Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương học tập suốt đời
Tin tức - Ngày đăng : 17:08, 26/08/2019
Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Ảnh: vannghequandoi.com.vn
Bác nhắc nhở: “Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm” (1). Bằng tấm gương học tập suốt đời, Bác đã để lại nhiều bài học và những chỉ dẫn quý báu, trong đó có những nội dung rất cơ bản mà chúng ta cần học tập và noi theo.
"Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập"
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc học tập và luôn nhắc nhở phải nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên. Trong lời ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) tháng 9.1949, Bác đã viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ/ Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” (2).
Để nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng công tác, Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên muốn tiến bộ mãi thì phải học tập, học tập suốt đời, học tập mọi lúc mọi nơi, học lý luận phải gắn với thực tiễn... Đồng thời, phải chống thói qua loa đại khái, lười học, lười suy nghĩ dẫn đến tình trạng khi giải quyết công việc thì “được chăng hay chớ”, “gặp đâu làm đấy”, chất lượng công việc thấp, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Người vạch rõ nhiệm vụ của cán bộ là “mỗi ngày ít nhất phải học tập 1 tiếng đồng hồ” và xem việc cán bộ, đảng viên vì bận việc hành chính hoặc quân sự mà xao nhãng chuyện học tập là “một khuyết điểm rất to”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Đảng phải có kế hoạch huấn luyện, tạo điều kiện để cán bộ đảng viên nâng cao trình độ về mọi mặt. Người nhấn mạnh, phải chú trọng công tác huấn luyện cán bộ, lựa chọn cẩn thận người phụ trách công tác này: “Những người lãnh đạo cần tham gia việc dạy” và “không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”. Đề cao việc được học tập và tinh thần tự giác học tập để nâng cao năng lực của mỗi cán bộ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định.
Bác Hồ - tấm gương học tập suốt đời
Bản thân Bác chính là một tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời. Người học từ sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân và từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới.
- Tấm gương tự học
Bác học ở trường lớp không nhiều mà tự học là chính. Trong những năm tháng bôn ba nước ngoài, làm đủ các nghề để sống, khi làm bồi bếp trên tàu biển, khi thì đốt lò, quét tuyết trong mùa đông băng giá ở nước Anh, khi thì bán báo, làm thợ ảnh, vẽ đồ cổ ở nước Pháp…, Bác đều tranh thủ để tự học. Cần học chữ nào Bác viết lên cánh tay, vừa đi vừa xem, vừa làm vừa học, đến cuối ngày chữ mờ dần cũng là lúc Bác nhớ được hết. Mặc dù công việc nặng nhọc, kéo dài suốt ngày, Bác vẫn tranh thủ tới thư viện đọc sách hoặc nghe những buổi nói chuyện để trau dồi kiến thức. Tối đến, Bác đi dự những cuộc mít tinh, làm quen với các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật để nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Dù cuộc sống lao động vất vả, Bác vẫn đã tự rèn cho mình ý chí quyết tâm tự học một cách bền bỉ.
Sau này, khi nước nhà độc lập, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Bác vẫn tự học qua sách báo và trong thực tiễn. Năm 1961, nói chuyện với những cán bộ đảng viên hoạt động lâu năm, Bác tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau” (3).
Bằng sự miệt mài và say sưa tự học, Bác đã lĩnh hội được hệ thống tri thức đồ sộ, có được trình độ học vấn uyên bác, tầm hiểu biết toàn diện và sâu rộng đồng thời có sự nhạy cảm sắc sảo với hệ thống tri thức đó. Vì vậy, bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Bác còn để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản lớn các tác phẩm báo chí và văn học, trong đó, có không ít tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài.
- Học từ thực tiễn
Nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Băng Đung trong chuyến thăm Indonesia sinh 1959, Bác chia sẻ: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường đại học. Tôi đi du lịch và làm việc, đó là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó dạy cho tôi cách yêu, cách ghét, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ, hòa bình và căm ghét áp bức, ích kỷ… Trường học ấy đã dạy tôi khoa học quân sự, lịch sử và chính trị...” (4)
Những năm sống và hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ đã luôn nêu cao tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn. Chính từ những hoạt động trải nghiệm thực tế tại các nước thuộc địa, các nước thực dân, đế quốc, trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc bị áp bức, Bác đã tìm thấy lý luận Mác-Lênin, cẩm nang thần kỳ để cứu dân, cứu nước.
Tiếp đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trên cơ sở học tập và kế thừa chủ nghĩa yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa trí tuệ của nhân loại, Bác đã cùng với Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo lý luận Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
- Học đi đôi với hành
Bác luôn khẳng định, học cốt để áp dụng vào công việc thực tế, nếu lý thuyết mà không áp dụng vào thực tế là lý thuyết suông; chỉ học thuộc lòng lý thuyết thì lý thuyết ấy cũng vô ích, mà phải vừa học, vừa làm... Do đó, học phải đi đôi với hành. Bác nhấn mạnh, muốn giỏi đòi hỏi phải gắn học với thực hành, học để vận dụng sáng tạo vào trong thực tế công tác, trong cuộc sống, học để ứng xử với bản thân, với mọi người, với thực tế cuộc sống, để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Bác dẫn chứng: “Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song, y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế” (5).
Bác còn giải thích: “Do thực hành mà sinh ra hiểu biết. Lại do thực hành mà chứng thực và phát triển sự thật. Từ hiểu biết bằng cảm giác tiến lên hiểu biết bằng lý trí. Lại từ hiểu biết bằng lý trí tiến lên thực hành lãnh đạo cách mạng, cải tạo thế giới. Thực hành, hiểu biết, lại thực hành, lại hiểu biết nữa. Cứ đi vòng như thế mãi, không bao giờ ngừng...” (6)
Không ngừng học tập để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới
Lĩnh vực giáo dục nói riêng và việc nâng cao dân trí nói chung có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Hầu hết các quốc gia có tốc độ tăng trưởng và chỉ số phát triển con người (HDI) cao đều do sự đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục. Do đó, đầu tư cho giáo dục, nâng cao dân trí chính là sự đầu tư cho phát triển.
Đối với Việt Nam, sự nghiệp “trồng người” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng vẫn luôn là chiến lược hành động của toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, việc đầu tư cho giáo dục, nâng cao dân trí ngày càng được quan tâm, chú trọng. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế. Qua đó, chỉ số HDI và sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện. Tuy nhiên, kết qua này vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu trong bối cảnh mới, khi đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi trình độ cán bộ, trình độ lao động ngày càng phải được nâng cao.
Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy, hiện nay còn không ít cán bộ, đảng viên còn “học vì bằng cấp”, “cốt để tiêu chuẩn hoá chức danh”… Những biểu hiện đó là trái với tư tưởng của Bác về mục đích học tập, cần phải phê bình, sửa chữa, để mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự là tấm gương về học tập cho quần chúng noi theo.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên trí tuệ, kỷ nguyên tri thức thì những căn dặn và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa càng trở nên có ý nghĩa. Do vậy, mỗi cán bộ đảng viên muốn có tầm nhìn xa, muốn xử lý đúng trong mọi tình thế, thì nhất định phải tự hoàn thiện, học tập suốt đời; mỗi cá nhân cũng cần không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng, tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập.
MINH DUYÊN (TTXVN)
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, t.7, tr.83
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, t.5, tr.684
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.13, tr. 273
(4) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 80
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, t.5, tr. 275.
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.6, tr.257.