Từ thợ rửa xe máy đến chủ doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm nổi tiếng
Kinh tế - Ngày đăng : 14:51, 23/08/2019
Không phải là người Thái Bình thành đạt, giàu có nhất trên đất Hải Dương, nhưng ông Nguyễn Ngọc Bình (sinh năm 1964), Giám đốc Doanh nghiệp Sản xuất và Thương mại Tuấn Bình vẫn được nhiều người biết tiếng và nể phục bởi nghị lực vươn lên làm giàu.
Đưa thương hiệu BezThai vươn xa
Nghe tiếng doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) nổi tiếng đất Bắc của ông Bình ở cụm công nghiệp Thạch Khôi - Gia Xuyên đã lâu nhưng tháng 8 vừa rồi tôi mới lần đầu ghé thăm. Nhà xưởng doanh nghiệp này không quá lớn nhưng được bài trí khoa học, sạch sẽ. Không khí sản xuất tại đây diễn ra nhộn nhịp với hàng chục công nhân đang tất bật thực hiện các phần việc từ làm gáo mũ, sơn, sấy, dán tem đến hoàn thiện, đóng gói sản phẩm... Mỗi tháng, Doanh nghiệp Sản xuất và Thương mại Tuấn Bình sản xuất hàng chục nghìn MBH nửa đầu mang thương hiệu BezThai cung cấp ra thị trường miền Bắc.
Ông Bình khiêm tốn bảo doanh nghiệp của mình vẫn chưa là gì so với những đơn vị sản xuất MBH khác trên cả nước nhưng ông mãn nguyện, tự hào với thành quả có được như ngày hôm nay. "Xưa tôi chỉ là thợ rửa xe máy nên bây giờ được như thế này thấy vui chứ. Giờ nghĩ lại những chuyện cũ mới thấy con đường mình chọn tuy có lắm chông gai nhưng cuối cùng cũng được đền đáp", ông Bình nói.
Ông Bình là thế hệ người Thái Bình thứ 2 sinh sống ở Hải Dương. Bố ông quê ở xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, còn mẹ là người Nam Định. 2 người ra Nhà máy Sứ Hải Dương (nay là Công ty CP Sứ Hải Dương) làm công nhân rồi nên duyên vợ chồng. Ông bà sinh được 4 người con, ông Bình là con út. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường THPT Hồng Quang, ông Bình xin vào làm công nhân Nhà máy Sứ Hải Dương. Công việc ở đây khá ổn định nhưng ông chưa bao giờ bằng lòng và luôn nuôi ý định một ngày nào đó có điều kiện sẽ ra ngoài để làm giàu bằng nghề kinh doanh.
Ông Bình thường xuyên xuống phân xưởng kiểm tra, động viện công nhân trong quá trình sản xuất
Năm 1990, sau 7 năm làm công nhân, ông Bình xin nghỉ và dùng số vốn tích cóp được mở 1 cửa hàng rửa xe máy ngay sau Nhà máy Sứ Hải Dương. Thời gian này, ông xây dựng gia đình và cùng vợ chăm chỉ làm ăn. Công việc tại cửa hàng suôn xẻ, ông bán thêm phụ tùng và MBH xe máy nên lợi nhuận ngày càng cao.
Năm 2013, hệ thống các cửa hàng cung cấp phụ tùng, dịch vụ sửa chữa xe máy ở TP Hải Dương mọc lên nhan nhản khiến việc kinh doanh của gia đình ông Bình không còn thuận lợi như trước. Ông tính chuyện chuyển hướng sang sản xuất MBH. "Trước tôi hay nhập MBH từ Sài Gòn về bán. Tôi thắc mắc tại sao họ làm được mà mình lại không làm được. Suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi vào miền Nam tìm hiểu", ông Bình giải thích về quyết định của mình.
Sau một thời gian vào Sài Gòn học hỏi, khi trở lại quê nhà, ông Bình bàn với vợ mở xưởng sản xuất MBH nhưng liền bị gạt phăng. "Vợ tôi bảo cứ nhập 7 đồng bán 10 đồng là được rồi, chứ sản xuất đầy dãy khó khăn, vốn liếng lại ít rồi chẳng biết có thành công hay không. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm", ông Bình nhớ lại.
Ông Bình thuê mặt bằng rộng khoảng 400 m2 ở cụm công nghiệp Thạch Khôi - Gia Xuyên để mở xưởng sản xuất MBH. Ông vào Sài Gòn lần 2 đặt mua máy móc và nghiên cứu một lần nữa việc sắp xếp quy trình sản xuất để về áp dụng. Ông thuê một chuyên gia trong lĩnh vực này ra giúp mình nhưng họ đòi lương 10.000 USD/tháng khiến ông nản lòng. Vậy là ông về nhà tự mày mò vẽ, thiết kế xây nhà xưởng, phòng sơn, phòng sấy... Lo nhà xưởng và nguồn nguyên liệu xong, ông thuê 5 lao động và bắt tay vào sản xuất.
Cột mốc 15.9.2013 là ngày vô cùng đáng nhớ với ông Bình. Đó là ngày mẻ MBH đầu tiên với 200 chiếc mang thương hiệu BezThai ra lò. Ông vui nhưng vẫn không hài lòng vì mẫu mã, chất lượng sản phẩm làm ra chưa được ưng ý. Ông xác định muốn cạnh tranh với thị trường cần tiếp tục cải tiến. Vừa làm, ông Bình vừa tiếp tục mày mò đi học tập kinh nghiệm ở các nơi khác nên sản phẩm từng bước hoàn thiện.
Sản phẩm làm ra ưng ý đã khó, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó gấp bội. Ông Bình không nhớ đã biết bao nhiêu lần phải tự lái xe đi khắp đại lý ở các tỉnh, thành phố phía Bắc để giới thiệu và bán MBH. Đại lý đồng ý nhập thì hàng ít, từ chối lại nhiều nhưng ông không nản lòng. Với những chỗ chưa tin vào chất lượng mũ bảo hiểm BezThai, ông Bình tặng họ để dùng và tự cảm nhận.
Cách làm kiểu "mưa dầm thấm lâu" của ông rồi cũng phát huy hiệu quả. Các đại lý bắt đầu đăng ký nhập hàng ngày càng nhiều. Chỗ này thấy tốt lại giới thiệu cho chỗ khác. Thương hiệu MBH BezThai ngày càng được thị trường ưa chuộng. Từ chỗ phải đi chào hàng khắp nơi, nay nhiều khách hàng tự tìm đến doanh nghiệp của ông Bình để đặt mua hàng.
Tháng 5.2014, ông vay vốn ngân hàng đầu tư mua lại diện tích mặt bằng rộng 1.800 m2 cùng ở cụm công nghiệp Thạch Khôi - Gia Xuyên để mở rộng quy mô sản xuất MBH như hiện tại. Những lô hàng lớn được khách hàng đặt ngày càng nhiều, trong đó có Công ty TNHH May Tinh Lợi cùng lúc đặt 10.000 chiếc cho công nhân. Có thời điểm sản phẩm làm ra không đủ cung cấp theo nhu cầu của thị trường.
Ông Bình cho biết đã được cấp có thẩm quyền đồng ý cho mở rộng quy mô xưởng sản xuất lên 4.000 m2. Dự kiến năm 2020, ông sẽ bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, nâng cấp hệ thống sơn tự động nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm MBH.
"Thương hiệu MBH BezThai của tôi được nhận nhiều giải thưởng và ngày càng vươn xa. Hướng tới của tôi là sẽ đưa sản phẩm tiến vào các tỉnh miền Trung", ông Bình thông tin. MBH BezThai của Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất và Thương mại Tuấn Bình được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu "Thương hiệu Việt Nam tin dùng".
Ông Bình chia sẻ con đường đi đến thành công của mình là kết tinh của nhiều yếu tố, từ sự mạnh dạn, quyết tâm, may mắn cùng sự giúp đỡ của bè bạn, người thân. "Bố tôi là người Thái Bình với bản chất cần cù, chịu khó, không bỏ cuộc. Ông đã truyền lại đức tính này và làm nền tảng giúp tôi có được như ngày hôm nay", ông Bình xúc động nói.
Trách nhiệm, tận tâm
Công nhân làm việc tại Doanh nghiệp Sản xuất và Thương mại Tuấn Bình rất nể trọng ông Bình. Họ nể ông vì cách ông đi lên từ gian khó và luôn sống trách nhiệm, đối đãi với người lao động chu đáo, tình cảm. Chị Phạm Thị Đỏ ở huyện huyện Gia Lộc làm việc tại doanh nghiệp đã hơn 5 năm cho biết ông Bình thường xuyên xuống tận xưởng hỏi thăm điều kiện làm việc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để điều chỉnh cho phù hợp.
Công nhân không may làm sai kỹ thuật, ông nhẹ nhàng bảo ban khắc phục. "Chú Bình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho chúng tôi. Những người lao động lớn tuổi còn được chú mua tặng bảo hiểm Manulife. Chú ấy bảo cuộc sống chẳng thể biết trước tương lai có thể xảy ra chuyện gì nên mua bảo hiểm tặng mọi người để phòng khi gặp rủi ro còn có tiền trang trải", chị Đỏ nói.
Doanh nghiệp của ông Bình quan tâm bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng thuế với Nhà nước. Đối với ông, Hải Dương hay Thái Bình đều là quê hương. Ông Bình tham gia đóng góp, ủng hộ đầy đủ các phong trào, cuộc vận động do địa phương phát động. Hằng năm, ông đều dành thời gian về thăm quê hương Thái Thụy vào các dịp lễ, Tết, Thanh minh. Tuy sinh ở Hải Dương nhưng ông vẫn thường xuyên nắm bắt thông tin về nguồn cội. Không có phong trào nào quê hương Thái Binh kêu gọi mà ông không tham gia hưởng ứng.
Ông Trần Quang Sáng, Chủ tịch Hội Đồng hương Thái Bình tại Hải Dương nhận xét: "Không chỉ là chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, ông Bình còn là hội viên nhiệt tình, trách nhiệm với tất cả các phong trào của hội. Đây là điển hình rất đáng được trân trọng, biểu dương".
TIẾN MẠNH