Chung tay thay đổi thói quen dùng đồ nhựa để bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 08:13, 14/08/2019

Để hạn chế và giải quyết triệt để được vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, cấp thiết phải thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa hàng ngày của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng cũng cần có nhiều sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế đồ dùng nhựa.


Mô hình làn nhựa đi chợ giúp bảo vệ môi trường

Cần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa

Không thể phủ nhận, những sản phẩm làm từ chất liệu nhựa rất tiện dụng. Túi nilon là một điển hình, khi túi nilon xuất hiện như cuộc “cách mạng” thay đổi thói quen, được mọi người hưởng ứng. Chính bởi sự tiện dụng nhất định, nên túi nilon xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ cho đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, từ cửa hàng bán lẻ cho đến khu trung tâm thương mại, mua sắm lớn và hiện hữu hằng ngày trong từng gia đình.

Theo một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon /tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Riêng khu vực đô thị, rác thải nhựa là túi nilon chiếm khoảng 10,48-52,4 tấn/ngày. Như vậy, uớc tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi nilon ra môi trường.

Dù tiện lợi song các sản phẩm làm từ chất liệu nhựa lại tiềm ẩn nhiều nguy hại. Theo các nhà khoa học, sản phẩm nhựa được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến cả nghìn năm mới bị phân hủy hoàn toàn. Do đó, sự tồn tại của đồ nhựa trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi nhựa, túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng... Với các loại túi nilon màu khi dùng để đựng thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các loại như chì, clohydric gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi. Đáng lo ngại, những chất thải nhựa, túi nilon ngoài đại dương, trong môi trường nước có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật và nhiễm vào con người khi sử dụng thực phẩm. Điều đó gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống con người.

Chung tay thay đổi thói quen

Hiện nay, phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được các cấp, ngành phát động mạnh mẽ, hướng đến vận động, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” và đã nhận được sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị. Từ năm 2009, thành phố Hội An và người dân trên đảo Cù lao Chàm đã thực hiện chương trình “Nói không với túi nilon”. Đà Nẵng cũng đã tiên phong không dùng chai nhựa tại các cuộc họp, hội nghị. TP Hồ Chí Minh cũng ban hành Kế hoạch hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019-2021. Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh không sử dụng nước uống đóng chai tại công sở… Và kể từ ngày 12-8-2019, Quốc hội cũng không dùng chai nhựa đựng nước uống dùng một lần mà sẽ sử dụng chai thủy tinh đựng nước uống dùng lâu dài.

Giờ đây ngày càng có nhiều người dân từ chối ống hút nhựa khi tới nhà hàng, tự động mang cốc, ống hút thân thiện với môi trường của mình theo người. Đây được coi là những điểm sáng góp phần truyền tải và lan tỏa một cách có hiệu quả thông điệp bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa một lần trong cộng đồng.

Tuy nhiên, để hạn chế và giải quyết triệt để được vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, bên cạnh việc thay đổi thói quen không dùng sản phẩm nhựa của người tiêu dùng, cũng cần có nhiều sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế đồ dùng nhựa.

Những lựa chọn thân thiện với môi trường để thay thế đồ nhựa

Hiện có nhiều sự lựa chọn khác thân thiện với môi trường hơn các sản phẩm nhựa, có thể kể đến như:

- Giấy nến hay còn gọi là giấy sáp được thiết kế để giữ thực phẩm tươi lâu hơn. Không chỉ chống thấm nước và chống dính, giấy nến giúp thực phẩm không bị nhiễm mùi của nhau. Các loại thực phẩm giàu vi sinh như phô mai, xúc xích, thịt ngội… nếu được gói vào giấy nến sẽ giúp tăng độ ẩm và tươi ngon hơn.

- Túi giấy, hộp giấy là sản phẩm thân thiện với môi trường, ít độc hại nên ngày càng được ưa chuộng trong lĩnh vực đóng gói, bảo quản thực phẩm. Người ta thường sử dụng túi, hộp giấy để chứa thức ăn (bánh mỳ, đồ ăn nhanh), đồ uống (sữa, nước trái cây) và các loại rau củ vì chúng không chứa các nguyên tố hóa học độc hại như túi nilon. Đặc biệt túi giấy sau khi sử dụng còn có thể tái chế.

- Túi vải là loại túi có nhiều tiện ích, mẫu mã đẹp, rất chắc chắn và sử dụng được nhiều lần.

- Hộp bằng thủy tinh và sứ có hình thức bên ngoài đẹp, nhiều kiểu dáng. Đặc biệt các loại hộp bằng thủy tinh có rất nhiều công dụng, nếu là loại chịu nhiệt còn có thể sử dụng trong lò vi sóng, lò nướng. Bên cạnh đó có loại hộp bảo quản thực phẩm bằng tritan đã được đưa ra thị trường trong thời gian gần đây, có nhiều ưu điểm so với các chất liệu trên. Đó là nhẹ, không bám mùi, ít bị trầy xước, có thể luộc trong nước sôi để thanh trùng.

- Túi nilon có nguồn gốc thực vật như khoai mì, bột bắp, đay... Đây là những vật liệu được coi là giải pháp thân thiện với môi trường nhất thay thế cho túi bằng nilon và đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Anh (túi làm bằng bột sắn), Italy (túi làm từ cám ngô), ở Pháp có những loại túi sinh học (biobag) mà khi dùng xong, trộn với một số rác thực vật khác, ủ lại có thể tự hủy trong vòng 2-3 tháng.

Tại Ấn Độ có túi nilon làm từ khoai tây, tinh bột sắn. Đặc biệt, loại túi nilon này không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, ngay cả mực in trên túi cũng được chọn từ nguyên liệu hữu cơ, hoàn toàn tự nhiên. Bên cạnh đó, người Ấn Độ còn tạo ra thìa nhựa dùng một lần làm bằng cao lương trộn với gạo, lúa mỳ.

Tại Indonesia, đã có những chiếc túi làm từ sắn, dầu thực vật và nhựa hữu cơ. Loại túi này có khả năng tự phân huỷ trong thời gian vài tháng trên cả đất liền lẫn trên biển, hoặc phân hủy ngay lập tức trong nước nóng.

Ở Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã nghiên cứu thành công một loại túi nilon tự hủy làm bằng bột sắn và nhựa sinh học. Ưu điểm nổi trội của loại túi này là sau khi phân hủy ra đất, vẫn có thể trồng cây tại chính khu vực này.

- Chai nhựa tự phân hủy được làm bằng một loại thạch dẻo có nguồn gốc từ tảo - là ý tưởng độc đáo từ một người Ailen. Chai Thạch dẻo này thậm chí còn ăn được.

- Bao bì từ rong biển là loại bao bì thực phẩm có khả năng phân hủy do một công ty khởi nghiệp của Indonesia làm ra. Loại bao bì này có thể thay thế cho cốc đựng thực phẩm ăn liền, làm túi đựng cà phê hòa tan, túi đựng gia vị trong mỳ ăn liền, vỏ bánh hamburger...

- Bao bì từ lá cây: một nhóm start-up tại Đức đã sáng tạo ra những chiếc đĩa ép từ lá cây. Đĩa mỏng, nhẹ như các loại đĩa dùng một lần, chịu được nhiệt và có khả năng phân hủy nhanh. Một công ty khác gồm các sinh viên ngành thực phẩm đã tạo ra ống hút ăn được từ phụ phẩm là bã táo. Những chiếc ống hút có khả năng phân hủy sinh học này dự kiến sẽ thay thế đến 50% lượng ống hút sử dụng tại Đức.

Ấn Độ cũng có các sản phẩm bát, cốc, đĩa dùng một lần ép từ bẹ cau, bẹ chuối.

Tại Việt Nam, hiện các loại ống hút làm từ tre cũng đang được nhiều người biết đến và sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Ống hút tre có thể tái sử dụng nhiều lần…

Theo TTXVN