Những tín hiệu vui mùa lễ hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:42, 15/09/2019
Đó là Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2019, chào mừng TP Hải Dương mở rộng được công nhận là đô thị loại I, kỷ niệm 215 năm khởi lập Thành Đông và 65 năm giải phóng thành phố. Trong những niềm vui chung lớn lao đó, có những việc tuy nhỏ nhưng thực sự đáng mừng, giúp niềm vui càng trở nên ý nghĩa.
Trong Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, Ban Tổ chức đã chuẩn bị 5.000 hoa đăng gấp bằng giấy tự hủy để người dân sử dụng khi tham gia lễ cầu an và thả hoa đăng trên sông Lục Đầu. Những hoa đăng này sẽ không gây nguy hại cho môi trường như những hoa đăng bằng nhựa khó phân hủy. Hơn thế nữa, việc tự chuẩn bị hoa đăng chứ không nhập về hàng loạt tạo nét đẹp riêng cho nghi lễ, tăng tính thiêng liêng và lòng thành kính.
Việc sử dụng hoa đăng bằng giấy tự hủy nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc nói không với rác thải nhựa và được chuẩn bị trước cả khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản đề nghị Phật giáo các địa phương trong cả nước “không sử dụng chất liệu nhựa trong các lễ hội hoa đăng, tránh gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường nước". Sự sáng tạo này cần được nhân rộng tại các lễ hội hoa đăng tương tự ở các địa phương và phát huy trong công tác tổ chức các lễ hội khác. Để mỗi mùa lễ hội không để lại lượng lớn rác thải nhựa khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, Ban Tổ chức lễ hội nên vận động cả những người bán hàng quán phục vụ du khách hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng túi nilon, thìa, cốc, bát nhựa dùng một lần. Lễ hội không đồ nhựa sẽ là nét đẹp mới, văn minh và hữu ích.
TP Hải Dương đang thi công 51 công trình chỉnh trang đô thị chào mừng lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I, kỷ niệm 215 năm khởi lập Thành Đông, 65 năm giải phóng TP Hải Dương. Các hạng mục thi công đều không có gì hoành tráng như cải tạo block, vỉa hè, rãnh thoát nước, dải cây xanh, vườn hoa, hạ ngầm đường dây điện, cáp quang… Nhưng những hạng mục này đều ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt của người dân hằng ngày và có những thứ họ mong muốn được cải tạo từ lâu. Việc chỉnh trang không chỉ góp phần tạo bộ mặt gọn gàng, sạch đẹp cho thành phố mà quan trọng hơn cả là sẽ giúp cuộc sống của người dân thuận tiện, dễ chịu hơn.
Khi đi ngang qua những nơi đang thi công, người dân được thấy những tấm biển thông báo đây là công trình hướng tới những dịp lễ lớn của thành phố. Việc thông báo trực quan này giúp đông đảo người dân lưu thông trên đường nắm được mục đích, ý nghĩa của công trình và bỗng dưng những khó chịu do sự bất tiện giảm đi rất nhiều. Tấm biển thông báo là một chi tiết rất nhỏ song cũng thể hiện sự quan tâm tới người dân bởi trước nay, có nhiều công trình công cộng được thi công mà người dân nếu không đọc báo, nghe đài thì không biết đó là công trình gì, tại sao lại được thực hiện.
Trong 51 công trình đó, có 18 công trình được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí đầu tư 28,1 tỷ đồng. Thành phố đã vận động được các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí, tổ chức lấy ý kiến và vận động người dân tham gia giám sát xây dựng công trình. Nhờ vậy, công cuộc chỉnh trang nhận được sự đồng tình, ủng hộ trong không khí phấn khởi chung. Việc quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người dân một cách nghiêm túc trong từng việc nhỏ, đồng thời vận động họ cùng tham gia trước mắt giúp công việc chỉnh trang đô thị được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi; về lâu dài sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong quản lý, bảo vệ môi trường, các công trình công cộng.
Những việc làm tuy nhỏ đó có tác dụng và ý nghĩa lớn bởi đối tượng được quan tâm, đặt vào trung tâm sự kiện là người dân và môi trường sống của chúng ta. Bản thân các sự kiện chỉ thực sự hữu ích, có ý nghĩa khi người dân được hướng đến, hòa mình trong đó. Những cách làm này nếu được duy trì, nhân rộng trong nhiều lĩnh vực sẽ góp phần nâng cao ý thức xã hội, cải thiện môi trường sống ngày một văn minh, lành mạnh.
THÁI HÒA