Nâng tầm cho thương hiệu na Chí Linh
Kinh tế - Ngày đăng : 13:35, 18/08/2019
Những năm gần đây, cùng với sự năng động của nông dân, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương cũng đã triển khai những chương trình để phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng đối với loại cây ăn quả chủ lực này.
Giàu từ na
Với người dân Hoàng Tiến (Chí Linh), cây na được ví như loại cây đổi đời bởi nhiều gia đình từ chỗ khó khăn đã trở nên ngày càng khá giả.
Bén duyên với cây na từ năm 1997, đến nay, gia đình anh Phạm Đức Thanh đang sở hữu trên 700 gốc na từ 10 đến 12 năm tuổi. Theo anh Thanh, năm nay, thời tiết kém thuận lợi nên năng suất na chỉ đạt khoảng 70% so với mọi năm. Na chính vụ bắt đầu cho thu hoạch từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8. Giá bán đầu vụ khoảng 50-55.000 đồng/kg, hiện nay, thương lái thu mua tận vườn khoảng 35.000 đồng/kg. Anh Thanh nhẩm tính năm nay gia đình anh thu khoảng 5 tấn na chính vụ, sau đó sẽ tập trung chăm sóc hai đợt na thu và na đông.
“Trồng na vất vả hơn, đầu tư tốn hơn cây vải nhưng hiệu quả kinh tế thì hơn hẳn. Vất vả nhất đối với cây na là công đoạn thụ phấn”, anh Thanh đúc kết sau hơn 20 năm mạnh dạn chuyển đổi từ cây vải sang cây na trên đất vườn nhà.
Phù hợp với kiểu thổ nhưỡng vùng đồi núi, cộng với kỹ thuật trồng, chăm sóc của nông dân nơi đây, cây na đã sinh trưởng và phát triển mạnh, năng suất và chất lượng nổi trội hơn hẳn na trồng ở các vùng khác trong tỉnh Hải Dương. Để na cho tỷ lệ đậu quả cao, mẫu mã đẹp, bí quyết của người trồng chính là công đoạn thụ phấn cho na. Công đoạn này phải làm hoàn toàn thủ công, hầu hết các gia đình đều phải thuê người. Trung bình mỗi nhà chi hơn 10 triệu đồng mỗi năm để làm công việc này.
Thôn Tân Tiến hiện có khoảng 100ha na. Hiện nay, toàn bộ hơn 100ha na ở thôn Tân Tiến, phường Hoàng Tiến đều được trồng theo quy trình VietGAP, tiêu thụ tốt, giá bán ổn định. So sánh về giá trị kinh tế của cây na mang lại, ông Bùi Ngọc Vang, Phó Bí thư chi bộ khu dân cư Tân Tiến cho biết: “Trong số các loại cây ăn quả mà người dân địa phương chúng tôi đã trồng, cây na là cây có năng suất và hiệu quả đứng đầu bảng”. Nhờ thâm canh gối vụ, ở thôn Tân Tiến, năm 2019, ước tính năng suất na đạt khoảng 17-18 tấn/ha, doanh thu khoảng 300 triệu đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, toàn tỉnh Hải Dương hiện có trên 900ha na, mỗi năm cho sản lượng khoảng 14.000 tấn. Hải Dương là tỉnh có diện tích na đứng thứ 3 miền Bắc, chỉ sau Lạng Sơn và Quảng Ninh. Na cho thu hoạch rải vụ thành 3 đợt: đầu tháng 7, tháng 10 và tháng 11. Cây na mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu từ 300 – 400 triệu đồng/ha.
Năm 2019, anh Phạm Đức Thanh ở thôn Tân Tiến (phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh) ước tính thu 5 tấn na chính vụ
Mở rộng diện tích na VietGAP
TP Chí Linh có khoảng 789 ha na, trồng tập trung ở các phường Hoàng Tiến với 260 ha, Bến Tắm với 170 ha. Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “na Chí Linh”. Từ năm 2016 đến nay, các hộ dân đã áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo được vùng sản xuất na an toàn, bền vững. Giá thành na VietGAP cao hơn từ 12 – 15% so với na không sản xuất theo quy trình này.
Để thương hiệu “na Chí Linh” ngày càng được nâng tầm, các phòng ban chuyên môn của thành phố đã quan tâm chỉ đạo sản xuất gắn với thị trường, tăng cường tập huấn cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và phát huy thế mạnh cho loại cây ăn quả này.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng đã tích cực hỗ trợ người dân cấp giấy chứng nhận VietGAP. Diện tích na được chứng nhận VietGAP ngày càng tăng. Năm 2017, có 60 hộ được cấp chứng nhận VietGAP và đến nay có 100 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP,
Bên cạnh đó, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản nói chung, trong đó có na. Thành phố chỉ đạo các xã, phường tích cực đưa sản phẩm tham gia các hội nghị, hội chợ để quảng bá, mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về địa phương tìm hiểu sản xuất, liên kết tiêu thụ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về thu mua sản phẩm trên địa bàn. Qua các hội chợ xúc tiến thương mại, sản phẩm tiếp cận được với thị trường cao cấp, tạo mối liên kết cùng có lợi giữa doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng.
Tuy vậy, theo đại diện Phòng Kinh tế (TP Chí Linh), việc tiêu thụ na vẫn còn một số khó khăn do đặc tính na là cây ăn quả chín tập trung trong một thời gian ngắn, người dân chưa có kỹ thuật tối ưu để bảo quản na sau thu hoạch khiến chất lượng na trong quá trình đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ bị ảnh hưởng. Mặt khác, chưa có doanh nghiệp lớn đứng ra bao tiêu sản phẩm, thị trường xuất khẩu đối với loại sản phẩm này chủ yếu theo đường tiểu ngạch cũng là những nguyên nhân làm hạn chế phần nào việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho na.
MẠNH MINH (TTXVN)