Cán bộ, doanh nhân giữ ''hàng nóng'' để làm gì?

Pháp luật - Ngày đăng : 13:17, 08/09/2019

Từ phát hiện một số cán bộ, doanh nhân, mà mới nhất là ông cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh tàng trữ vũ khí, ''hàng nóng'', câu hỏi đặt ra là: Mục đích để làm gì?


Tang vật thu được trong vụ tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng ở Cần Thơ. Ảnh: Công an cung cấp

Xã hội đã thực sự bất an đến nỗi người dân phải tự bảo vệ mình bằng cách đó? Hay điều đó lại chỉ gây bất an thêm cho xã hội?

Phải chăng tâm lý tự tin, thích thể hiện khi có "hàng nóng" trong tay khiến con người ta hung hăng hơn? 

Có một điều cần nhớ là giữ "hàng nóng", dưới góc độ pháp luật, đã là một hành động sai trái, có thể bị cơ quan chức năng "sờ gáy" bất cứ lúc nào. Xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

* TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh):

Tâm lý ta đây

Để phân tích việc cá nhân trữ hoặc giữ "hàng nóng" thì phải xem xét trong trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, ở góc độ diễn biến tâm lý chung, bao quát thì có một số lý do dẫn đến một số cá nhân trữ hoặc giữ "hàng nóng" bên mình.

Thứ nhất, ban đầu có thể xuất phát từ việc nhà giàu, muốn trữ "hàng nóng" để bảo vệ tài sản hay đơn giản hơn là sở thích sưu tầm. Nhưng lưu ý là từ khi lưu giữ vũ khí, hung khí trong nhà hay bên mình thì tâm lý đã có xuất hiện ý định sẽ sử dụng. 

Khi mình có công cụ trong tay thì gặp tình huống bức xúc, công cụ sẽ khiến người sử dụng thiếu kiềm chế, dễ bộc lộ và sử dụng đến công cụ hơn.

Thứ hai, khi người ta cần đến "hàng nóng" là bản thân người ta đã mất tự tin đối mặt với người khác, mất tự tin trong hành xử. Vì vậy họ thấy cần đến "hàng nóng" mới tự tin rằng họ thắng thế vì trong tay người kia không có. Đó là một dạng tâm lý.

Thứ ba là người sử dụng muốn thể hiện quyền lực để lấn lướt ngay lập tức so với đối phương.

Đây là dạng tâm lý thể hiện ta đây hơn những người khác vì trong bối cảnh ở Việt Nam số người được phép sử dụng công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí rất ít.

Khi có trong tay "hàng nóng", họ cảm thấy hơn thiên hạ, một quyền lực được củng cố bằng sức mạnh. Thay vì hành xử theo lý lẽ, thuyết phục, họ dùng công cụ để giải quyết nhanh gọn, thể hiện uy quyền...

Các dạng tâm lý hành xử đó là kết quả của chuỗi tâm lý phức tạp gắn với từng đặc điểm tâm lý. Nguyên nhân là do thiếu nền tảng đạo đức, thiếu bồi dưỡng từ những bậc học từ nhỏ, cũng như kiểu hành xử bạo lực ảnh hưởng từ phim ảnh.

* Một lãnh đạo Phòng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hồ Chí Minh:

Nhiều "đường" vi phạm

Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành đều có chủ trương vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vì vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đều có tính sát thương, mức độ nguy hiểm cao, hậu quả nặng nề khi được sử dụng không đúng quy định.

Chỉ có những đối tượng (cơ quan, tổ chức, cá nhân) đủ điều kiện luật định thì mới được cấp phép sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Mọi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, chiếm đoạt "hàng nóng" là vũ khí quân dụng thì đều bị xử lý hình sự theo điều 304 Bộ luật hình sự.

Riêng đối với công cụ hỗ trợ, nếu người được cấp phép sử dụng trái quy định (ví dụ bắn người do mâu thuẫn), tùy vào tỉ lệ thương tích hoặc gây chết người cho nạn nhân mà người sử dụng có thể bị xử lý hình sự, hoặc nếu chưa gây hậu quả cũng có thể bị xử phạt hành chính, ngoài ra còn phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại cho nạn nhân.

* Thiếu tướng Hoàng Kiền:

Biểu hiện suy thoái về nhiều mặt

Một số quan chức, doanh nhân gần đây bị phát hiện tàng trữ súng đạn - đây rõ ràng là hành vi phạm pháp, gây nguy hiểm và bất ổn cho xã hội. 

Những người này chắc chắn biết việc mình làm là phạm pháp nhưng vì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của chính mình mà họ thiếu niềm tin vào trật tự an toàn xã hội, dẫn đến lo sợ cho an ninh, an toàn của bản thân và gia đình nên mới tàng trữ vũ khí để phòng thân. 

Điều này thể hiện một sự suy thoái về nhiều mặt của những người này và hành động đó gây nguy hiểm cho xã hội.

Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, kiểm tra, ngăn chặn, thu hồi kịp thời, xét xử đúng pháp luật để răn đe những người khác.

* Nhà báo, nhà văn Hồ Bất Khuất:

Người ngay không cần "hàng nóng"

Trước đây chỉ mới nghe dân "xã hội đen", dân buôn bán ma túy, một số doanh nhân tàng trữ vũ khí, súng đạn, nay lại thấy có thêm cả quan chức bị phát hiện giữ súng đạn trong nhà. Đây là hành vi vi phạm luật. 

Vậy tại sao những người có hiểu biết pháp luật tốt giống như quan chức hay doanh nhân lại vẫn vi phạm? Tôi nghĩ những người đàng hoàng chẳng ai cần phải tàng trữ vũ khí trái phép trong nhà. 

Cho nên, dù họ tàng trữ vũ khí trái phép với bất cứ lý do gì, để phòng thân, để đe nẹt cấp dưới và đối thủ... đều là hành vi phạm luật gây hoang mang cho xã hội và khiến họ phải bị trả giá đắt.

* Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng):

Gây bất an cho xã hội

Trong thực tế, hiện nay có thể thấy dường như đang có những việc mang tính chất cá nhân hóa việc sử dụng các loại súng là công cụ hỗ trợ các mục đích không đúng theo luật định. 

Có nhiều trường hợp phát hiện có sử dụng các loại công cụ hỗ trợ như một nhu cầu có tính cá nhân là hiện tượng rất đáng lo ngại.

Ở xã hội ta hiện nay, việc sử dụng các loại súng là công cụ hỗ trợ dễ dẫn đến sự lạm dụng, là tác nhân có thể gây bất an cho an ninh trật tự xã hội. 

Hơn nữa, với những công cụ hỗ trợ có tính năng nguy hiểm, người sử dụng nếu chưa được đào tạo, huấn luyện sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực nếu không biết sử dụng đúng cách khi cần thiết. 

Vì thế, các quy định của luật hiện hành liên quan đến quản lý công cụ hỗ trợ cần được áp dụng quyết liệt và triệt để vào thực tiễn, việc quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng công cụ hỗ trợ cần được sát sao và có đủ lực lượng, đủ điều kiện để ngăn chặn các hệ lụy không đáng có từ hậu quả của hiện tượng cá nhân hóa một cách trái phép việc sử dụng các loại súng là công cụ hỗ trợ.

Theo Tuổi trẻ