Bài học về chớp thời cơ và vận dụng đúng thời cơ
Tin tức - Ngày đăng : 10:21, 17/08/2019
Với tầm nhìn xa trông rộng, luôn bám sát tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo sớm con đường phát triển của cách mạng và khả năng xuất hiện thời cơ, từ đó kịp thời đề ra chủ trương, phương pháp đấu tranh đúng đắn, phù hợp từng giai đoạn, từ thấp đến cao tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Dự báo sớm con đường phát triển của cách mạng và khả năng xuất hiện thời cơ
Ngay từ những năm đầu thập niên 20 (thế kỷ XX), Ðảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm đưa ra những nhận định về thời cơ cách mạng ở Ðông Dương. Người viết: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”.
Ðến cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra và lan rộng khắp châu Âu, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ. Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 7 (tháng 11.1940) đã nhận định về thời cơ của cách mạng Việt Nam: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Ðảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Ðông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập.
Năm 1940, phát xít Ðức tiến công nước Pháp, Paris thất thủ rơi vào tay quân Ðức; ở Việt Nam, Nhật nổ súng đánh chiếm Lạng Sơn, hai đế quốc Nhật-Pháp tranh nhau miếng mồi Ðông Dương. Phân tích về diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát xít và Ðồng minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định, thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về phe dân chủ và nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến rất gần, tình thế cách mạng sắp xuất hiện. Bây giờ Pháp mất nước rồi/ Không đủ sức, không đủ người trị ta./ Giặc Nhật Bản thì mới qua/ Cái nền thống trị chưa ra mối mành./ Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh /Khắp nơi có cuộc chiến tranh rây rà./ Ấy là dịp tốt cho ta/ Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”.
Tháng 6.1940, được tin Pháp đầu hàng Đức, Người khẳng định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Và ngày 28.1.1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Bốn tháng sau đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 họp và đánh giá: tình hình thế giới, tình hình trong nước sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng Liên Xô và các nước Ðồng minh sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít, chính quyền của phát xít Nhật lung lay, đổ nát; nhân dân ta bị bọn thực dân, phát xít xô đẩy vào thảm họa diệt vong, sẽ bước vào đường khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi bằng tổng khởi nghĩa. Hội nghị nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Cách mạng tháng Tám thành công đã để lại bài học về nghệ thuật nhận định thời cơ, thúc đẩy thời cơ chín muồi và chớp thời cơ
Thúc đẩy thời cơ chín muồi
Tháng 10.1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc phân tích tình hình thế giới có nhiều thuận lợi, Người nhận định: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”. Từ đó, Ðảng khẩn chương xây dựng lực lượng và thực lực cách mạng về mọi mặt; đồng thời tích cực, chủ động tiến hành đấu tranh cách mạng từng phần, nhằm góp phần thúc đẩy và chờ thời cơ chín muồi.
Chuẩn bị lực lượng cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã thành lập Mặt trận Việt Minh, quy tụ mọi giai cấp, tầng lớp cùng đoàn kết lại thông qua các hội: Nông dân cứu quốc, công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nhi đồng cứu quốc... tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc rộng rãi, vững chắc. Vai trò và sức mạnh to lớn của Mặt trận Việt Minh được thể hiện rõ nét trong thực tiễn, có sức lôi cuốn hiệu triệu mạnh mẽ quần chúng đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, ngày 22-12-1944, thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, đội tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập với nhiệm vụ là hoạt động vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị với quân sự.
Đêm 9.3.1945, Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngày 12.3.1945 Đảng ta ra Chỉ thị: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Như một tia chớp, Chỉ thị được truyền đi nhanh chóng. Phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang của nhân dân ta diễn ra sôi nổi trên nhiều địa phương, nhất là ở Bắc Bộ. Lúc này, nạn đói đang diễn ra nghiêm trọng, đó cũng là một trong những lý do để Đảng ta chủ trương “phá kho thóc địch, giải quyết nạn đói”. Phong trào bùng lên và chính cuộc đấu tranh rộng lớn về kinh tế đã thổi lên ngọn lửa đấu tranh chống Nhật, phá chính quyền của địch, đưa quần chúng nhân dân vào cuộc khởi nghĩa từng phần, lập ra chính quyền cách mạng ở địa phương.
Để đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi nghĩa, giữa tháng 4.1945, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu, thống nhất sáp nhập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng cách mạng chính trị và lực lượng vũ trang không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.
Không để lỡ cơ hội
Tháng 8.1945, phát xít Đức đầu hàng đồng minh; ở Đông Dương quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, những điều kiện cho tổng khởi nghĩa đã chín muồi, Bác nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”. Và "Cần phải tranh thủ từng giây, từng phút tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội".
Nắm chắc thời cơ đó, Bác và Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào (ngày 13.8), chủ trương phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Tiếp đó, Đại hội quốc dân Tân Trào họp, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng.
Ngay sau đó, Bác gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Hưởng ứng Lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng và lời kêu gọi của Bác, đồng bào trong cả nước đã đồng loạt đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong chưa đầy nửa tháng (từ 14 đến 28-8-1945), cuộc tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, chính quyền về tay nhân dân.
Có thể khẳng định, cùng với việc phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thì chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa chính là một yếu tố quan trọng mang lại sự thành công cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ðó là lúc 16 nghìn quân Anh chưa vào miền Nam và 200 nghìn quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật; cũng là lúc quân Nhật bại trận mất tinh thần, ngồi chờ Ðồng minh đến tước vũ khí; ngụy quyền tay sai bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng. Nhờ đó, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước được tiến hành một cách nhanh, gọn và thành công triệt để.
74 năm đã trôi qua, bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Ðảng trong Cách mạng tháng Tám 1945, vẫn còn nguyên giá trị. hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì thời cơ để Việt Nam bỏ xa tụt hậu, bứt phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xuất hiện ngày càng nhiều. Bỏ lỡ thời cơ là có tội với lịch sử, nhưng chớp thời cơ hành động một cách vội vã, thiếu sự phân tích khoa học, làm ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc, đến chủ quyền quốc gia thì càng có tội hơn. Đây cũng chính là thông điệp mà Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhắn gửi lại cho hậu thế thông qua bài học về nắm vững thời cơ cách mạng.
Theo TTXVN