Ấn Độ - Nga: Cầu nối hai lục địa Á - Âu

Bình luận - Ngày đăng : 17:16, 14/09/2019

Ấn Độ và Nga ký tuyên bố chung, kêu gọi hai nước hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự, công nghệ và thành lập các công ty liên doanh Nga - Ấn tại New Delhi và Ấn - Nga tại Moscow để thúc đẩy hợp tác phát triển.

Ngày 4.9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến thăm Nga và dự Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF). Tại TP Vladivostok, ông Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký tuyên bố chung thể hiện sự tin cậy giữa hai nước không chỉ về chính trị,  kinh tế, ngoại giao mà cả về quân sự. Điều này khẳng định quan hệ Nga - Ấn đã bước sang kỷ nguyên mới giữa một quốc gia Ấn Độ Dương với mội quốc gia Thái Bình Dương.

Hướng đến vùng viễn Đông giàu tài nguyên

Chuyến thăm Nga và dự diễn đàn EEF lần này của Thủ tướng Modi được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm và cho rằng Ấn Độ vừa muốn thắt chặt quan hệ với Nga vừa muốn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của New Delhi tới vùng viễn Đông của Nga.

Phát biểu tại EEF, Thủ tướng Modi tuyên bố nước này đã chuẩn bị khoản đầu tư 1 tỷ USD để phát triển khu vực viễn Đông của Nga. “Đây là một biện pháp chưa từng có khi chúng tôi cung cấp một hạn mức tín dụng như vậy cho một quốc gia khác… và tôi có thể bảo đảm với các ngài rằng Ấn Độ đang hợp tác chặt chẽ về vấn đề này đặc biệt ở Đông Á… Chúng tôi sẽ phát triển và lớn mạnh ở viễn Đông”, ông Modi khẳng định.


Quan hệ khăng khít giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Giới phân tích đặt câu hỏi tại sao Ấn Độ lại “phóng tầm mắt” của mình tới vùng viễn Đông của Nga?

Thứ nhất, khu vực này nằm giữa Thái Bình Dương và hồ Bai Can (hồ nước ngọt lớn nhất thế giới). Thái Bình Dương đã nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ và quan trọng nhất là vùng viễn Đông đang được Nga kêu gọi đầu tư.

Thứ hai, ngay từ năm 1992, Ấn Độ đã mở tòa lãnh sự tại Vladivostok - thủ phủ của vùng viễn Đông, chứng tỏ New Delhi sớm hiểu được tầm quan trọng của khu vực này. Ấn Độ nhận biết rõ các cường quốc trên thế giới đều để mắt tới viễn Đông nhằm mục tiêu có tầm ảnh hưởng lớn tại khu vực. Mặt khác, viễn Đông có chung đường biên giới biển với hai cường quốc lớn là Trung Quốc và Nhật Bản nên Ấn Độ không thể chậm hơn.

Kết quả rất thiết thực cho quan hệ Ấn Độ - Nga trong chuyến thăm Nga lần này của ông Modi là Nga và Ấn Độ đã nhất trí thiết lập “con đường tơ lụa trên biển Vladivostok - Chennai”. Thực chất “con đường tơ lụa trên biển” này giữa Nga và Ấn Độ là sự đối trọng với “con đường tơ lụa” trên biển của Trung Quốc.

"Chúng tôi đang bắt đầu một kỷ nguyên hợp tác mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Modi nói và khẳng định quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Nga trong việc phát triển khu vực viễn Đông sẽ khiến nơi đây trở thành điểm hội tụ của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, tự do và bao trùm. Viễn Đông sẽ trở thành nền tảng của mối quan hệ bền chặt Ấn - Nga.

Mục tiêu lâu dài của Ấn Độ

Với Ấn Độ, vùng viễn Đông của Nga như một “thỏi nam châm” cực mạnh hút sự chú ý của quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Vùng viễn Đông chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, hai mặt hàng mà nền kinh tế Ấn Độ đang khát. Ngược lại vùng viễn Đông của Nga tuy diện tích rộng lớn nhưng chỉ có 8 triệu dân và chậm phát triển.

Vào được viễn Đông sẽ giúp Ấn Độ cung cấp cho Nga nguồn lao động cho các dự án của Nga. Điều quan trọng hơn là khi đầu tư vào viễn Đông sẽ giúp Ấn Độ tiếp cận được thị trường mà không phải cạnh tranh với các nước phương Tây, qua đó giúp Nga đa dạng hóa các đối tác làm ăn, không phụ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư Trung Quốc.

Trong thời gian thăm Nga, Tổng thống Putin tỏ rõ sự thịnh tình với ông Modi, trực tiếp dẫn Thủ tướng Ấn Độ thăm tổ hợp đóng tàu Zvezda - nơi đã xây dựng xong cầu tàu khô có thể đóng các tàu tùy ý, kể cả tàu lớn hơn tàu sân bay. Đích thân ông Putin đã giới thiêu với ông Modi về mô hình tàu phá băng nguyên tử mới “Leader” có công suất 120 MW, tổng lượng giãn nước 71.000 tấn và có thể phá vỡ lớp băng có độ dày lên tới 4m.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận Nga bán vũ khi cho Ấn Độ trị giá 14,5 tỷ USD. Thành công lớn nhất trong chuyến thăm Nga của ông Modi khi 2 bên đã ký tuyên bố chung mang tên “Thông qua sự tin cậy và quan hệ đối tác - hướng đến những đỉnh cao hợp tác mới”. Tuyên bố kêu gọi hai nước hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự, công nghệ và thành lập các công ty liên doanh Nga - Ấn tại New Delhi và Ấn - Nga tại Moscow để thúc đẩy hợp tác phát triển.

Rõ ràng, việc thúc đẩy phát triển vùng viễn Đông đang là một nỗ lực của Moscow nhằm củng cố vị thế của Nga ở khu vực Thái Bình Dương. Sự quan tâm của cả Ấn Độ và Nga đối với khu vực viễn Đông phù hợp với vấn đề an ninh châu Á Thái Bình Dương bởi Ấn Độ là một cường quốc ở Ấn Độ Dương có mối quan tâm nghiêm túc đến Thái Bình Dương, còn Nga là một cường quốc Thái Bình Dương có mối quan hệ nghiêm túc đến Ấn Độ Dương.

Mối quan hệ sâu sắc giữa Nga - Ấn Độ sẽ dần tạo ra một trục mới trong bàn cờ địa chính trị thế giới trong tương lai, đặc biệt khi con đường tơ lụa Vladivostok - Chennai đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực liên minh kinh tế Á - Âu do Nga khởi xướng có thêm một con đường tới Ấn Độ Dương.

HẢI HÀ