Chú trọng "dạy làm người". Bài 1: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:21, 07/09/2019

Trong thời đại hiện nay, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh vẫn chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến một bộ phận học sinh vi phạm các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, gây băn khoăn, lo lắng cho xã hội.


Song song với dạy văn hóa, các thầy giáo, cô giáo chú ý đến giáo dục đạo đức, lối sống cho các em

Từ những vụ việc gây bức xúc ...

Trong năm học vừa qua, liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã gây bức xúc trong xã hội như vụ việc nhóm học sinh nữ lớp 9, Trường Trung học cơ sở Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) tham gia đánh bạn, lột quần áo ngay tại lớp học, làm học sinh này phải nhập viện điều trị; một nữ sinh bị hành hung và phải quỳ gối ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Bên cạnh đó là hành vi thiếu chuẩn mực, sử dụng hình phạt bạo lực của giáo viên dành cho học sinh như một cô giáo dùng thước đánh 22 học sinh Trường Trung học cơ sở Long Toàn (Bà Rịa – Vũng Tàu) khiến nhiều em bị bầm tím cơ thể hay việc giáo viên mầm non lôi kéo, quát mắng, nhốt trẻ vào tủ đồ…

Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Những nguyên nhân khách quan có thể kể đến như tác động của internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc… Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản vẫn từ phía gia đình và nhà trường. 

Ở góc độ gia đình, phẩm chất, lối sống của phụ huynh tác động rất lớn đến con cái. Mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Bên cạnh đó, còn tình trạng gia đình “khoán trắng” việc giáo dục con cái cho nhà trường. Nhiều phụ huynh vì quá mải mê với công việc nên ít khi, thậm chí không dành thời gian trò chuyện với con, quan tâm, nắm bắt tâm lý, tình cảm, cuộc sống của con. Chính sự thiếu quan tâm về tinh thần, chia sẻ, lắng nghe, gần gũi con là nguyên nhân khiến cho quan hệ gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo và thiếu bền vững. Vì vậy, con trẻ dễ rơi vào tình trạng hẫng hụt, nhiều em đã tìm đến bạn bè tụ tập, ăn chơi, hành xử theo bản năng… 

Về phía nhà trường, giáo dục nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy làm người. Chương trình, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống còn nhiều bất cập, chưa phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và nhận thức của học sinh, chậm đổi mới về nội dung và phương pháp giáo dục, nhất là chưa quan tâm đúng mức giáo dục kỹ năng sống. Một bộ phận thầy cô giáo, lẽ ra phải là tấm gương cho học sinh về đạo đức, lối sống thì lại vi phạm chuẩn mực đạo đức. Công tác giáo dục học sinh cá biệt bị lãng quên hoặc thực hiện không quyết liệt, việc xử lý kỷ luật trở thành phổ biến, không ít trường hợp, thay vì đối thoại với học sinh lại thành "đối đầu".

Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh dù được quan tâm thực hiện, nhưng chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt, chưa phát huy được vai trò của cha mẹ học sinh trong việc phát hiện, phối hợp với nhà trường để giáo dục các học sinh cá biệt, có biểu hiện khác thường, cần được hỗ trợ và can thiệp sớm.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và  Đào tạo) chia sẻ: Việc giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường thời gian qua còn một số hạn chế như: đa phần là lồng ghép, tích hợp các môn học, chưa xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông nên việc thực hiện chưa đem lại hiệu quả đồng đều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy kỹ năng sống gặp khó khăn.

Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội), đa số các thầy cô giáo vẫn đang nỗ lực để làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhưng thường là tự phát, tùy hoàn cảnh. Vì thiếu tính cụ thể, bài bản nên giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thường “mạnh ai nấy làm”, “không làm không sao”,... Vậy nên, đầu tiên là cần “thông suốt” nhận thức trong giáo viên về chú trọng, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

 ... đến quyết tâm đẩy mạnh Giáo dục đạo đức - lối sống

Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2019-2020 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Bộ đã đề ra nhiệm vụ chung cho toàn ngành là: Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; chú trọng xây dựng văn hóa trường học, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Đồng thời, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Ngành giáo dục sẽ tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác này như nhân lực, cơ sở vật chất, tài liệu thực hành...; hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia chuyên mục “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa” trên Hệ Tri thức Việt số hóa; khuyến khích cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học, trình độ. Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng công tác xây dựng kỷ cương, nề nếp, dân chủ trong trường học và tạo môi trường để học sinh, sinh viên rèn luyện, phấn đấu; duy trì việc hát Quốc ca trong lễ chào cờ, phân công học sinh, sinh viên trực tiếp, thường xuyên tham gia trực nhật lớp, lao động, làm đẹp cảnh quan khuôn viên nhà trường…

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã thống nhất chủ đề năm học mới là “Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh”. Để thực hiện tốt chủ đề này, Sở đã quán triệt đến các đơn vị, trường học, toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu, yêu thương quan tâm tới từng học sinh; thực sự công bằng trong giảng dạy và giáo dục. Đồng thời, các trường phải thực hiện nghiêm túc phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất”, xây dựng “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”; ngăn chặn “bệnh thành tích” trong giáo dục.

Đánh giá về những tồn tại của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học vừa qua, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho rằng: Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, còn một bộ phận học sinh vi phạm đạo đức. Ở một số nơi, công tác quản lý điều hành, chỉ đạo dạy học chưa thực hiện nghiêm, còn để xảy ra hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, thiếu trách nhiệm trong chăm sóc, giáo dục học sinh, khiến phụ huynh chưa yên tâm. Vì vậy, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo ngành đã trực tiếp nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường có giải pháp cụ thể, quyết tâm khắc phục căn bản những vấn đề còn tồn tại để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, tạo niềm tin cho nhân dân.

Trong thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới, một trong những nội dung được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Giáo dục tổ chức thực hiện hiệu quả đó là “tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện”.

Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề ra một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục năm học mới là tạo ra sự đổi mới căn bản trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Theo TTXVN

Bài 2: Thầy cô làm gương – nhà trường đổi mới