Nguy hiểm do thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:02, 30/08/2019
Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Việc trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho vị thành niên, thanh niên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ rất quan trọng, cần sự quan tâm từ gia đình, nhà trường và các ngành liên quan để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Học sinh lơ mơ
Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã khảo sát 840 học sinh THPT trong tỉnh về SKSS vị thành niên, thanh niên vào năm 2018. Kết quả khảo sát làm nhiều người khá bất ngờ. Chỉ có dưới 50% số học sinh thuộc diện khảo sát nghe hoặc biết về các chủ đề dân số-KHHGĐ. 32% các em được hỏi cho biết đã có người yêu, 8% trong số đó cho biết đã quan hệ tình dục, nhưng chỉ có 7% áp dụng các biện pháp tránh thai.
Thực tế, nhiều cặp vợ chồng trước khi kết hôn cũng không trang bị kiến thức về chăm sóc SKSS. Nhiều cặp vợ chồng còn chủ quan, chưa áp dụng các biện pháp tránh thai đúng cách hoặc triệt để dẫn tới mang thai ngoài ý muốn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mỗi năm Hải Dương có từ 4.000-4.600 ca nạo phá thai, từ 1,7-2% trong số đó là vị thành niên. Theo bác sĩ Phạm Thị Tú Anh, Trưởng Khoa Chăm sóc SKSS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì đây chỉ là số liệu thống kê của những cơ sở y tế công lập trong khi nhiều trường hợp khác còn nạo phá thai ở những cơ sở y tế tư nhân. Thậm chí không ít trường hợp mua thuốc tự phá thai tại nhà. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi việc phá thai phải được bác sĩ chỉ định, nếu tự ý thực hiện có thể gây biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng. Việc nạo phá thai, nhất là nạo phá thai ở tuổi vị thành niên rất dễ dẫn đến các tai biến như chảy máu, viêm nhiễm mạn tính ở tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng. Có trường hợp hậu quả còn nghiêm trọng khiến nhiều người mất đi thiên chức làm mẹ. Nạo phá thai tại các cơ sở tư nhân không bảo đảm điều kiện kỹ thuật y tế dễ gặp phải tai biến như băng huyết, thủng tử cung... và có thể tử vong. Sinh con ở độ tuổi vị thành niên có thể gặp tai biến như đẻ non, tử vong mẹ, tử vong con hoặc trẻ chào đời có thể bị dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não.
Tháng 5.2019, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản tỉnh phải mổ cấp cứu cho một sản phụ 34 tuổi ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà). Sản phụ này đã đẻ thường 2 lần và 2 lần nạo hút thai. Chẩn đoán sau mổ, sản phụ bị vỡ đáy tử cung. Trước đó, năm 2018, bệnh viện tiếp nhận 1 sản phụ (37 tuổi) ở huyện Gia Lộc bị vỡ tử cung sau khi tự ý dùng thuốc phá thai nội khoa tại nhà. Sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật khâu bảo tồn ở bệnh viện.
Tuyên truyền còn hạn chế
Nhằm trang bị những kiến thức chăm sóc SKSS, hằng năm Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS. Toàn tỉnh đã có 270 câu lạc bộ tiền hôn nhân tại 8 huyện, thành phố; có mô hình thí điểm "Hỗ trợ trẻ em gái" tại 18 xã, phường, thị trấn. Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên được triển khai tại 128 xã, phường, thị trấn ở 6 huyện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác tuyên truyền còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Tài liệu tuyên truyền chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Các cán bộ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa được đào tạo nhiều, kiến thức và kỹ năng còn hạn chế. Việc tiếp cận truyền thông, tư vấn cho những người làm việc tại các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do họ ít có thời gian rảnh rỗi. Giáo viên, phụ huynh học sinh còn e ngại khi trao đổi thông tin về chăm sóc SKSS, tiền hôn nhân cho học sinh, con em mình. Nhiều trường hợp vẫn giấu những bất ổn về tâm sinh lý, các dấu hiệu bất thường về SKSS. Trang thiết bị khám sức khỏe cho đối tượng theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế chưa đáp ứng đầy đủ.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, để nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng trong chăm sóc SKSS, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thông tin giáo dục, truyền thông, chú ý bổ sung, nhấn mạnh những vấn đề giới tính, tình dục, những thay đổi tâm sinh lý tuổi vị thành niên, các biện pháp tránh thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách phòng tránh... Các ban, ngành, đoàn thể cần tổ chức bồi dưỡng mạng lưới tuyên truyền viên; lồng ghép nội dung SKSS vào các hoạt động của đoàn thể; tổ chức các câu lạc bộ, tư vấn về SKSS; tham gia kiểm tra, giám sát dịch vụ chăm sóc SKSS ở cộng đồng...
HUYỀN TRANG