Đề nghị tiến hành tẩy độc sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông
Môi trường - Ngày đăng : 20:15, 04/09/2019
Lãnh đạo Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết vụ cháy không gây thiệt hại về người, diện tích bị cháy là 6.000 m2. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vào chiều tối 4.9, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã thông tin chi tiết sự cố gây cháy tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) vừa qua.
Ông Nhân cho biết theo báo cáo của công ty và tính toán số lượng đèn compact và huỳnh quanh của công ty có thể phát tán với số lượng là 15,1 kg.
Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30 mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho một bóng đèn compact, khối lượng thủy ngân phát tán là 23,2 kg.
“Dù vậy có 3 kho tủ chứa sản xuất đèn chưa bị cháy và giữ nguyên, hiện đã được niêm phong”, ông Nhân nói.
Thông tin thêm, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay cơ quan này đã lấy mẫu nước, trầm tích xung quanh nhà máy và cho nhiều kết quả khác nhau.
Đơn cử, giá trị nồng độ thủy ngân so với tiêu chuẩn của 1 trên 12 mẫu đã vượt tiêu chuẩn Việt Nam. Mẫu duy nhất vượt 1,3 lần nằm trên sông Tô Lịch, chỗ xả nước thải của công ty, cách nhà máy 1,5 km.
Ngoài ra, 1/8 mẫu có giá trị vượt quy chuẩn 2,76 lần. Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy, vượt quy chuẩn tại điểm sông Tô Lịch.
Theo ông Nhân, các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân, một số kim loại nặng. Các chất này phát tán vào không khí và môi trường xung quanh. Một phần vào nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy.
“Phạm vi vùng có nguy cơ trong khoảng cách 500m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy”, ông Nhân nói.
Về giải pháp, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay cơ quan này đã đề nghị Công ty Rạng Đông cô lập, phủ bạt khu vực bị cháy, không để hơi thủy ngân phát tán ra môi trường, đồng thời lưu giữ các chất tàn dư trong container để xử lý.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng làm việc với Bộ Tư lệnh Hóa học để tiến hành tẩy độc và thống kê lượng hàng và nguyên vật liệu.
“Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải có kế hoạch di dời và lộ trình thích hợp để di dời các nhà máy có sử dụng hóa chất như Rạng Đông khỏi khu dân cư”, ông Nhân cho hay./.
Theo Vietnam+