Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ bánh Trung thu handmade
Xã hội - Ngày đăng : 20:39, 10/09/2019
Những loại bánh Trung thu mini được rao bán đầy rẫy trên mạng xã hội
Cùng với những loại bánh Trung thu có thương hiệu, được sản xuất ở những cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trên thị trường còn có nhiều loại bánh Trung thu handmade (bánh làm theo phương pháp thủ công), giá rẻ. Những loại bánh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cửa hàng M.S trên đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) bày bán rất nhiều loại nguyên liệu để làm bánh nướng, bánh dẻo. Tuy nhiên, một số gói nguyên liệu như hạt bí xanh tách vỏ 100 g dùng làm nhân bánh thập cẩm, nước đường làm bánh dẻo, nước đường làm bánh nướng đều chỉ ghi thông tin chung chung như xuất xứ Việt Nam, hạn sử dụng mà không có thông tin cụ thể về cơ sở sản xuất, ngày sản xuất. Cửa hàng này còn bày bán những loại nhân thập cẩm đã trộn sẵn. Qua quan sát, chúng tôi thấy gói nhân trộn sẵn này chỉ có hạn sử dụng và giá tiền chứ không có ngày sản xuất.
Vài năm trở lại đây, nhiều người thường lựa chọn bánh Trung thu handmade vì tin tưởng những chiếc bánh này bảo đảm chất lượng và không sử dụng các chất bảo quản theo lời người bán. Tuy nhiên, không ai có thể dám chắc về quy trình chế biến những chiếc bánh Trung thu này có bảo đảm an toàn hay không. Người làm bánh Trung thu thủ công thường có quy mô nhỏ, không đăng ký với cơ quan chức năng và chủ yếu bán qua mạng nên rất khó kiểm soát chất lượng. Chị V.T.M. ở thị trấn Gia Lộc đã có vài năm bán bánh Trung thu handmade. Mỗi dịp Trung thu về, chị M. lại bắt tay vào làm bánh, thường xuyên quảng cáo, rao bán trên trang Facebook cá nhân kèm theo những hình ảnh về quy trình sản xuất, chế biến bánh. Qua những hình ảnh đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhìn thấy ngay việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi chị M. dùng tay trần đóng gói những chiếc bánh.
Các đoàn kiểm tra liên ngành thường chỉ kiểm tra tập trung ở những cơ sở đã đăng ký kinh doanh, có thương hiệu. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tứ Kỳ kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Nhiều loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ được rao bán đầy rẫy trên mạng xã hội Facebook. Trong nhóm "Dọn nhà cho đỡ chật Hải Dương" tài khoản "Thần Bọt" rao bán bánh Trung thu mini với giá 40.000 đồng gồm 10 chiếc bánh với một số vị như đậu đỏ, hạt dẻ, dứa, dâu tây, đậu xanh, đào... Những chiếc bánh này được đóng thành những gói nhỏ, bên ngoài chỉ có chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ngoài ra, không có bất cứ thông tin nào về ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Hằng năm, cấp tỉnh, huyện đều thành lập các đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng bánh kẹo dịp Tết Trung thu. Nhưng thông thường, những đoàn kiểm tra này chỉ tập trung kiểm tra những cơ sở đã đăng ký kinh doanh, có thương hiệu, vì theo bà Dương Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh người làm bánh Trung thu handmade thường không có địa chỉ rõ ràng, cụ thể. Việc buôn bán thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo lại rất phổ biến và khó kiểm soát nên các đoàn kiểm tra khó có thể triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với những trường hợp này. Cũng theo bà Nga, các trường hợp sản xuất, chế biến bánh Trung thu handmade thường là tự phát, không đủ các điều kiện chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm như giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe, trang bị bảo hộ lao động...
Bà Nga khuyến cáo người tiêu dùng không nên vì ham giá rẻ, màu sắc bắt mắt, hấp dẫn mà mua những sản phẩm không bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Người tiêu dùng nên thận trọng đối với các loại bánh Trung thu ngoại nhập không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; lựa chọn bánh Trung thu có nguồn gốc rõ ràng, có tên của cơ sở sản xuất, địa chỉ, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản... Đặc biệt, sản phẩm phải có ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng.
HOÀNG QUÂN