Đàn gia cầm tăng mạnh và những nỗi lo

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:54, 11/09/2019

Việc ồ ạt chuyển sang nuôi gia cầm không chỉ khiến giá gia cầm giảm, người chăn nuôi thua lỗ mà nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm cũng rất cao.


Nhiều hộ cải tạo chuồng lợn để nuôi gia cầm nên số lượng đàn gia cầm tăng nhanh

Phát triển đàn gia cầm được coi là một trong những giải pháp để bù đắp lượng thực phẩm bị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nhưng do nguồn cung vượt cầu nên giá một số gia cầm đang giảm mạnh, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cũng rất cao.

Ồ ạt nuôi gia cầm

Có nhiều năm kinh nghiệm nuôi gia cầm nên sau khi toàn bộ đàn lợn bị tiêu hủy, ông Nguyễn Xuân Chuyển ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) chuyển sang nuôi gia cầm. Ông cải tạo khu chuồng nuôi lợn để thả 6.000 con gà, vịt, tăng 1.000 con so với trước đó. Ông Chuyển cho biết: "Nuôi gia cầm vốn ít hơn nhưng lại vất vả hơn so với nuôi lợn vì chúng rất nhạy cảm với thời tiết. Nhiều hộ chưa có kinh nghiệm chuyển sang nuôi gia cầm tỷ lệ hao hụt lớn, có khi lên đến 30%, nhất là trong lúc nuôi úm".

Chỉ tính riêng ở thôn Phượng Hoàng đã có gần 600 hộ nuôi gia cầm, hộ nào nuôi ít cũng khoảng 500 con, hộ nhiều nuôi tới cả chục nghìn con. Số lượng đàn gia cầm tăng mạnh dẫn đến giá gia cầm giảm. Việc tiêu thụ thịt gia cầm khó khăn hơn trước. Một số hộ buộc phải kéo dài thời gian nuôi gà lên 5 - 6 tháng, tăng từ 1,5 - 2 tháng so với nuôi bình thường. Kéo dài thời gian nuôi đồng nghĩa với tăng chi phí thức ăn trong khi khả năng tăng trọng giảm, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao hơn. Ông Phạm Văn Khuyến ở thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng (Bình Giang) cũng tận dụng chuồng lợn để nuôi 1.000 con gà. Mặc dù giá gia cầm đang giảm mạnh nhưng ông vẫn muốn tăng đàn gà. "Chăn nuôi mang lại thu nhập chính cho gia đình. Khi lợn bị dịch, chúng tôi phải chuyển sang nuôi con khác. Vốn ít nên gia đình tôi chỉ có thể nuôi gà, vịt", ông Khuyến nói.

Từ đầu năm đến nay, giá bán các sản phẩm gia cầm đều giảm so với trước. Hiện giá gà thịt chỉ còn khoảng 50.000 đồng/ kg, giảm 5.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát; giá vịt khoảng 30.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với đầu tháng. Với giá bán này, người nuôi gà vẫn đang có lãi khoảng 15 triệu đồng/1.000 con gà, nhưng hộ nuôi vịt lại bị thua lỗ, cứ 1.000 con vịt lỗ 5 triệu đồng.


Các hộ nuôi gia cầm cần tiêm phòng đầy đủ, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng tránh dịch bệnh

Nguy cơ dịch cúm rất cao

Bà Vũ Thị Xa, Trưởng Ban Thú y xã Tân Hồng cho biết so với nuôi lợn, nuôi gà đòi hỏi kỹ thuật nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là tiêm phòng. Để đàn gia cầm ít bị dịch bệnh thì cần tiêm phòng khoảng 10 loại vaccine. Các loại vaccine phải được tiêm đúng ngày tuổi mới bảo đảm tác dụng phòng bệnh. "Gia cầm rất nhạy cảm với thời tiết và dịch bệnh. Nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn còn tư tưởng chủ quan, không tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm nên sẽ dễ làm phát sinh dịch bệnh", bà Xa nói.

Hải Dương là một trong những tỉnh có số lượng đàn gia cầm lớn ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo số liệu của Cục Thống kê, tính đến hết tháng 8, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 11.800 nghìn con, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 8 ước đạt 2.600 tấn, tăng 13%. Khả năng đàn gia cầm tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn chăn nuôi lợn, nhất là mùa chăn nuôi phục vụ Tết Nguyên đán. Trong kế hoạch quốc gia về phòng chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025 tỉnh ta có 11 huyện, thành phố (trừ TP Hải Dương) được xếp vào diện có nguy cơ cao xảy ra dịch cúm gia cầm. Đây đều là các địa phương có số lượng, mật độ chăn nuôi nhiều và đã từng xảy ra dịch cúm trong vòng 5 năm trở lại đây.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vũ Văn Hoạt cho biết thời gian nuôi chỉ khoảng 3 tháng nên nhiều hộ không tiêm vaccine phòng cúm cho đàn gia cầm. Theo số liệu của Chi cục Thú y tỉnh, tỷ lệ đàn gia cầm tiêm phòng cúm đạt thấp. Từ đầu năm đến nay, chi cục mới cung ứng 350.600 liều vaccine phòng cúm A/H5N1 cho các hộ chăn nuôi gia cầm trong tỉnh. Số lượng được tiêm phòng chủ yếu là đàn gia cầm giống, gia cầm ở các ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch cúm. Bên cạnh đó, chăn nuôi nông hộ với số lượng đàn nuôi nhỏ, thả rông, chuồng trại đơn giản... sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh và bùng phát dịch bệnh.

Để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt, bảo đảm nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương cấu trúc lại ngành chăn nuôi. Tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thủy cầm. Nhưng chăn nuôi cần phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và từng gia đình. Người chăn nuôi phải thay đổi tư duy, chuyển sang chăn nuôi chuyên nghiệp, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh cho gia cầm. Đây cũng là giải pháp để người chăn nuôi tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

TRẦN HIỀN