Chỉnh đốn Đảng theo Di chúc Bác Hồ: Bắt đầu từ công tác cán bộ
Tin tức - Ngày đăng : 16:42, 01/09/2019
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2.1951)
Thời gian vừa qua, nhiều cán bộ, đảng viên (đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược) thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (tháng 1.2016) đến nay, có hơn 70 đảng viên cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật. Trong khi đó, cán bộ và công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng.
“Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là huấn luyện, đào tạo cán bộ, đồng thời siết chặt quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ. Đây cũng là một trong những khâu trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói khác di, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần bắt đầu từ chính công tác cán bộ,” ông Nguyễn Đức Hà (Ban Tổ chức Trung ương Đảng) nhìn nhận.
Lời Bác dặn trước lúc đi xa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.” Bác chỉ rõ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.”
Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu với người cán bộ là vừa phải có đức vừa phải có tài, trong đó, đức là gốc. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.”
Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, trong 50 năm qua, thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Đảng luôn coi trọng bồi dưỡng lý luận chính trị, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”
Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng cũng đã xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.” Hơn nữa, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng (năm 2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Công tác cán bộ qua thực tiễn ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt.”
Nhìn lại quá trình hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (số 03-NQ/HNTW, ngày 18.6.1997), đồng chí Mai Văn Chính cho rằng, đội ngũ cán bộ đã có sự trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được coi trọng và thực hiện hiệu quả, gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ, cơ bản khắc phục được việc ‘bổ nhiệm trước, đào tạo sau. Cán bộ chủ chốt dưới 45 tuổi từ cấp huyện trở lên có trình độ đại học về chuyên môn, nghiệp vụ và có trình độ cao cấp về lý luận,” Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến nay, một số nội dung trong Chiến lược cán bộ không còn phù hợp, cần được điều chỉnh, bổ sung và phát triển để đáp ứng tình hình mới. Ví dụ, trình độ đại học của đội ngũ cán bộ đã vượt xa chỉ tiêu 4% so với dân số mà Chiến lược đã đặt ra; Chiến lược cán bộ mới chỉ tập trung đến nâng cao trình độ, chưa quan tâm đến giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; vấn đề kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền chưa được đặt ra…
Mặt khác, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ rõ, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập: công tác cán bộ chậm đổi mới, dẫn đến tình trạng tư duy nhiệm kỳ, bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng không đúng người, đúng việc, thiếu liên thông giữa các cấp, các ngành… vẫn xảy ra; số lượng cán bộ đông nhưng cơ cấu không hợp lý, chất lượng không đồng đều. Điển hình như, với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, chuyên ngành kinh tế, luật chiếm 60,49%, trong khi đó, chuyên ngành khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế chỉ có 16,56%, chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước chỉ chiếm 8,36%...
“Đặc biệt đáng lưu ý, một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa.’ Tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm ‘thần tốc’ diễn ra ở nhiều nơi,” đồng chí Mai Văn Chính chỉ rõ.
Đồng chí Mai Văn Chính khẳng định, Đảng luôn coi trọng bồi dưỡng lý luận chính trị, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ
Theo báo cáo tổng hợp điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) về những vấn đề bức xúc nhất trong năm 2017, có 37% tổng số ý kiến được hỏi cho rằng, một trong những vấn đề bức xúc nhất là sự cửa quyền, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan công quyền (tang 3% so với năm 2016). Ngoài ra, có 63% số ý kiến cho rằng nạn tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm vẫn diễn ra nặng nề (tăng 15% so với năm 2016)…
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, những khuyết điểm, yếu kém nêu trên nếu không được ngăn chặn, khắc phục kịp thời sẽ làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Trong những năm gần đây, Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí; tập trung theo dõi, chỉ đạo xử lý nghiêm minh với nguyên tắc: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.”
“Điều đó để thấy quyết tâm chính trị to lớn của toàn Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự vững mạnh, uy tín của Đảng và nguyện vọng của nhân dân. Dù mất mát nhiều cán bộ nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực là việc bắt buộc phải thực hiện để làm trong sạch Đảng,” ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Từ đầu năm 2019 tới nay, nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng; khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc, mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can; kết thúc điều tra 3 vụ/19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ/27 bị can, xét xử sơ thẩm 9 vụ/21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ/149 bị cáo.
Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2019, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm, trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018).
Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều bộ, ngành và địa phương, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với một tổ chức đảng (ngày 16.7.2019, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2011-2016 bằng hình thức cảnh cáo) và 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (cả đương chức và đã nghỉ hưu).
Trong số 13 đảng viên nói trên, có một đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ (ông Vũ Văn Ninh); hai đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương (Thượng tướng Nguyễn Văn Hiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình - nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân).
“Có thể nói, chưa có thời gian nào, nhiều cán bộ (cả đương chức và nguyên chức) bị xử lý kỷ luật như thời gian vừa qua. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng,” ông Nguyễn Đức Hà khẳng định.
Nhân sự cấp chiến lược: Kiên quyết không để lọt người không xứng đáng
Xuất phát từ thực tế trên, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, một trong những vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay là đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa về đạo đức lối sống là điều kiện cho quá trình “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự tha hóa về đạo đức của cán bộ được coi là một trong những “nguồn cơn” của tệ tham nhũng, tiêu cực. Bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là huấn luyện, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Năm 2019 là năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược tiếp tục được coi là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thận trọng, thường xuyên, có hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ chín, khóa XII
Theo ông Nguyễn Đức Hà, từ thực tế (thời gian qua có nhiều cán bộ cấp chiến lược đã thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước), Trung ương sẽ đặc biệt chú trọng tới công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Cụ thể, tinh thần chỉ đạo của Trung ương lần này là: “Tiến hành công tác nhân sự từng bước, từng việc một cách thận trọng với quy trình chặt chẽ, chắc chắn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào Ban chấp hành Trung ương.”
Trên phạm vi cả nước hiện nay, có khoảng 600 cán bộ cấp chiến lược (các chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). “Số lượng này chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số hơn 5 triệu đảng viên hay 100 triệu dân của cả nước. Tuy nhiên, đây lại là đội ngũ cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là linh hồn và hạt nhân của Đảng, có ý nghĩa quyết định chiều hướng phát triển của Đảng, đất nước, dân tộc,” ông Hà nói.
Bên cạnh đó, nhằm đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ, Đảng đã đưa ra những yêu cầu đối với cán bộ trong thời kỳ mới; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên (đặc biệt là người đứng đầu); những tiêu chí mới trong việc đánh giá cán bộ, hoàn thiện quy trình bổ nhiệm…
Đồng chí Mai Văn Chính khẳng định các quy trình trong công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và dân chủ hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Trong đó, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bầu cử, bổ nhiệm, luân chuyển có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chính xác, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Điều này thể hiện rõ qua việc sửa đổi, bổ sung quy trình bổ nhiệm cán bộ theo 5 bước nhằm khắc phục những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ (theo quy trình 3 bước) trước đây; nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, Ban Thường vụ trong việc bổ nhiệm cán bộ, giúp ban chấp hành, ban thường vụ xem xét nguyện vọng, tín nhiệm một cách kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ, công tác đánh giá cán bộ đã, đang và sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, đánh giá bằng sản phẩm cụ thể thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương.
Ngoài ra, vấn đề nêu gương hiện nay không chỉ là trách nhiệm, nhiệm vụ của đảng viên mà giờ còn là phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua việc gương mẫu của đảng viên trong các cơ quan, trong các tổ chức xã hội.
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao việc ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” tại Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XII).
“Quy định mới do Ban chấp hành Trung ương ban hành có tính pháp lý cao hơn, hiệu lực mạnh hơn, tập trung trước hết vào các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Theo tôi, đây là biện pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ. Bởi lẽ, quy định này thực chất là là một cam kết chính trị của Ban chấp hành Trung ương trước toàn Đảng, toàn dân. Đó cũng là sự cam kết của Ban chấp hành Trung ương đối với chính mình bởi Ban chấp hành Trung ương vừa là người ban hành và vừa là người thực hiện. Cam kết của Ban chấp hành Trung ương được công bố công khai trên các phương tiện đại chúng để toàn Đảng, toàn dân theo dõi giám sát,” ông Nguyễn Đức Hà nhận định.
Theo TTXVN