Khát vọng độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Góc nhìn - Ngày đăng : 03:20, 01/09/2019

Từ buổi ra đi tìm đường cứu nước, trải qua muôn vàn khó khăn, khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc luôn thôi thúc trong tim chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Hải Dương đã có những bước tiến vượt bậc về mọi mặt, đời sống của nhân dân được nâng cao. Ảnh: Thành Chung

Khát vọng ấy soi sáng chặng đường cách mạng đầy cam go nhưng đã đi đến thắng lợi cuối cùng là đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. 

Vào trưa 5.6.1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành với tấm thẻ căn cước mang tên Văn Ba xin xuống làm phụ bếp trên chiếc tàu viễn dương Latouche Detréville để ra đi tìm đường cứu nước trong tâm trạng của người dân mất nước. Nỗi đau ấy thôi thúc ý chí phải làm gì đây để cứu dân khỏi ách nô lệ, lầm than, cứu nước giành lại độc lập, tự do. Đến cảng Versailles (Pháp), Người không dừng lại ở đó mà tiếp tục đi sang châu Mỹ, châu Phi... xem xét họ làm ăn thế nào để về cứu giúp đồng bào. Bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia, cuối cùng Người dừng lại ở Paris (Pháp). Từ những trung tâm văn minh nhất thế giới đến những nơi bần cùng đau khổ của nhân loại, Người nhận thấy ở đâu chủ nghĩa thực dân cũng áp bức, bóc lột, các dân tộc thuộc địa không có độc lập, mất quyền tự do, bị đọa đầy, đói nghèo, đau khổ. Từ đó, khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc luôn thôi thúc Người: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi".

Thương nước, thương dân đã hun đúc thành tư tưởng và lòng ham muốn của Người: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Những năm tháng ở Thủ đô Paris, Hồ Chí Minh tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa và ra báo Le Paria (Người cùng khổ). Người gửi bản yêu sách 8 điểm đòi độc lập, tự do cho dân tộc đến hội nghị Versailles. Tại đây, Người được đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã tìm thấy con đường đi đến độc lập, tự do. Hồ Chí Minh viết: "Luận cương của Lênin làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào đang bị đọa đày đau khổ! Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta...". Đúng như Rômét Chanđra, nguyên Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới đã đánh giá: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chi Minh bay cao...".

Sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng và tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước và trực tiếp cùng các đồng chí trong Trung ương lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người viết thư gửi đồng bào: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Mục tiêu đầu tiên của Việt Minh là: Cờ treo độc lập, xây nền bình quyền". Người còn nói thẳng với Bộ trưởng thuộc địa Pháp Anbe Xarô rằng: "Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập".

Tháng 8.1945, trong lúc ốm nặng, còn đang nằm trên giường bệnh, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện quyết tâm sắt đá, nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh khẳng định trước quốc dân đồng bào và thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập". Người tuyên bố một cách hùng hồn: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Đúng như tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực dân Pháp cấu kết với bọn phản động, tay sai trong và ngoài nước, quay lại cướp nước ta một lần nữa. Hồ Chủ tịch khảng khái và quyết liệt: "Tôi, Hồ Chí Minh suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước". Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi: "Không, chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên!"

Sau 9 năm toàn quốc kháng chiến, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Miền Nam tiếp tục đấu tranh thống nhất đất nước. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh không quân ra miền Bắc, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi, nêu lên chân lý của thời đại: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Trước lúc đi xa, trong thơ chúc Tết Xuân 1969, Hồ Chủ tịch viết: "Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn".

Học tập tư tưởng về khát vọng độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 70 năm qua, nhân dân ta đã chiến thắng hai tên đế quốc sừng sỏ nhất của thời đại, thu giang sơn về một mối, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ một nước nghèo, kém phát triển do chiến tranh tàn phá nặng nề, trở thành một nước có nền kinh tế đang phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. 

Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 năm nay trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tình hình khu vực, thế giới luôn có những biến động khó lường, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế, tình hình xã hội của đất nước vẫn ổn định, phát triển ở mức cao. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng đạt 6,76%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 245,5 tỷ USD, xuất siêu hơn 2 tỷ USD.

Cùng với cả nước, Hải Dương vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 7,2%, thu ngân sách nhà nước 9.941 tỷ đồng, bằng 66,8% dự toán năm. 185 trong tổng số 220 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu cả năm GRDP tăng trưởng từ 8% trở lên. 

VŨ HOÀNG LUYẾN