Bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ Nga-Ukraine

Bình luận - Ngày đăng : 18:38, 09/09/2019

Vụ trao đổi tù nhân mới nhất giữa Ukraine và Nga chứng tỏ rằng cả hai nước đã sẵn sàng nối lại đối thoại.

Sau những tín hiệu lạc quan từ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin của tân Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky cùng chuyến thăm Nga của các lãnh đạo cấp cao đảng  “Nền tảng đối lập - Vì cuộc sống” Ukraine nhằm cải thiện quan hệ song phương, hai nước đã thực hiện việc trao đổi tù nhân được chờ đợi từ rất lâu. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ Nga-Ukraine.


Cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga - Ukraine được xem là bước đi đầu tiên trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước

Quan hệ nhiều “nốt trầm”

Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên xấu đi nhanh chóng sau khi cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát năm 2014 và Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Năm 2018 căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan tới biển Azov bùng phát sau một loạt vụ hai bên bắt giữ các tàu của nhau, đỉnh điểm là vụ Hải quân Ukraine bắt giữ tàu đánh cá Nord của Nga cuối tháng 3 cùng 10 công dân Nga, hay tàu chở dầu Mechanic Pogodin hồi tháng 8. Đáp lại, Nga siết chặt việc kiểm tra các tàu nước ngoài qua eo biển Kerch, trong đó nhiều tàu thương mại của Ukraine cũng bị giữ.

Quan hệ Nga-Ukraine tiếp tục xấu đi sau vụ lực lượng biên phòng trực thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại khu vực Biển Đen gần Eo biển Kerch với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga một cách trái phép hồi tháng 11-2018.

Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đây là một "sự cố biên giới" và việc Tổng thống Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới với Nga là "một phản ứng thái quá". Hai bên cũng đã có những biện pháp trừng phạt lẫn nhau sau vụ việc này.

Những diễn biến căng thẳng liên quan tới biển Azov và khu vực Biển Đen gần Eo biển Kerch được xem là bước gia tăng đối đầu trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine, có nguy cơ đẩy hai nước tới nguy cơ của cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.

Trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine đang leo thang, ngày 3.12.2018, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã trình Quốc hội một dự luật khẩn về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine.

Sau đó, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ký ban hành sắc lệnh về việc ngừng hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine, chiểu theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (SNBO) về việc chấm dứt hiệp ước trên.

Như vậy, Ukraine không còn nghĩa vụ thực hiện Hiệp ước và được toàn quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo Thỏa thuận ngừng hiệu lực chiểu theo điều 70 Công ước Vienna về các thỏa thuận quốc tế.

Đáp lại, Moskva gọi hành động của Kiev là “tự bắn vào chân mình”. Ngoài ra, Ukraina còn thông báo 49 thỏa thuận giữa nước này với Liên bang Nga đã bị hủy bỏ, đồng thời lưu ý khoảng 50 thỏa thuận nữa giữa hai bên sẽ có thể chung số phận và xem xét toàn bộ cơ sở thỏa thuận pháp lý với Nga.

Kể từ ngày 1.4, Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine đã chấm dứt hiệu lực do phía Ukraine không muốn gia hạn. Với việc Hiệp ước này chính thức chấm dứt hiệu lực, mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới.

Theo thống kê, kể từ khi quan hệ Nga-Ukraine trở nên xấu đi năm 2014, trong 5 năm qua giao tranh đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng.

Không chỉ căng thẳng về chính trị, quân sự, quan hệ kinh tế thương mại giữa Nga và Ukraine cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Theo đánh giá của chính trị gia Ukraine Viktor Medvedchuk, do khủng hoảng với Nga mà mỗi năm Ukraine mất đi gần một nửa doanh thu xuất khẩu, khoảng 20 tỷ USD trong 5 năm, trong khi tổng doanh số xuất khẩu của cả nước năm 2018 là 47 tỷ USD. Riêng thiệt hại từ việc dừng trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu (khi Nga hoàn tất xây dựng các tuyến đường ống vòng tránh lãnh thổ Ukraine dự kiến vào năm 2020) đã là 3-5 tỷ USD.

Những nỗ lực hàn gắn

Hy vọng làm sống lại tiến trình hòa bình bị bế tắc bấy lâu nay giữa Nga và Ukraine đã được mở ra khi ông Zelensky, người có xu thế ôn hòa hơn trong quan hệ với Nga so với người tiền nhiệm, đắc cử tổng thống Ukraine hồi tháng 4 vừa qua.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine đã có dấu hiệu cải thiện khi ngày 11.7, trong cuộc trao đổi đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky qua điện thoại kể từ sau khi ông Zelensky tuyên thệ nhậm chức ngày 20.5, hai bên đã thảo luận về cách thức giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine và hợp tác song phương trong vấn đề trao trả tù binh. 

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về khả năng tiếp tục các cuộc tiếp xúc về vấn đề này trong khuôn khổ đối thoại Normandy, bao gồm sự tham gia của cả Pháp và Đức. Với bối cảnh chính trị đang thay đổi ở Ukraine, giới quan sát tin rằng sẽ có chuyển biến mới trong quan hệ giữa hai nước.

Trong tháng 7, những nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã được thúc đẩy từ chuyến thăm Nga của các lãnh đạo cấp cao đảng “Nền tảng đối lập - Vì cuộc sống” Ukraine. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nga kiêm Chủ tịch đảng “Nước Nga thống nhất” cầm quyền Dmitry Medvedev và lãnh đạo đảng chính trị “Nền tảng đối lập - Vì cuộc sống” của Ukraine Vadim Rabinovich đã bàn về các biện pháp cải thiện quan hệ song phương, hai bên đã nhất trí xây dựng nhóm làm việc chung giải quyết các vấn đề hợp tác nhân văn, đây là kênh hợp tác hết sức quan trọng.

Cũng kể từ sau cuộc trao đổi đầu tiên giữa Tổng thống hai nước, công tác chuẩn bị cho hoạt động trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine đã được đẩy nhanh. Vài tuần trước, hai bên đã tiến hành đàm phán để thỏa thuận danh sách trao đổi. Ngày 5.9, Tổng thống Nga Putin cho biết cuộc đàm phán đã sắp kết thúc và đây có thể là bước tiến trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.

Vào ngày 6.9, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký các lệnh ân xá cho 12 công dân Nga bị kết án và đang thụ án ở Ukraine đồng thời thông báo cuộc trao đổi tù nhân giữa Kiev và Moskva bắt đầu từ đêm 7.9. Và thông báo này đã được hiện thực hóa khi đêm 7.9, Nga và Ukraine tiến hành việc trao đổi tổng cộng 70 tù nhân (theo công thức 35-35) vốn được chờ đợi từ rất lâu. Đây được coi là động thái mang tính bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao song phương giữa hai nước.

Sau khi tiến hành trao đổi tù nhân, các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đã đưa ra các đánh giá tích cực về sự kiện này đồng thời thảo luận về việc tổ chức các cuộc hòa đàm mới.

Phát biểu ngày 8.9, Tổng thống Ukraine Zelenskiy khẳng định đây là bước đi đầu tiên trong một tiến trình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga ở Minsk (Belarus) để tiến hành các cuộc thương lượng, và các cuộc gặp này nên bao gồm cả Đức, Anh, Mỹ và Pháp. Ông cũng bày tỏ hy vọng một cuộc gặp 4 bên của nhóm Bộ tứ Normandy, giữa Ukraine với Nga, Pháp và Đức, sẽ sớm giúp giải quyết xung đột với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông.

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin cũng đánh giá thỏa thuận trao đổi tù nhân có "ý nghĩa quan trọng" trong các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương giữa Moskva và Kiev. Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga luôn sẵn sàng tiến hành "bất cứ dạng đối thoại nào về vấn đề Ukraine", đồng thời sẽ không từ chối đề nghị của tân Tổng thống Ukraine về việc cùng tiến hành hội đàm với các nhà lãnh đạo của Mỹ và châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko cho rằng vụ trao đổi tù nhân mới nhất giữa Ukraine và Nga chứng tỏ rằng cả hai nước đã sẵn sàng nối lại đối thoại. Bà Matviyenko lý giải: "Thực tế việc trao đổi tù nhân là một sự kiện tích cực.

Một mặt, điều này chứng tỏ sự sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng của chính quyền Ukraine và mặt khác, điều này mang lại hy vọng rằng đây chỉ là bước đầu tiên và những bước tiếp theo sẽ được thực hiện để nối lại đối thoại giữa hai nước chúng tôi".

Chủ tịch Thượng viện Nga nhấn mạnh sự nỗ lực ngoại giao và chính trị quy mô lớn đã được thực hiện giữa hai nước trước vụ trao đổi nói trên.

Đức, Pháp, Mỹ cũng hoan nghênh việc Nga và Ukraine tiến hành trao đổi tù nhân.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh sự kiện trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine là "dấu hiệu của hy vọng". Bà đồng thời kêu gọi các bên thực thi thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 2015 mà Pháp và Đức đóng vai trò trung gian.            

Về phía Pháp, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định Nga và Ukraine đã có bước đột phá, đồng thời kêu gọi "những tiến bộ mới cụ thể" để chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine giữa quân chính phủ và lực lượng đòi độc lập tại đây.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Le Drian nhận định: "Đây là một hành động chứng tỏ cả Nga và Ukraine đã sẵn sàng cho đối thoại". Ông nhấn mạnh Pháp cùng với Đức sẽ ủng hộ các nỗ lực của cả hai bên nhằm có được những tiến bộ cụ thể trong những tuần tới.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh việc Nga và Ukraine tiến hành trao đổi tù nhân và chúc mừng cả hai nước sau bước tiến quan trọng này.

Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Kurt Volker cũng đánh giá tích cực sự kiện này, bày tỏ hy vọng diễn biến mới sẽ tạo xung lực cho các cuộc trao đổi tù nhân khác, hướng tới nối lại lệnh ngừng bắn và thúc đẩy thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk.

Theo TTXVN