Nhớ lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm làng mộc Đông Giao
Tin tức - Ngày đăng : 11:58, 25/08/2019
Tại cuộc gặp mặt, Đại tướng mong địa phương cần tập trung sức người, sức của để xây dựng nông thôn khang trang, thúc đẩy giao thương.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ân cần hỏi thăm nhân dân địa phương (ảnh tư liệu)
Dành một vị trí trang trọng ở phòng khách, nhiều năm nay ông Vũ Văn Trung, nguyên Trưởng thôn Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) vẫn treo bức ảnh kỷ niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm làng. Đối với ông Trung và nhiều người dân làng mộc Đông Giao có mặt lúc ấy, đây là kỷ niệm không thể nào quên.Ấm áp gặp mặt
Ông Trung nhớ như in ngày Đại tướng về thăm làng 20.10.1993. Được báo trước 3 ngày, lãnh đạo thôn, xã thống nhất tổ chức đón tiếp Đại tướng tại đình làng Đông Giao. Đây là ngôi đình cổ được khởi dựng từ thế kỷ XVIII với hệ thống khám thờ, bàn thờ, tượng thờ, cuốn thư cổ... chạm trổ bằng bàn tay khéo léo của người thợ Đông Giao.
Ông Trung và các cán bộ đoàn thể trong thôn đã huy động nhân dân dọn vệ sinh đình làng, khu vực xung quanh, trưng bày tại đình nhiều sản phẩm đặc trưng của làng nghề thời điểm đó gồm sập gụ, tủ chè, cây cảnh, con giống, tranh tứ quý bằng gỗ…
Sáng 20.10.1993, hàng trăm người dân Đông Giao đã kéo ra cổng làng chờ đón Đại tướng. Khoảng 9 giờ sáng, hai chiếc xe chở Đại tướng, phu nhân và đoàn lãnh đạo tỉnh Hải Hưng (cũ), huyện Cẩm Bình (cũ) dừng bánh tại sân đình Đông Giao. Đại tướng và phu nhân xuống xe trong vòng vây của nhân dân.
Ông Vũ Dương Hoằng ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), nguyên Chủ tịch UBND huyện Cẩm Bình thời kỳ đó cho biết Đại tướng đã ân cần hỏi thăm sức khỏe người dân, nhất là các cụ già, em nhỏ trong làng. “Đại tướng cho biết mình đến thăm làng nghề với tư cách cá nhân. Cụ rất mừng khi thấy nhiều hộ trong thôn có nhà cửa khang trang, kinh tế phát triển so với các địa phương khác”, ông Hoằng nhớ lại.
Tại cuộc gặp mặt, ông Hoằng đã thay mặt lãnh đạo địa phương báo cáo với Đại tướng về hoạt động chung của một số làng nghề trong huyện, trong đó có làng nghề Đông Giao. Thời điểm đó, làng nghề Đông Giao có 450 hộ, trong đó khoảng 95% số hộ làm nghề chạm khắc gỗ. Ngày công của thợ chính bình quân từ 7.000-9.000 đồng/ngày, cao hơn nhiều lần so với thu nhập trung bình của nông dân. Sản phẩm của làng nghề đã được tiêu thụ ở miền Nam và xuất khẩu sang Đài Loan, Singapore…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay ông Vũ Văn Trung, nguyên Trưởng thôn Đông Giao (ảnh tư liệu)
Đại tướng căn dặn các lãnh đạo và nhân dân địa phương nhiều vấn đề. “Tôi nhớ như in lời căn dặn của Đại tướng. Đầu tiên, Đại tướng dặn dò lãnh đạo địa phương và các cụ cao tuổi trong làng cần động viên người dân và con em đoàn kết, dạy bảo con cháu giữ được nghề truyền thống của cha ông, đừng để nghề mai một. Sau này sẽ trở thành nghề chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Trung nhớ lại.Tiếp đó, Đại tướng dặn dò lãnh đạo và nhân dân địa phương không được phá bỏ mà cần tu bổ đình làng. Đình làng Đông Giao có lịch sử hàng trăm năm, là biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống nhân dân, đóng vai trò là điểm tựa văn hóa, giúp kết nối người dân làng nghề. Việc tu bổ đình cũng là kế thừa, phát huy văn hóa truyền thống, gìn giữ sự gắn bó cộng đồng.
Cuối cùng, Đại tướng căn dặn phải làm sao cho thôn thật sự khang trang, to đẹp. Lúc này nhiều con đường tại địa phương vẫn là đường đất. Đại tướng mong địa phương cần tập trung sức người, sức của để xây dựng nông thôn khang trang, thúc đẩy giao thương. Sau khi Đại tướng trò chuyện, căn dặn lãnh đạo và nhân dân địa phương, đoàn lãnh đạo tỉnh và địa phương đã thay mặt nhân dân tặng vợ chồng Đại tướng bức tượng gỗ "Anh hùng tương ngộ” - một sản phẩm tinh xảo, độc đáo từ bàn tay tài hoa của người thợ Đông Giao.
Bịn rịn chia tay"Ngày cụ mất, không có điều kiện đưa tiễn cụ, tôi đã khóc rất lâu. Với tôi và gia đình lần Đại tướng về thăm quê là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ".
Lo lắng Đại tướng bị mệt vì lúc này cụ đã 82 tuổi, phu nhân Đại tướng giục ông lên xe đi tiếp. Lúc chia tay, hàng trăm người dân quây kín xung quanh vợ chồng Đại tướng. Nhiều cụ già khóc nấc lên khi được nắm tay, nhìn thấy tận mắt vị Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vợ chồng Đại tướng liên tục vẫy tay chào, hỏi thăm, động viên các cụ già khi ra khỏi đình.
Thấy cháu bé mang bó hoa đến tặng vợ chồng Đại tướng bị lọt thỏm trong hàng trăm người dân vây quanh Đại tướng, ông Trung đã bế cháu bé lên để tặng hoa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bế cháu bé và tươi cười đón nhận tình cảm của người dân làng Đông Giao.
Nhiều năm nay, chị Vũ Thị Thương (sinh năm 1988), chính là cháu bé năm nào vẫn giữ được tấm ảnh về khoảnh khắc ấm áp này. Tấm ảnh được phóng to, treo trang trọng tại nhà ông Vũ Đình Quỳ, bố chị Thương ở làng Đông Giao.
Ông Trung xem lại bức ảnh ông được bắt tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1993
“Buổi sáng hôm đó tôi được các cô giáo đánh son, tết tóc, mặc váy, đi giày mới để ôm hoa tặng Đại tướng. Khi được cụ bế, tôi nhìn chăm chú vào cụ. Sau này tôi đã tìm hiểu rất nhiều về những chiến công của Đại tướng, càng tìm hiểu càng thấy mình may mắn. Ngày cụ mất, tôi đã khóc rất lâu. Với tôi và gia đình, lần Đại tướng về thăm quê là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ”, chị Thương chia sẻ.Cũng như chị Thương, anh Hoàng Văn Thọ, sinh năm 1969, người thợ có vinh dự làm bức tượng “Anh hùng tương ngộ” để tặng gia đình Đại tướng cảm thấy rất tự hào.
Thời điểm đó anh Thọ là một trong những thợ giỏi có tiếng ở Đông Giao, trong nhà thường có từ 4-5 thợ phụ và 5 thợ học việc.
Nói về ý nghĩa của món quà này, anh Thọ cho biết tượng “Anh hùng tương ngộ” là cuộc gặp mặt của 2 loại linh vật hổ và đại bàng. Hổ đại diện cho sự dũng mãnh, mạnh mẽ có sức mạnh rung chuyển núi rừng; đại bàng có đôi mắt tinh anh, như mang trong mình sức mạnh của bầu trời bao la.
Nhận được vinh dự này, anh Thọ đã đặc biệt chăm chút cho tác phẩm. “Tác phẩm đã được thực hiện từ trước nhưng khi được đặt để tặng Đại tướng, tôi đã mất hơn 1 ngày chạm khắc tinh xảo những đường nét như mắt, mỏ, móng vuốt của đại bàng và hổ nhằm khắc họa sinh động hai hình tượng dũng mãnh nhất của đất và trời, qua đó thể hiện lòng biết ơn và ca ngợi những chiến công anh dũng của Đại tướng”, anh Thọ nói.
Chuyến về thăm làng mộc Đông Giao của vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại ấn tượng không phai trong lòng người dân nơi đây. Nhớ lời căn dặn của cụ, nhiều năm nay làng mộc Đông Giao luôn giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
Những người thợ khéo tay của làng thường xuyên tạo ra mẫu mã mới, tinh xảo, phù hợp với xã hội hiện đại, quan tâm đưa sản phẩm mộc truyền thống xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Làng Đông Giao hiện có có 950 hộ, trong đó khoảng 95% số hộ làm nghề mộc, thu nhập của những người thợ chính ở Đông Giao đã đạt từ 20-30 triệu đồng/tháng, thợ phụ từ 5-6 triệu đồng/tháng; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh có thu nhập từ 1,5-2 tỷ đồng/năm. 95% số hộ có nhà kiên cố, cao tầng, tất cả đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, tạo nên bộ mặt nông thôn mới khang trang. Địa phương đang tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích đình làng với tổng nguồn vốn xã hội hóa trên 1 tỷ đồng với các hạng mục xây mới nhà tổ nghề, khôi phục giếng đình cổ, tôn tạo đình. Đình được giữ nguyên kèo cột, xà gồ, vì, mái ngói trước; thay rui, mái ngói sau; thêm mới ban thờ, cuốn thư, câu đối, bát hương, mâm bồng, lư hương, cây đèn... Nhiều con em quê hương đã cung tiến tiền và hiện vật trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng như các ông Vũ Hữu Chức, Vũ Xuân Cửu, Nguyễn Văn Ngân... Dự kiến việc trùng tu, tôn tạo sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. |
VIỆT QUỲNH