Cẩm Hoàng chuyển hướng chăn nuôi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:30, 29/08/2019

Sau cơn "bão" dịch tả lợn châu Phi, nhiều gia đình ở xã Cẩm Hoàng đã chuyển sang nuôi gia cầm mong gỡ lại chút vốn để trang trải nợ nần.

Khu nuôi lợn nái của gia đình anh Nguyễn Danh Hội ở thôn Phượng Hoàng được cải tạo để nuôi gà

Cẩm Hoàng là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của huyện Cẩm Giàng, nhiều hộ dân ở đây sung túc nhờ nuôi lợn. Cơn "bão" dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) quét qua đã khiến nhiều hộ ở Cẩm Hoàng bỗng chốc thất nghiệp. Trong khi chờ tái đàn, nhiều gia đình ở xã đã chuyển sang nuôi gia cầm mong gỡ lại chút vốn để trang trải nợ nần.

Trước khi DTLCP xuất hiện, xã Cẩm Hoàng có 236 hộ chăn nuôi lợn với gần 13.000 con. Ngày 13.4, Cẩm Hoàng xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên tại thôn Phí Xá. Mặc dù chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống song bệnh lây lan nhanh nên chỉ sau hơn 4 tháng đã có 183 hộ có lợn bị dịch, 3.492 con lợn phải tiêu hủy, trong đó có 489 lợn nái.

Từng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, nhưng DTLCP đã biến anh Nguyễn Danh Hội ở thôn Phượng Hoàng trở thành con nợ của ngân hàng với khoản vay 700 triệu đồng. Bao năm nay, gia đình anh sống bằng nghề nuôi lợn và dành hết vốn liếng đầu tư chăn nuôi. Đợt DTLCP vừa qua, gia đình anh đã phải tiêu hủy toàn bộ số lợn trên 300 con, trong đó có 30 con nái. Sau khi trừ phần hỗ trợ của Nhà nước, anh Hội ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Giờ đây, chuồng trại bỏ không, việc làm không có, thu nhập cũng không, anh Hội đành tạm chuyển sang nuôi gia cầm. Sau khi tiêu hủy hết lợn, anh Hội tiếp tục phun thuốc khử trùng chuồng nuôi và đầu tư trên 30 triệu đồng làm lại chuồng trại nuôi trên 2.000 con gà và 1.000 con vịt. Anh Hội buồn rầu cho biết: “Tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng làm chuồng trại nuôi lợn, nay phải phá dỡ cũng xót lắm. Biết là nuôi gà, vịt lợi nhuận không cao bằng nuôi lợn nhưng dịch bệnh, rủi ro cũng ít hơn”.

Mặc dù đã hơn 10 giờ trưa nhưng ông Trần Văn Thơ ở thôn Phượng Hoàng vẫn cặm cụi dọn khu chuồng nuôi gà. Ông Thơ cho biết: “Đang là chuồng nuôi lợn nay chuyển sang nuôi gà nên khá bất tiện. Biết là không phù hợp nhưng nếu cải tạo lại sẽ mất một khoản tiền kha khá nên tôi đành để vậy nuôi gà để chờ ngày được tái đàn lợn”. Trong đợt DTLCP vừa qua, gia đình ông Thơ đã phải tiêu hủy tất cả 13 con lợn nái, 60 lợn con và một số lợn thịt. Hiện ông nuôi 1.000 con gà lai Hồ để thế chỗ lợn mong có thu nhập bù lại chi phí đã mất do đàn lợn bị tiêu hủy.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Lan, Trưởng Ban Thú y xã Cẩm Hoàng, hiện toàn xã có khoảng 20 hộ sau khi bị tiêu hủy hết lợn đã chuyển sang nuôi gia cầm. Để bảo đảm chăn nuôi an toàn, sau khi tiêu hủy hết lợn, Ban Thú y xã tiếp tục theo dõi, giám sát và hướng dẫn các hộ thực hiện nghiêm việc tiêu độc khử trùng, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi và quanh khu vực chuồng trại, rắc vôi bột hoặc tôi vôi ủ tại chuồng... Xã cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyên đề về bệnh DTLCP và một buổi về nuôi gia cầm cho nông dân. Ban Thú y xã cũng viết bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và đưa về các thôn để các hộ nắm được, có hướng phát triển chăn nuôi phù hợp.

Việc chuyển hướng nuôi gia cầm không những mang lại nguồn thu nhập cho các hộ chăn nuôi trong khi chờ tái đàn lợn mà còn góp phần bù đắp lượng thịt thiếu hụt do DTLCP gây ra, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho nhân dân. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo khi chuyển hướng chăn nuôi các hộ cần thực hiện các biện pháp an toàn, vệ sinh phòng bệnh, không tái đàn ồ ạt theo phong trào, tránh tình trạng cung vượt quá cầu, dẫn đến giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Vì thực tế khi xuất hiện DTLCP, nhiều hộ cũng đã tăng đàn gia cầm.

TUẤN SỸ