Tỷ phú cá lồng Trần Đình

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:57, 25/08/2019

Sau những thất bại, nhiều người trong làng nói ông Trần Đình bị khùng khi mang tiền đổ xuống sông, xuống ao nhưng kết cục lại không phải như vậy.

Với 60 lồng cá đặc sản và 8 ao cá giống, năm 2018, ông Trần Đình thu lãi trên 2 tỷ đồng

Bằng chất “thép” của người lính bộ đội Cụ Hồ, ông vẫn kiên định với con đường đã chọn và hái được “quả ngọt” như ngày hôm nay.

Việc gì cũng làm

Một buổi sáng đầu thu, chúng tôi tìm về nhà ông Trần Đình ở khu dân cư Giang Thượng, phường Tân Dân (TP Chí Linh). Đến đầu khu dân cư, chúng tôi hỏi một người bán hàng đường vào nhà ông Trần Đình thì bà cụ ngồi cạnh nhanh nhảu nói: “Nhà tỷ phú Trần Đình ở trong làng nhưng giờ này anh ấy không ở đó đâu. Cháu phải ra bè cá lồng ở ngoài bãi sông Kinh Thầy hoặc ra trại chăn nuôi cá cơ”. Chúng tôi liền gọi điện thoại, ông Đình trả lời: “A lô, chú đang ở trong trại nuôi cá, cháu đứng ở trạm bơm đầu làng chú ra đón nhé”.

Bước xuống từ xe ô tô Fortuner đen nhánh là ông Trần Đình (sinh năm 1965), dáng người cao to, mặt vuông chữ điền, giọng nói hào sảng và nụ cười thân thiện. Trước khi gặp tôi nghĩ ông là một lão nông nhưng thực tế ông trông giống như một doanh nhân. Nở nụ cười thân thiện, ông nói: “Chào nhà báo, lên xe vào trong trang trại trước rồi mình ra bè sau”.

Gặp lần đầu nhưng quãng đường trên xe ô tô chúng tôi trò chuyện như đã thân tình từ trước. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện trước khi ông khởi nghiệp ở quê hương. Năm 1984, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Trần Đình rời quê lên đường nhập ngũ, vào Sư đoàn 304 (Lạng Sơn). Sau vài tháng huấn luyện, ông được cử đi học nhân viên tài vụ rồi về học tại Trường Hậu cần của Quân đoàn II. Học xong, ông được Sư đoàn Bộ binh 325 xin về làm tài vụ. Từ năm 1987 - 1990, ông kinh qua các chức vụ từ Trưởng Ban Bảo đảm của Trung đoàn 101 đến Trưởng Ban Kinh tế kế hoạch của Sư đoàn 325. Cuối năm 1990 do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ ông lâm bệnh và liên tục đau ốm, ông xin ra quân về địa phương. 

Ông kể: “Lúc mới về khổ lắm, tôi làm tất cả các công việc, có việc gì làm việc đấy". Sau đó ông thầu xây dựng các công trình dân dụng. Ngày ấy cột điện vẫn làm bằng sắt, hay bị hở điện làm chết trâu bò, nguy hiểm đến tính mạng con người. Ông nảy sinh ý định làm cột điện bê tông để thay thế toàn bộ cột điện bằng sắt. "Giờ trong làng vẫn còn, nhiều khi còn làm miễn phí nên bà con rất quý mến. Giai đoạn này, tôi cũng tích cóp được chút đỉnh”, ông Đình bảo.

Ngã ở đâu đứng lên ở đó

Năm 1997, nhiều nơi chuyển các vùng đất trũng cấy lúa một vụ kém hiệu quả sang đào ao thả cá, chăn nuôi, trồng trọt mang đến một luồng sinh khí mới cho những ai mạnh dạn làm giàu. Ông là một trong số đó. Ông xin chuyển đổi 3,5ha khu lò gạch cũ bỏ hoang thành khu nuôi thủy sản. Ông vay anh em bạn bè và ngân hàng đầu tư 2,3 tỷ đồng để cải tạo thành 8 ao nuôi cá. Thời gian đầu, ông gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn và kinh nghiệm, người thân ngăn cản, nhưng ông vẫn quyết định làm. Ông nghĩ nếu không làm bây giờ thì không bao giờ làm được nữa. 

Năm 2010, ông có quyết định táo bạo một lần nữa. Hồi ấy, cá diêu hồng chủ yếu trong miền Nam chuyển ra, giá cao trong khi cước vận chuyển đã ở mức 22.500 đồng/kg. Ông nhận thấy đây là cơ hội tiếp theo để mở rộng kinh doanh. Ông liên hệ với bạn bè trong miền Nam mang cá giống diêu hồng ra miền Bắc nuôi. Thời kỳ này chỉ có ông và 3 người nữa ở huyện Nam Sách đi đầu nuôi giống cá này. Với nguồn vốn sẵn có, vay thêm ngân hàng, anh em bạn bè, ông đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng 20 lồng cá trên sông Kinh Thầy đoạn qua phường Văn An (TP Chí Linh).

Vừa cầm cái máy sục khí ông vừa nói: “Đấy, sau cơn giông lốc đêm qua, tôi lại bị thiệt hại hơn 30 triệu đồng do chập điện làm cháy 3 máy sục khí. Làm nghề này bị thiệt hại vài chục triệu là chuyện bình thường, không cá chết thì hỏng máy móc”. Thiệt hại nặng nề nhất của gia đình ông là năm 2012. Dịch bệnh, nắng nóng kéo dài làm khoảng 20 tấn cá rô phi chết, thiệt hại 300 triệu đồng. “Cứ nghĩ đến hình ảnh cá chết trắng xóa mặt ao là ruột đau như cắt, ăn nằm không yên. Lúc ấy vợ tôi lại đang điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai càng làm tôi dằn vặt. Tuy nhiên, thời gian trong quân ngũ đã tôi luyện cho tôi ý chí. Tôi phải sống đúng với phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ", ông Đình chia sẻ. 

Ông Trần Đình đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng mua nhiều máy móc thiết bị phục vụ nuôi cá

Chưa hết, năm 2014, 10 vạn con cá lăng giống trong ao chuẩn bị chuyển ra 20 lồng ngoài sông thì bị "nổi đầu". Lúc này phải sục khí tạo ô xy nhưng bị mất điện nên 10 vạn con cá lăng giống bị xóa sổ, thiệt hại gần 400 triệu đồng. Ngồi trên lán của bè cá lồng, nước sông vỗ oàm oạp, nhấp chén trà đặc xong, ông Đình giãi bày: "Thời điểm bị thiệt hại gần 400 triệu đồng cá lăng giống tôi rất lo lắng và có phần suy sụp. Lại một lần nữa phải gồng mình". Ngay sau đó, ông đã đầu tư 200 triệu đồng để mua máy phát điện nhằm giảm thiệt hại.

Sau mỗi lần thất bại, ông tích cực tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật, mua nhiều sách báo, tìm hiểu trên mạng, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước và tự lý giải nguyên nhân vì sao cá chết để khắc phục. Tâm niệm “ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đó”, “thua keo này bày keo khác”... giúp ông trụ vững và vượt mọi khó khăn.

Đến nay, ông đã phát triển lên 60 lồng cá, trong đó chủ yếu là các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như diêu hồng, lăng, trắm đen, hô, quế, chép giòn, đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, sản phẩm cá trắm đen và cá chép của ông được dán tem truy xuất nguồn gốc để chứng minh cá được nuôi theo quy trình sạch, an toàn, không chất cấm, không dùng kháng sinh. Do thịt cá rắn chắc và thơm hơn cá nuôi trong ao nên sản phẩm của ông được nhiều khách hàng ưa chuộng. 

Hiện tổng đầu tư cho cả trang trại và bè cá lồng của gia đình ông hơn 20 tỷ đồng. Sản lượng cá xuất ra từ 350 - 400 tấn/năm, thị trường chủ yếu ở miền Bắc, tập trung ở Hà Nội... Những năm gần đây, lợi nhuận hằng năm thu được tăng dần. Năm 2018, trừ hết chi phí, ông còn lãi trên 2 tỷ đồng. Ông tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ kinh nghiệm

Bằng kinh nghiệm, vốn hiểu biết, không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Đình còn tích cực hỗ trợ, tư vấn cho nhiều hộ nuôi thủy sản khác, được nhiều người quý mến. Ông Trương Văn Nam ở khu dân cư Giang Thượng cho biết: "Lần nào anh Đình đến nhà chơi là tôi phải giữ chân anh bằng được để học hỏi kinh nghiệm. Trong quá trình sản xuất anh còn giúp đỡ các hộ khó khăn về con giống và cám trả chậm".

Với vốn kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi cá, ông Trần Đình cho biết điều quan trọng nhất khi nuôi thủy sản là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì con cá không thể bắt lên tiêm giống con lợn, con gà được. Những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi cần tạo môi trường trong sạch, đầy đủ ô xy, pH để bảo đảm sức khỏe cho cá. Cá có khỏe thì mới kháng được bệnh. Trước những thời điểm giao mùa, cứ 3 ngày cho cá ăn vitamin C, sau đó 2 ngày cho ăn men tiêu hóa. Để cá bán được giá, ông Đình thường chọn bán trước hoặc sau thời gian thu hoạch đại trà. Ông nói: “Tôi thích mạo hiểm, có mạo hiểm mới có thành công”. 

Ngoài chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, ông còn tích cực ủng hộ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng… Ông và gia đình còn đóng góp trên 30 triệu đồng để xây dựng đường giao thông đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong đời sống, ông được bà con quý mến không chỉ ở cách ứng xử, giúp đỡ mọi người mà còn ở cả tấm lòng hiếu kính với cha mẹ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Tân Dân Nguyễn Đức Thịnh, ông Đình không chỉ là gương kinh doanh, sản xuất giỏi ở địa phương mà còn được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Ban Tổ chức Chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam" trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”. Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng ông mà còn là niềm vui của cả địa phương. 

Chúng tôi chia tay tỷ phú Trần Đình trên bè cá khi bóng chiều đã xế tà. Lên đến triền đê ông vẫn gọi với lại: “Lần sau về đây, nhà báo sẽ lại thấy bè cá lồng của tôi phát triển hơn nhé”. 

THẾ ANH