Đại học ưu tú đẳng cấp thế giới - trách nhiệm với quốc gia

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:57, 14/09/2019

Sự kiện lần đầu tiên 3 cơ sở đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu của tuần san Times Higher Education (THE), Anh quốc đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.


Học viên, sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) trong phòng thí nghiệm của trường

Theo đó, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801-1.000, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong nhóm 1.000+. 

"Trách nhiệm với quốc gia"

PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng việc các cơ sở ĐH của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng của THE là dịp để các trường định vị được mình đang ở đâu và cần làm gì.

Ông Quân nói việc một quốc gia có nhiều trường ĐH ưu tú đẳng cấp thế giới (ĐH ưu tú) không chỉ chứng tỏ sự tiến bộ về khoa học - công nghệ, mà còn khẳng định sự vượt trội về mặt trí tuệ của dân tộc đó. Việc đầu tư xây dựng các trường ĐH ưu tú, nhất là đối với các nước đang phát triển, là cần thiết hơn bao giờ hết.

- Vậy làm sao để nhận diện được đâu là ĐH ưu tú, đẳng cấp, thưa ông?

- Theo Philip G. Altbach (ĐH Boston, Mỹ), một trường ĐH ưu tú là trường có hoạt động nghiên cứu khoa học xuất sắc, sở hữu các giáo sư hàng đầu, có môi trường học thuật tự do, khơi gợi được sự phấn khích trong việc sáng tạo tri thức mới, sở hữu mô hình quản trị hiệu quả, có đầy đủ cơ sở vật chất và các quỹ tài chính hùng hậu. 

Jamil Salmi - cựu chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới - cho rằng ĐH ưu tú là nơi tập trung cao độ của các tài năng (giảng viên và sinh viên), có nguồn tài nguyên dồi dào cho môi trường học tập và nghiên cứu, đặt trong một hệ thống quản trị hiệu quả.

Phần lớn các trường ĐH đều có sứ mệnh là đào tạo, nghiên cứu khoa học và gắn kết với cộng đồng. Sứ mệnh của các ĐH ưu tú, ngoài 3 nhiệm vụ đó, còn phải có trách nhiệm đồng hành với tương lai của quốc gia, là cầu nối giữa hiện tại và tương lai của đất nước. Sự phát triển của quốc gia phải lấy nhân lực trình độ cao làm điểm tựa, lấy khoa học - công nghệ làm đòn bẩy.


PGS.TS Vũ Hải Quân

- Nhiều chuyên gia giáo dục ĐH thế giới đều đồng thuận về cách nhận diện ĐH ưu tú thông qua các bảng xếp hạng quốc tế. Nhưng có chuyên gia Việt Nam lại nói rằng: "Thấy kết quả xếp hạng các trường ĐH ở Việt Nam, tôi hết hồn"... Phải chăng việc nhận diện ĐH đẳng cấp ở Việt Nam quá khó?

- Một trong những vấn đề lớn của giáo dục Việt Nam hiện nay là niềm tin. Họ hoài nghi về kết quả xếp hạng của các trường ĐH vì chỉ thấy phần ngọn, tức là vị trí trên bảng xếp hạng, mà chưa nhìn thấy sự xuất sắc, vượt trội của các trường này trong việc phát triển chương trình đào tạo bậc ĐH, sau ĐH cho các ngành khoa học - công nghệ.

Nói cách khác, họ chỉ nhìn thấy nóc của một tòa lâu đài mà chưa thấy được quá trình xây dựng tòa lâu đài đó. Tuy nhiên, những đánh giá, nhận định cần hết sức thận trọng và khách quan. Không thể phủ nhận hết những thành quả về nghiên cứu và đào tạo của các trường ĐH trong quá trình hội nhập và phát triển vừa qua.

- Vừa qua, một số trường ĐH của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng này nhưng lại không có tên trong bảng xếp hạng khác. Ông có thể giải thích điều này?

- Các bảng xếp hạng với hệ thống tiêu chí khác nhau. Ví dụ bảng xếp hạng ARWU (của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải - Trung Quốc) chủ yếu sử dụng các tiêu chí liên quan đến nghiên cứu khoa học. 

Hai bảng xếp hạng còn lại, THE và QS (Anh quốc) thì ngoài tiêu chí về nghiên cứu khoa học, họ có thêm tiêu chí về đào tạo và phục vụ cộng đồng thông qua việc khảo sát các nhà tuyển dụng, các nhà khoa học, tỉ lệ giảng viên/sinh viên... 

Chính vì vậy có trường ĐH ở bảng xếp hạng này lại không ở bảng xếp hạng khác; hoặc ở vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng này lại ở vị trí thấp hơn trong bảng xếp hạng khác.

- Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới có chiến lược phát triển ĐH ưu tú bằng cách ưu tiên cấp ngân sách cho một nhóm trường chọn lọc. Tuy nhiên, với điều kiện của Việt Nam, các trường ĐH rất khó có cơ hội được đầu tư lớn như vậy...

- Đúng là trong bối cảnh hiện nay chúng ta rất khó để có thể đầu tư một khoản kinh phí lớn như vậy cho các trường ĐH. Ngân sách là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải xây dựng được một hệ thống quản trị hiệu quả thể hiện qua việc tái cấu trúc bộ máy vì nếu không, dòng tiền chảy vào nhiều đến đâu cũng sẽ không thể phát huy hết hiệu quả được. 

Đây cũng là nhiệm vụ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Đà Nẵng từ tháng 11-2017.

- Hiện nay, các trường ĐH đều có vai trò lớn, đóng góp sự phát triển vượt bậc về kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... Từ đó, Việt Nam cần làm gì để có thêm những trường ĐH ưu tú?

- Để các ĐH ưu tú hiện tại vươn đến top 500 và đặc biệt quan trọng hơn là để đào tạo ra những thế hệ lãnh đạo mới, các tài năng khoa học mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước thì việc xác định tầm nhìn, chiến lược phát triển và ưu tiên đầu tư cho một số ĐH là cần thiết.

Theo đó, cơ chế tự chủ: tự chủ về học thuật, tự chủ về quản trị và tự chủ về tài chính là nền tảng để các trường phát huy tối đa sức mạnh của mình. Vấn đề thứ 2 là cần triển khai cơ chế đặt hàng cho các trường ĐH để đào tạo các ngành khoa học cơ bản, cũng như chính sách thu hút các nhà khoa học.

Có một thực tế đáng quan tâm là hiện nay nhiều học sinh, sinh viên giỏi không muốn theo học các ngành khoa học. Nếu không có được đội ngũ các nhà khoa học trẻ và giỏi, chúng ta sẽ không có nền tảng để phát triển công nghệ đột phá và vì thế cũng không thể phát triển kinh tế tri thức. 

Cuối cùng, việc đầu tư xây dựng khuôn viên ĐH hiện đại, đẹp, xanh và thân thiện cũng là cần thiết.


ĐH Quốc gia Hà Nội 

- Để xây dựng ĐH ưu tú, các nước có thể chọn một số cách khác nhau, nhưng rõ ràng trong mỗi cách tiếp cận đều có những ưu và khuyết điểm. Theo ông, Việt Nam nên chọn cách nào?

- Jamil Salmi cho rằng các quốc gia có thể xây dựng ĐH ưu tú theo 3 cách: nâng cấp trường ĐH hiện hữu; sáp nhập một số trường ĐH và thành lập một trường ĐH mới. Ở chừng mực nhất định, chúng ta đang đi theo cả ba cách này.

ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh được thành lập từ ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo hướng sáp nhập một số trường ĐH hiện hữu (khi đó). Điểm mạnh của mô hình này là có thể phát huy sức mạnh hệ thống, chia sẻ tài nguyên chung và đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, đó là hệ thống ĐH đa ngành đa lĩnh vực, phù hợp xu hướng phát triển chung của các ĐH lớn trên thế giới.

Nên có bảng xếp hạng trong nước


Tiến sĩ trẻ say mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đề nghị như trên để đánh giá ở những tiêu chí như tác động xã hội.

Cụ thể là tác động đến chính sách, nhu cầu nhân lực, nhất là các ngành mà xã hội đang cần cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Sơn cho biết theo quy định của THE, số lượng bài báo/cán bộ chuyên môn chỉ chiếm 6% trong tổng số điểm. Nhưng số trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường ĐH) là 30%.

Điều này cho thấy tiêu chí trích dẫn rất được coi trọng vì nó biểu thị năng suất trong nghiên cứu khoa học. Nói cách khác là chất lượng nghiên cứu. Dĩ nhiên tùy theo từng lĩnh vực khác nhau, THE sẽ có tính toán trọng số đối với các tiêu chí khác nhau để đảm bảo công bằng. Ví dụ đối với trường đào tạo ngành thuộc lĩnh vực xã hội, trích dẫn sẽ ít hơn so với khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ.

Với những trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, tiêu chí trích dẫn được coi trọng. Không phải chỉ cố gắng để được xếp hạng, mà đó là một trong những nhiệm vụ chiến lược để duy trì chất lượng nghiên cứu, chứ không chỉ chạy theo số lượng bài báo. Cũng vì thế mà phải chờ đến bây giờ, khi đã tự tin đủ điều kiện, trường mới đăng ký xếp hạng. 

Và kết quả cùng đứng ở vị trí 801-1.000 nhưng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có chỉ số trích dẫn cao nhất trong số 3 ĐH Việt Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội xếp trên về các chỉ số giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế; ĐH Quốc gia TP Hồ Chi xếp trên về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp).Tham gia xếp hạng là việc nên khuyến khích các trường ĐH tham gia để có động lực phát triển. Nhưng ngoài tham gia các bảng xếp hạng của nước ngoài, nếu có các bảng xếp hạng do hợp tác của tổ chức nước ngoài và trong nước sẽ tốt hơn ngoài các tiêu chí thể hiện vị thế, uy tín, chất lượng đào tạo, nghiên cứu như THE đã làm.

ĐH Quốc gia Hà Nội có mặt trong nhiều bảng xếp hạng

Ngoài việc lọt vào nhóm 801-1.000 thuộc bảng xếp hạng của THE, ĐH Quốc gia Hà Nội còn nằm trong nhóm 801-1.000 thuộc bảng xếp hạng của QS, đứng thứ 124 trong bảng xếp hạng châu Á của QS. Tại bảng xếp hạng Webometrics (về xây dựng ĐH số hóa), ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tiếp cận top 1.000 thế giới và đứng đầu tại Việt Nam.

ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều ngành đào tạo thuộc top 1.000 thế giới thuộc bảng xếp hạng QS như: nhóm ngành vật lý và thiên văn học - nhóm 501 - 550 (đứng đầu ở Việt Nam); nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo - thứ 451-500, nhóm ngành khoa học máy tính và hệ thống thông tin - thứ 551-600. Riêng đối với lĩnh vực vật lý, ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở ĐH duy nhất ở Việt Nam được US NEWS xếp hạng và đứng thứ 502 thế giới.

Tiêu chỉ xếp hạng của THE

Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục ĐH trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục ĐH tham gia xếp hạng dựa trên 5 nhóm tiêu chí:

1. Giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số điểm xếp hạng là 30% và 5 tiêu chí: kết quả khảo sát về uy tín giảng dạy (15%), tỉ lệ giảng viên/sinh viên (4,5%), tỉ lệ học viên nghiên cứu sinh/sinh viên ĐH (2,25%), tỉ lệ giảng viên là tiến sĩ (6%) và thu nhập của đơn vị (2,25%). Thu nhập của trường ĐH được tính thông qua chỉ số sức mua tương đương, phản ánh mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động dạy và học.

2. Nghiên cứu (số lượng, thu nhập, uy tín) với trọng số 30% gồm: kết quả khảo sát về uy tín nghiên cứu khoa học (18%), thu nhập từ nghiên cứu (6%) và năng suất nghiên cứu (6%).

3. Trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường ĐH) với trọng số 30%, thông qua 23.400 tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu Scopus.

4. Quốc tế hóa (về cán bộ, sinh viên, nghiên cứu) với trọng số 7,5% gồm tỉ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỉ lệ sinh viên quốc tế (2,5%) và chỉ số hợp tác quốc tế (2,5% - thông qua số công bố khoa học có ít nhất 1 đồng tác giả là học giả quốc tế).

5. Thu nhập từ doanh nghiệp (chuyển giao tri thức) với trọng số 2,5%, tính thông qua tổng thu nhập từ chuyển giao công nghệ và tri thức cho doanh nghiệp.

Theo Tuổi trẻ