Bài học từ những đám cháy
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:04, 10/09/2019
Nhà chị P. xây theo kiểu nhà ống, khóa trái cửa nên người dân không thể vào bên trong để giải cứu. Chỉ có con gái lớn của chị P. chạy lên mái nhà và được người dân bắc thang đưa ra ngoài an toàn.
Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn nhỏ, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người dân. Có vụ thiêu rụi hàng nghìn mét vuông nhà xưởng trị giá nhiều tỷ đồng. Điển hình như vụ cháy xảy ra ngày 21.7 tại Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) thiêu rụi 2 nhà xưởng rộng 14.000 m2 và toàn bộ trang thiết bị máy may, các nguyên liệu phục vụ sản xuất, gây thiệt hại tài sản gần 200 tỷ đồng. Hay vụ cháy tại Công ty CP Dược phẩm Syntech ở cụm công nghiệp Ba Hàng (TP Hải Dương) ngày 10.7 làm toàn bộ 1.600 m2 nhà xưởng sản xuất, dây chuyền, thiết bị máy móc bị thiêu rụi hoàn toàn, tổng thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng...
Có thể thấy hầu hết những nơi để xảy ra cháy đều có một phần nguyên nhân xuất phát từ tâm lý lơ là của chủ cơ sở, chủ hộ. Trong đợt kiểm tra mới đây của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) ở hơn 100 cơ sở trong tỉnh đã phát hiện, kiến nghị khắc phục 392 thiếu sót về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Nhiều cơ sở còn thiếu các trang thiết bị PCCC, chưa lập phương án và thực hành PCCC... Thực tế cho thấy ở nhiều cơ quan, đơn vị, việc tập huấn, diễn tập PCCC vài năm mới được tổ chức một lần nên kiến thức bị quên đi nhiều. Có người trong danh sách đội PCCC của cơ quan đã về hưu hoặc chuyển công tác nhưng không bổ sung người mới, hoặc có thêm người mới nhưng chỉ đưa vào cho đủ danh sách chứ không được tập huấn kiến thức kịp thời. Vì vậy nếu điểm lại cũng không mấy người trong đơn vị biết cách sử dụng các thiết bị PCCC.
Không chỉ thiếu kỹ năng dập tắt đám cháy, rất nhiều người còn thiếu cả kỹ năng thoát hiểm nếu xảy ra cháy, gây ra những thương vong nhiều khi không đáng có. Vụ cháy xảy ra tại nhà chị P. ở xã Thanh An ảnh hưởng cả tới mấy nhà liền kề. Do quá hoảng sợ nên một người đã nhảy từ tầng 2 ngôi nhà bên cạnh xuống đất và bị gãy tay. Ở một số vụ cháy, người ta không chết hay bị thương do ngạt khói, do bị bỏng mà do chen lấn, xô đẩy nhau trong quá trình thoát hiểm. Ngược lại, có những vụ cháy đã hạn chế được thấp nhất thiệt hại do những người trong cuộc được trang bị và thực hành kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn.
Những vụ cháy liên tiếp thời gian qua cho thấy hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Bài học "nước xa không cứu được lửa gần" vẫn còn đó. Bởi khi xảy ra cháy, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn sẽ sớm có mặt để tham gia dập tắt đám cháy. Song hầu hết các vụ đều phải mất 1-2 giờ lực lượng cứu hộ mới có thể dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy gây ra, việc tập huấn kỹ năng PCCC cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục; mở rộng đối tượng tham gia tập huấn. Các cơ quan, đơn vị phải chú trọng kiện toàn đội PCCC cơ sở, chọn những người thực sự có sức khỏe, thường xuyên có mặt ở cơ quan, đơn vị, tránh việc tham gia kiểu "đánh trống ghi tên". Không chỉ các cơ quan, doanh nghiệp, các đô thị mới cần chú trọng phổ biến kỹ năng PCCC và trang bị phương tiện PCCC mà cả vùng nông thôn cũng cần quan tâm. Ở các xã, nên huy động lực lượng dân quân tự vệ thành các đội thường trực PCCC, chủ động xây dựng phương án PCCC cho các công trình trọng điểm, cho nhà dân; quan tâm tổ chức diễn tập PCCC. Không chỉ thực hành chữa cháy mà còn phải có phương án sơ tán người dân...
KIM THANH