhà thơ Hoàng Cầm cũng miêu tả vẻ đẹp của tranh Đông Hồ với những câu thơ “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1), loại hình nghề thủ công truyền thống tháng 12.2012.

PHƯƠNG ANH (TTXVN)