Yên Bái vẫn xòe to nhưng không xin xác nhận kỷ lục thế giới

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 08:44, 14/09/2019

Theo một lãnh đạo tỉnh Yên Bái, sau khi lắng nghe góp ý của các nhà chuyên môn, tỉnh này đã quyết định dừng việc đăng ký xác lập kỷ lục thế giới cho màn ‘đại xòe’ 5.000 người tham gia vào tối 20.9 tới.

Yên Bái vẫn xòe to nhưng không xin xác nhận kỷ lục thế giới - Ảnh 1.

Yên Bái đã hủy việc đăng ký xin hồ sơ xin xác lập kỷ lục thế giới cho màn đại xòe nhiều người tham gia nhất 

Tối 13.9, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái Lê Thị Thanh Bình xác nhận thông tin sau cuộc họp chiều nay UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định dừng việc đăng ký hồ sơ xin xác lập kỷ lục thế giới cho màn đại xòe 5.000 người tham gia vào tối 20.9 tới.

Bà Thanh Bình cho biết quyết định này đã được đưa ra sau khi "tỉnh lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn".

Tuy hủy việc đăng ký xin xác lập kỷ lục, Yên Bái vẫn tổ chức màn đại xòe trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2019 với 5.000 người tham gia như kế hoạch.

Trước đó, ngày 10.9, UBND tỉnh Yên Bái đã có buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội để thông tin về việc đăng ký hồ sơ xin xác lập kỷ lục thế giới cho màn "đại xòe" 5.000 người tham gia, với mục đích giới thiệu nghệ thuật xòe cổ và quảng bá điệu múa dân gian của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc ra thế giới.

Yên Bái cũng giải thích việc tổ chức màn xòe kỷ lục 5.000 người tham gia là để đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân và du khách khi đến với Mường Lò - Nghĩa Lộ đều mong muốn được hòa chung vào vòng xòe.

Sau khi thông tin được công bố, một số nhà nghiên cứu đã có ý kiến trên báo chí cho rằng việc xác lập kỷ lục này là không có lợi cho sự bảo tồn bền vững điệu xòe Thái.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - chia sẻ quan điểm rằng xã hội không nên chạy theo những kỷ lục hoàn toàn không có ý nghĩa về chất này, không khuyến khích di sản phi vật thể phát triển bền vững.

Theo ông Huy, xòe phải tồn tại ở trong cộng đồng làng bản, thôn xóm, trong các sinh hoạt tinh thần vui tươi của người dân địa phương, phù hợp với phong tục tập quán địa phương… Những kỷ lục đông người cùng xòe không có ý nghĩa gì với việc bảo tồn di sản này.

"Chúng ta đã có rất nhiều bài học như 3.000 người hát quan họ, bánh chưng khổng lồ dâng vua Hùng rồi... không nên chạy theo những kỷ lục không có ý nghĩa. Đây cũng chính là tinh thần mà UNESCO khuyến khích", PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Ông Huy cũng đánh giá cao việc Yên Bái đã kịp thời lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn để có quyết định đúng đắn.

"Quyết định này của Yên Bái là rất đáng hoan nghênh, rất tốt cho hoạt động bảo tồn Xòe Thái", ông Huy khẳng định.

Ông cũng nhắn nhủ bài học của Yên Bái cho thấy đã đến lúc xã hội cần hướng tới những giá trị sâu sắc hơn, dũng cảm đoạn tuyệt với "căn bệnh hoang tưởng về các loại kỷ lục vô nghĩa".

Theo Tuổi trẻ