Cây đa lịch sử

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:17, 01/09/2019

Ông Mạnh là người cảm nhận rõ nhất mùa thu cách mạng đã về rồi! Cây đa lịch sử kia vẫn xanh tươi sừng sững với Hoàng Cương yêu dấu.



Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường “ruột” trong chương trình xây dựng nông thôn mới lan ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Người ta tụ tập với nhau để bàn tán. Người ta rỉ tai nhau về sự kiện này. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Người nào người nấy đều đưa ra những lập luận để bảo vệ chính kiến đó. Đến cả trẻ con chúng cũng xì xào tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.

Chiều muộn, Khả - "B phảy" đang thi công con đường này nói oang oang trong quán bà Huê:

- Ủy ban quyết rồi! Giải phóng cây đa này đi để mở rộng con đường liên thôn cho nó thẳng, cho nó rộng xứng tầm với xã nông thôn mới. Bà Huê liệu thu xếp tháo dỡ quán đi để bọn tôi thi công nhé.

Mấy người ngồi trong quán cùng nhao nhao.

- Không thể thế được. Đường liên thôn vòng một tí có sao.

- Cây đa này có từ đời cụ tổ lập làng rồi, phải giữ nó lại chứ.

- Tiếc thật đấy nhưng cũng đành phải chặt nó đi thôi các ông, các bà ạ. Đường làng xã mai kia như phố, ai còn để cây đa lù lù chắn ngang được?

- Ông nói lạ? Ngoài Hà Nội kia, người ta vẫn giữ cây cổ thụ lại đó thôi?

- Dưng mà ông có biết mấy trận mưa bão vừa rồi, cành nó gãy rơi sập mái ngói nhà mẫu giáo đó không? May mà hôm đó không phải ngày học đấy, nếu không thì chả chết toi mấy mạng người ấy chứ!

- Thế thì chuyển nhà mẫu giáo đi. Nhà mẫu giáo có trước hay cây đa có trước?

Bà Huê vừa chắt nước cho khách vừa thong thả nói:

- Thôi, các ông, các bà ạ, cứ bao giờ có “trát” của ủy ban thì ta mới ý kiến một thể. Giờ mới chỉ là tin của anh Khả thôi mà.

- Tin chính xác đấy - Khả thủng thẳng - Chỉ xong cây đa này là con đường sẽ xong và đẹp ngay. Ủy ban quyết rồi. Bà chuẩn bị tìm chỗ khác dựng quán đi là vừa.

Mấy tháng nay, xã Hoàng Cương như một công trường. Tất cả các đường làng, ngõ xóm đều được tu chỉnh, nắn sửa lại theo quy hoạch chi tiết của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Thôn nào thôn ấy tấp nập khẩn trương. Đêm họp, ngày thi công. Làng này thi đua với làng khác. Nhiều gia đình hiến đất mở đường, trong đó có nhiều hộ thương binh, nhiều gia đình liệt sĩ. Ai cũng thấy cái lợi của việc chỉnh nắn, bê tông hóa đường làng. Đường mở đến đâu cái giàu hiện ra đến đó. Tất cả đều hướng tới hoàn chỉnh mười chín tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm nay. Được cái, đợt này xã quán triệt sâu sắc chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” nên không khí thật sự dân chủ và rất có hiệu quả. Thôn nào cũng có ban xây dựng. Mọi thu chi đóng góp đều công khai hóa nên dân phấn khởi lắm. A cũng là dân mà B cũng là dân. Ta làm cho ta mà.

Riêng con đường “ruột” này phải làm theo thiết kế của Nhà nước, vốn cấp trên hỗ trợ nên xã đã ký với Công ty TNHH Hải Phan thi công. Khả, thợ xây dựng của xã được làm một phần trong công trình này. Người ta gọi Khả là "B phảy" là vì lẽ đó. Tính tay này thế. Hắn cứ bô lô ba la, mồm miệng đỡ chân tay. Từ một anh phụ nề, Khả học mót nghề xây rồi thành thợ cả, tiến tới nhận công trình và trở thành cai lúc nào không hay. Khả có khả năng giao tiếp, quản lý nên anh ta chuyển dần từ làm công trình tư nhân lên nhận các công trình tập thể, từ trong xã dần dần ra ngoài xã. Cứ thế, đội thợ của Khả bao thầu từ đào móng, xây trát đến hoàn thiện công trình, từ đào đắp đất đến mở đường, đào ao… Khả làm tuốt tuồn tuột. Tiền chui vào túi Khả cũng kha khá. Hắn vênh vang dần và ra dáng ông chủ lắm. Hải Phan trúng thầu đã tuyển ngay đội thợ sở tại là đội của Khả làm đoạn đường này.

Theo đồ án thiết kế thì đúng là con đường “ruột” này đi qua cây đa làng thật. Trên cơ sở con đường cũ, nó chạy thẳng một vệt từ đầu xã đến cuối xã, thông ra quốc lộ. Nhiều đoạn cần nắn thì các hộ có đất mà con đường đi qua đều đã được giải quyết xong. Cơ bản người dân ủng hộ. Họ hiến đất và cây cối hoa màu. Trừ một vài hộ tài sản lớn quá xã mới phải bồi thường phần nào. Thế mới biết lòng dân khi đã thông thì không có việc gì khó cả. Ấy vậy mà đụng đến cây đa làng thì lại tắc. Tại mấy bố khảo sát thiết kế vẽ phóng theo bản đồ, không căn cứ thực địa nên mới ra nông nỗi này. Giám đốc Công ty Hải Phan giao cho Khả tung tin tạo dư luận để sớm giải phóng cây đa hoàn thiện con đường, nhanh chóng thu vốn để còn chuyển công trình khác.

Ông Mạnh - Chủ tịch xã khá đau đầu về việc này. Một mặt bên xây dựng đốc giải phóng cây đa. Mặt khác, dư luận dân đa số phản đối. Ông đã cho người làm công văn xin thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự toán thi công rồi nhưng trên vẫn chưa trả lời. Khả thì liên tục đến để đề nghị cho triển khai giải phóng mặt bằng. Khi thì quà cáp theo sự chỉ đạo của công ty. Khi thì gần xa ngọt nhạt rằng Giám đốc doanh nghiệp Hải Phan này là con ông gì chức to lắm ở trên tỉnh, thế lực rất mạnh, không thay đổi gì được đâu.

Ông Mạnh tự trách mình đã không kiểm tra kỹ khi ký duyệt đồ án thiết kế. Mà cũng khó cho ông lắm cơ. Trình độ xây dựng có hạn, nhìn bản vẽ cứ rối mù cả lên, chẳng biết chỗ nào ra chỗ nào. Viễn cảnh con đường thì quá đẹp bảo sao mà không ký? Và điều quan trọng hơn cả, đó là vốn. Tay Khả nó nói đúng. Đó là sức mạnh của Hải Phan. Bên B họ chạy dự án, họ lo vốn. Cơ sở được vốn, được công trình. Còn mong gì hơn nữa? Thôi thì cứ ký để lôi vốn về công trình đã rồi tính sau. Thế nên, giờ động đến cây đa này mới khó. Tuy vậy, ông vẫn nghiêng về quan điểm giữ cây đa lại. Nó là nhân chứng cho bao sự kiện vật đổi sao dời của xã, là cây đa lịch sử của làng.

Khả thuyết phục chủ tịch không xong, Giám đốc doanh nghiệp Hải Phan trực tiếp gặp ông Mạnh. Ông Mạnh cũng chỉ ừ hữ khất lần, tìm kế hoãn binh. Ừ thì mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng xã nông thôn mới trong thời gian sớm nhất cũng cần lắm đấy, nhưng lòng dân về cây đa này chưa thông, chưa yên. Họ đã hăng hái nhường đất, góp công, dồn của xây dựng mở mang, nắn chỉnh đường làng ngõ xóm bao nhiêu thì đến bây giờ họ lại đồng tâm đề nghị xã giữ lại cây đa lịch sử này bấy nhiêu. Các cụ già nhắc đến cái ngày du kích bí mật treo cờ trên ngọn cây đa để cho dân làng vùng lên đồng khởi phá kho thóc của Nhật, cướp chính quyền năm bốn lăm. Đặc biệt, mấy cụ tám chín mươi tuổi móm ma móm mém, chân chậm mắt mờ bỗng tinh tỏ khi nhớ về gốc đa hồi hoạt động bí mật. Đó là nơi cất giấu thư từ, điểm hẹn của cán bộ, nơi nhận chỉ thị của trên cho mỗi đợt đánh Pháp. Rồi các ông bà ít tuổi hơn cũng nhắc tới cây đa. Đó là nơi treo kẻng phòng không báo cho dân làng mỗi khi có máy bay Mỹ đến. Đó là nơi tập trung đưa tiễn thanh niên làng lên đường đánh giặc. Nhiều, nhiều lắm… Với riêng ông Mạnh, cây đa gắn với tuổi học trò chăn trâu cắt cỏ, những đêm trăng sáng nô đùa, những lần hò hẹn người yêu khi đã lớn. Hầu như ai trong cái làng này cũng đều có những kỷ niệm sâu sắc với cây đa. Nó là tài sản tinh thần vô giá của làng, của xã. Chặt làm sao được.

Khả lại đến nhà ông chủ tịch. Hắn lại khua môi múa mép. Rằng cây đa “xuống cấp” lắm rồi nên thanh lý nó đi cho công trình thế kỷ của xã được xứng tầm. Nào là con đường “cao tốc” này sẽ gắn với tên tuổi của Chủ tịch Mạnh. Xã nông thôn mới đẹp, khang trang, văn minh như phố thì tiếc gì cây già cỗi nữa? Ông Mạnh nghe nhức cả đầu. Cuối cùng ông bực mình nói:

- Thế anh có dám chặt hạ cây đa này không?

Khả sững sờ. Không ngờ ông lại có quyết định nhanh đến vậy. Tuy nhiên, hắn cũng đủ tỉnh táo để biết rằng chớ có động vào cây cổ thụ của làng. Ai làm thì làm chứ hắn nhất quyết không. Ma cây vật cho thì chết toi. Khả ấp úng:

- Em thì... thì… không. Nhưng em sẽ cử người đốn hạ.

- Tôi nói rõ luôn nhá. Không bao giờ chặt. Không cho thằng nào động đến cây đa này. Rõ chưa? Anh là người làng, anh nên biết điều đó.

- Dạ. Nhưng… còn con đường?

- Đó là việc của tôi, của lãnh đạo và nhân dân xã này.

Rồi ông Mạnh hạ giọng thủ thỉ nói với Khả về cây đa. Giọng ông khúc triết, không dài dòng nhưng rõ ràng, mạch lạc. Ông nói để Khả biết chính bố Khả là người kiên quyết giữ lại cây đa này nhất. Và chính ông nội của Khả trong một lần treo cờ cách mạng hồi kháng chiến chín năm đã bị quân Pháp trên đồn phát hiện bắn ông hy sinh. Ông trúng đạn rơi từ ngọn cây đa xuống để cho lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong nắng gió năm xưa. Rồi những năm đánh Mỹ. Trên ngọn đa, dân quân lập chòi canh gác máy bay báo cho dân làng. Tiếng kẻng báo động, báo yên cũng từ cây đa đó phát ra. Những chuyện này anh biết không? Biết chứ! Biết sao lại vô tình với cây đa, phủ nhận quá khứ như thế? Biết sao lại cố tình nhắm mắt để bàn nhau chặt hạ cây đa? Nó là nhân chứng sống của làng, của xã qua bao thế hệ đấy, là cụ đa đấy, anh biết chửa? Đừng vì cái lợi trước mắt của cá nhân mà quên đi quá khứ, chà đạp lên quá khứ. Anh hiểu chứ? Đừng đánh mất mình anh Khả ạ. Ta là con dân làng này luôn phải ghi nhớ.

Ông Mạnh nói với Khả như nói với chính mình. Khả ngồi ngây người lắng nghe. Không ngờ Chủ tịch xã cũng nhiều tâm sự và sâu sắc đến thế. Đúng là anh đã nông nổi nghe tay Giám đốc Công ty Hải Phan, bỗng nhiên thành cái gậy, thành tay sai cho nó. Chỉ vì khoản lợi hắn hứa hẹn mà anh đã đi ngược lại dân làng. Tuy nhiên, Khả vẫn băn khoăn:

- Chủ tịch nói em hiểu. Thế nhưng… còn con đường? Ta tính sao giờ?

- Tôi đã đề nghị cấp trên cho điều chỉnh thiết kế, dự toán. Ta sẽ nắn đoạn đường này một vòng bán nguyệt ôm lấy khu đình Trung, theo bờ hồ, vòng qua chùa Hạ, như thế sẽ tạo điểm nhấn cho con đường. Sẽ chuyển nhà mẫu giáo sang khu đất mới, thay vào đó là nhà văn hóa làm nơi lưu giữ hiện vật và chứng tích của xã qua nhiều thế hệ dựng xây, nơi sinh hoạt truyền thống cho cộng đồng dân cư. Từ trên cao nhìn xuống, khu cây đa là tâm điểm của xã, cánh cung ưỡn về phía đông bảo đảm đẹp mọi bề, kể cả phong thủy. Chỉ tiếc là lúc lập đề án xây dựng nông thôn mới, do vội vã chạy lấy chỉ tiêu, lấy vốn nên tôi đã không nghĩ đến chi tiết này. Sai thì sửa anh Khả ạ. Chậm nhưng mà chắc, phải không?

Chủ tịch Mạnh nói hào hứng. Ông đã lấy lại phong độ của một vị tổng chỉ huy. Khả ngạc nhiên về trình độ và tâm huyết của ông Mạnh. Ông Mạnh bảo Khả cầm quà về và đừng nói đến chuyện chặt hạ cây đa nữa. Phải tội với làng đó. Làm được điều này cũng được cho cả doanh nghiệp Hải Phan nữa đấy. Tổng giá trị công trình có khi còn cao hơn cả công trình đang làm. Kinh phí trên cho bao nhiêu, còn đâu thì vận động nhân dân đóng góp. Chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ.

Vừa lúc đó, cô cán bộ văn phòng ủy ban chuyển công văn đến cho ông Mạnh. Khả tế nhị xin phép ra về. Vừa ra đến cổng, Khả bị ông Mạnh gọi giật lại:

- Anh Khả này! Yên tâm rồi nhé. Cấp trên đồng ý rồi.

Khả ngơ ngác. Ông Mạnh cười to:

- Điều chỉnh thiết kế. Giữ cây đa lại. Được chưa?

Khả gật gật đầu cũng cười theo ông Mạnh và rảo bước ra cổng. Chợt anh nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng trên ngọn đa đang tung bay phấp phới. Khả cảm thấy một niềm vui khó tả rộn lên trong lòng... Ông Mạnh là người cảm nhận rõ nhất mùa thu cách mạng đã về rồi! Cây đa lịch sử kia vẫn xanh tươi sừng sững với Hoàng Cương yêu dấu. Và con đường nông thôn mới đang rộng mở thênh thang trước mặt.

Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU