Gia Lộc quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao
Kinh tế - Ngày đăng : 16:08, 05/09/2019
Xã Hoàng Diệu khuyến khích người dân mở rộng quy mô sản xuất giầy để nâng cao thu nhập
Huyện Gia Lộc phấn đấu đến năm 2020 có 6 xã về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao gồm Quang Minh, Hoàng Diệu, Đoàn Thượng, Phạm Trấn, Gia Tân và Gia Lương.
Xã Đoàn Thượng đi đầu
Tất cả 22 xã của huyện Gia Lộc đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM và huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm nay.
Sau khi 6 xã trên được công nhận đạt chuẩn NTM, các địa phương này đã bắt tay duy trì và nâng cao các tiêu chí. Qua rà soát, 6 xã đạt bình quân 15/18 tiêu chí NTM nâng cao, trong đó chuyển biến rõ nét nhất là xã Đoàn Thượng.
Đầu năm 2018, Đoàn Thượng mới đạt 12 tiêu chí NTM nâng cao. 6 tiêu chí còn thiếu là giao thông, trường học, thông tin truyền thông, hộ nghèo, y tế, môi trường. Với tiêu chí trường học, riêng Trường Tiểu học Đoàn Thượng phải bổ sung 3 công trình gồm tòa nhà 4 phòng học âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học, bếp ăn bán trú và nhà tập đa năng mới đủ điều kiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Khi cân đối nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất, xã đã phân bổ 6,3 tỷ đồng để làm 3 công trình còn thiếu từ tháng 4.2019. Đến nay, 3 công trình đã xong phần móng, dự kiến đến tháng 11 sẽ đưa vào sử dụng. Về tiêu chí giao thông, xã đã huy động, vận động người dân hiến đất, hiến công và đóng góp kinh phí làm 1 tuyến đường xã, 59 tuyến đường ở các thôn. Đến nay, toàn bộ 11,2 km đường ở các thôn đã được người dân góp tiền, hiến đất, làm xong mặt bằng, chỉ mong cấp trên hỗ trợ xi măng sẽ tập trung đổ bê tông. Nhiều tiêu chí khác cũng được địa phương này tích cực thực hiện. Ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Đoàn Thượng cho biết địa phương cơ bản đạt 18 tiêu chí NTM nâng cao, phấn đấu trong năm nay đạt chuẩn.
Tương tự, xã Gia Lương cũng đang tập trung thực hiện các hạng mục cần nguồn kinh phí lớn như trường học, đường giao thông, môi trường. Ông Nguyễn Văn Dạo, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Khi có nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, địa phương đã trích 7 tỷ đồng để xây dựng nhà tập đa năng và bếp ăn bán trú cho Trường Tiểu học, đến tháng 6.2020 sẽ hoàn thành. Riêng tiêu chí giao thông, Gia Lương còn 2,8 km đường trục xã phải mở rộng từ 3,5 lên 5,5 m và cần nguồn kinh phí khoảng 7 tỷ đồng để hoàn thành. Địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân đóng góp và tạo nguồn từ đấu giá quyền sử dụng đất. Được nhân dân ủng hộ, xã đang triển khai quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ở vùng chuyển đổi ngoài đồng thôn Lũy Dương để thực hiện tiêu chí môi trường. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 56 triệu đồng. Gia Lương phấn đấu cuối năm 2020 sẽ về đích NTM nâng cao.
Thiếu kinh phí, xi măng
Cùng với Gia Lương và Đoàn Thượng, 4 xã còn lại của huyện Gia Lộc cũng đang tích cực thực hiện các tiêu chí còn thiếu. Nỗ lực như vậy nhưng một số địa phương đang gặp khó khăn về vốn đầu tư và thiếu xi măng để làm đường giao thông.
Ông Đào Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn cho biết Trường Tiểu học chưa có bể bơi nên chưa đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Địa phương đang cần trên 3 tỷ đồng để thu hồi đất mở rộng trường và có diện tích xây bể bơi. Xã cũng đang cần làm 12 km đường trục chính ra nội đồng theo tiêu chí NTM nâng cao. Việc huy động vốn trong dân hiện nay không dễ do người dân đã đóng góp 2 triệu đồng/khẩu để làm đường giao thông trước đây. Riêng đường nội đồng, nếu được hỗ trợ xi măng có thể hoàn thành được tiêu chí giao thông trong năm nay. Từ khi về đích NTM đến nay, xã Phạm Trấn vẫn phải lo trả nợ xây dựng cơ bản nên chưa thể bố trí được nguồn kinh phí thực hiện tiếp. Lộ trình về đích của xã vào năm 2020 còn rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.
Theo ông Nguyễn Đức Chải, Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu, việc tiếp tục vận động nhân dân đóng góp kinh phí để về đích NTM nâng cao hiện rất khó khăn. Đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ những xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao để địa phương có thêm động lực thực hiện, nhất là hỗ trợ về xi măng.
Ông Nguyễn Văn Chuyển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM huyện Gia Lộc cho biết huyện đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng huyện NTM nên kinh phí rất hạn hẹp và khó phân bổ cho các xã xây dựng NTM nâng cao. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề xuất với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tạo điều kiện để các xã có kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời tiếp tục đề nghị tỉnh có các cơ chế hỗ trợ cho các địa phương", ông Chuyển nói.
THẾ ANH