CPI tháng 8 tăng nhẹ
Kinh tế - Ngày đăng : 16:44, 29/08/2019
Theo đó, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, thời tiết nắng nóng kéo dài ở một số địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2019 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 1,87% so với tháng 12.2018, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng bình quân 8 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tổng cục Thống kê chỉ ra, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 8 nhóm hàng tăng giá: thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,81%; giáo dục tăng 0,57%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,33%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,09%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%. Có 3 nhóm hàng giảm giá: giao thông giảm 0,46%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cho biết các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 8 năm 2019 là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn giảm (tính đến ngày 20.8.2019 tổng số lợn bị tiêu hủy khoảng 4,4 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 255.505 tấn), làm cho giá thịt lợn tháng 8.2019 tăng 0,89% so với tháng trước.
Giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5.7.2019 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và Thông tư số 37/2018/TT-BYT về quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,64%.
Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ. Thời tiết nắng nóng kéo dài tại một số địa phương nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng làm cho chỉ số giá điện tăng 0,33%, chỉ số giá nước tăng 0,28% so với tháng trước.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 8/2019 là: giá xăng dầu điều chỉnh giảm vào ngày 1/8/2019 và ngày 16/8/2019, tổng cộng giá xăng A95 giảm 880 đồng/lít, xăng E5 giảm 920 đồng/lít, dầu diezen giảm 490 đồng/lít, bình quân tháng 8/2019 giảm 1,06% so với tháng trước, CPI chung giảm 0,04%.
Tháng 8 là thời gian du lịch đã qua mùa cao điểm nên giá vé tàu hỏa giảm 4,23%; giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 0,17% so với tháng trước; giá nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh giảm do nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá vào tháng 7 âm lịch.
Cũng trong tháng 8, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, giá vàng tiếp tục tăng do bất ổn và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và đồng USD giảm giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất từ ngày 31.7.2019. Tính đến ngày 24.8.2019, bình quân giá vàng thế giới tăng 5,46% so với tháng 7.2019. Trong nước, bình quân tháng 8.2019, giá vàng tăng 4,61% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 4,09 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Chỉ số giá đô la Mỹ (USD) giảm 0,17%. Ngày 31.7.2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất cơ bản 0,25% từ mức 2,25% xuống mức 2%, đây là lần đầu tiên Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất đồng USD kể từ tháng 12.2008.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá VND khi đồng USD mạnh lên và đồng nhân dân tệ suy yếu. Trong nước, với phương thức điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt, cùng với nguồn cung ngoại hối dồi dào đã hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND không biến động mạnh. Tỷ giá giữa VND và USD tháng 8.2019 giảm 0,17%, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 23.270 VND/USD.
Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8.2019 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,95% so với cùng kỳ; 8 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ năm trước tăng 1,9%.
Bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục. Lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ tăng 1,9% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
Theo TTXVN