Cha và những đứa con
Truyện ngắn - Ngày đăng : 18:09, 15/09/2019
Bệnh tình của ông Hải xấu đi trông thấy. Mới có ba ngày mà tấm thân vốn to khỏe của ông mỏng như con cá phơi khô. Hai hốc mắt sâu hoắm, tóc xác xơ như cọng rơm được nắng, tay chân khẳng khiu như que củi mục. Mười hai người con cố gắng hết mình. Ai bảo sao làm vậy. Nhưng thuốc đổ không vào, cháo không trôi nổi qua họng. Như cái cây già cỗi không hút nổi nước nữa thì chuyện ra đi là tất yếu. Không ai nghĩ cha mình vốn là một người đầy bản lĩnh, mới có 65 tuổi, góa vợ hai mươi năm, tảo tần gà trống nuôi con khôn lớn, mà khi mất lại khổ sở đến như vậy.
Ông Hải được sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con. Cả làng cùng nghèo nên chẳng ai thấy mình nghèo. Thuở nhỏ Hải cũng như bao đứa trẻ trong làng, được nuôi ăn học. Tuy học không giỏi nhưng năm nào cũng lên lớp. Lớn lên chút nữa, Hải nhận ra nhà mình nghèo quá. “Phải làm gì chứ. Chẳng lẽ chịu khổ suốt đời sao?”. Ý tưởng phải làm giàu thật nhanh luôn đốt cháy tâm can Hải. Hồi ấy dòng thác đi đào vàng cuốn theo bao chàng trai khỏe mạnh của làng quê. Hy vọng đổi đời khiến Hải bỏ học ngang chừng, không lời tạm biệt. Bãi đào vàng là cuộc chiến sinh tử với đúng nghĩa đen. “Bưởng” nào cũng tự trang bị cho mình từ cây kiếm, cây đao đến khẩu súng, viên đạn. Không chỉ vậy, các tệ nạn hút chích, đĩ điếm và cả bệnh tật vây bủa kiếp người nhỏ nhoi. Tình người ở đây như một thứ hàng xa xỉ. Kiếp người mong manh như chiếc lá rừng. Hải vật vờ đi theo “bưởng” hết chỗ này đến chỗ khác, vắt kiệt mình cho công việc đào đất đãi vàng. Đêm lê lết được về chỗ nằm, bàng hoàng tưởng các khúc xương đang rời ra từng mẩu. Hải nhớ làng Ghềnh. Nhớ cha mẹ và các em. Vậy thì phải về. Về để tìm lại cái cảm giác mình đang có một gia đình tử tế. Hoặc chí ít cũng là được ngắm triền đê xanh rợn màu cỏ. Cái cảm giác nhớ quê hương đến da diết khiến Hải nhiều đêm mất ngủ. Sáng ra vật vờ như bóng ma đói khát. Trưởng “bưởng" nổi điên. Lại đấm lại đá, lại đe dọa bằng cái chết. Xin về cũng không được. Trưởng “bưởng” quát: “Đừng tưởng nơi hỗn quân hỗn quan mà không có quy định nhé”. Những bản án dành cho kẻ “đào tẩu” rất khắc nghiệt vẫn diễn ra hằng ngày nơi bãi vàng.
Hai năm trôi vèo. Hải chưa có nổi một cây vàng lận lưng. Ý tưởng đổi đời còn xa lơ xa lắc. Mùa mưa năm nay đến sớm. Bầu trời như thấp xuống. Mưa trắng trời trắng đất. Lê thê và dai dẳng. Đây đó đã xảy ra sập hầm, vỡ túi nước. Những vụ tranh cướp hầm vàng bắt đầu căng thẳng. Một đêm hầm vàng của Hải bị tấn công. Trong khoảnh khắc hoảng sợ, một ý nghĩ bật ra trong đầu Hải: “Phải nhanh chóng thoát khỏi nơi đây”. Thế là bất chấp gai cào, đạn nổ, bất chấp phương hướng, Hải cứ băng mình về phía trước. Nhưng tránh được kiếp nạn này, Hải lại gặp kiếp nạn khác. Giữa cánh rừng nguyên sinh rậm rạp không thể xác định được lối ra, Hải càng đi càng bị lạc. Ba ngày lang thang chịu đói chịu khát. Đến lúc chập chờn sắp ngất thì Hải được cứu sống. Người cứu Hải là một thầy lang đang đi rừng hái lá thuốc. Ông là người Kinh lên khai hoang từ giữa thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Gọi là thầy lang nhưng ông chỉ biết dăm ba vị thuốc, uống vào vô thưởng vô phạt. Đặc biệt, ông thầy này có tài chữa chó dại cắn. Sau khi thăm khám, thầy bán cho người bệnh nhiều loại thuốc lá, cùng lời động viên: “Cứ uống hết số thuốc này thì yên tâm mà sống, chẳng cần tiêm phòng dại, vừa đau vừa tốn tiền”. Giá khá đắt. Vì mạng sống nên chẳng ai dám kêu ca. Mười bệnh nhân đến chữa, có bẩy tám người được cứu sống. Tiếng tăm của ông lan truyền khắp một vùng rộng lớn. Thấy nghề làm thuốc vừa nhàn nhã vừa nhiều tiền, Hải thích lắm. Một hôm Hải cầu xin: “Thưa thầy, con mong được thầy truyền nghề”. Ông thầy cười nhạt: “Học chi cái nghề ba láp này”. Hải ngạc nhiên: “Thưa thầy, con nghĩ chữa bệnh cứu người là một nghề cao quý. Dù thế nào con cũng xin được học để làm “cái bị” kiếm cơm”. Ông thầy nghiêm mặt giảng giải: “Với anh, tôi chẳng giấu. Tôi không biết gì về những lá thuốc đó. Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thôi. Còn chữa bệnh chó dại cắn là chuyện lừa gạt. Lấy nước lá cà độc dược nhỏ vài giọt vào mắt thì đến người khỏe cũng bị trương đồng tử. Mà có phải con chó nào cũng bị dại đâu. Không may có bệnh nhân chết, chỉ cần nói: Đưa đến muộn quá”. Hải chết sững. Chẳng biết lời thầy thật hay đùa. Tuy vậy, nhớ cái ơn cứu tử, Hải vẫn ở lại với thầy. Những lần Hải theo thầy vào rừng hái lá thuốc, lần thì thầy bảo: “Hình như lá này chữa đau bụng”. Lần khác thầy lại bảo: “Hình như lá này chữa xương khớp”. Toàn “hình như”. Khi rỗi rãi, Hải chặt cây rừng về lập hàng rào quanh nhà phòng thú dữ. Cho đến ngày cái hàng rào kia ra chồi ra lá, ra hoa kết quả, ông thầy bảo: “Tất cả những gì ta biết về thuốc thì con cũng đã biết. Giờ đến lúc con phải về quê. Nơi đó có cha mẹ anh em con đang chờ”.
Về quê, Hải mới biết gia đình không còn một ai sau trận bom rải thảm của máy bay Mỹ. Làng quê vẫn nghèo như xưa. Hạt thóc không đủ sống. Hải quay đủ mọi nghề. Cuối cùng Hải nhớ tới người thầy lang năm nào. Thôi đành lấy đó làm kế sinh nhai. Chỉ làm tạm thôi chờ qua cơn bĩ cực. Nhưng rồi sau mười năm lấy vợ, đẻ liền sáu đứa con, chênh nhau một cái đầu, ý định chuyển nghề không còn nữa. Khi đứa con gái út lên mười tuổi, bà Hải bất ngờ qua đời, không bệnh tật, không ốm đau. Những ngày ấy ông Hải vật vờ như kẻ sắp chết. Đời ông từng trải qua nhiều khổ đau nhưng chưa khi nào thất vọng như lúc này. Đôi khi ông cười. Tiếng cười nghe kỳ dị và ma quái. Người quen mặt sau vài ngày cũng phải thốt lên: “Ông bệnh sao mà khác vậy?”. Nhiều đêm không ngủ, nằm vắt tay ngang trán, ông Hải tự hỏi: “Liệu đây có phải là quả báo? Bỏ nghề hay tiếp tục?”. Chuyện “gieo và gặt” cứ bám riết lấy ông Hải. Nhìn sáu đứa con thơ dại ngơ ngác, ông Hải thầm hứa: “Khi nào lo cho tất cả các con có gia đình ổn định, ông sẽ bỏ nghề”. Và ông bỏ nghề ngay lúc cô út Sáu về nhà chồng. Dao cầu, ô thuốc, thuyền tán, ông vứt ráo xuống sông. Phần do nhà nước yêu cầu phải có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề, phần do ông ân hận với những hành động lừa dối của mình suốt mấy chục năm qua. Tuy vậy, ông Hải cũng kịp lo cho mỗi đứa con một cơ ngơi riêng. Bình thường như mọi người ở xóm.
Sau đám giỗ ba ngày ông Hải, những người con quyết định mở tủ riêng của cha xem còn gì sót lại. Tiền Việt còn vài trăm nghìn đồng, một cuốn sổ tiết kiệm ba mươi triệu đồng. Mặt sau cùng cuốn sổ có dòng chữ của ông Hải: “Để lo tang lễ cho cha”. Thì ra ông Hải đã lo cho ngày cuối đời của mình từ lâu. Không ai hiểu con bằng người cha. Lũ con ông mỗi đứa một nết. Trừ anh Cả chân chỉ hạt bột, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, năm đứa còn lại đều lòng tham không đáy. Chúng tham từ củ khoai đến hạt lúa. Ngày còn sống, ông Hải đã phân chia mọi thứ tạm gọi là công bằng. Nhưng ông Hải vẫn lo sau khi mình nằm xuống, anh em chúng nó sẽ không còn tình nữa vì phải sẻ chia trách nhiệm. Chuyện ấy đã xảy ra nơi này nơi kia rồi. Cuối cùng là một cái hộp bằng sắt, hàn kín bốn mặt. Có lẽ ban đầu nó là cái hộp đựng loại bánh kẹo nào đó. Trên nắp là chữ của ông Hải: “Không được mở”. Mười hai người con trai gái, dâu rể cầm cái hộp sắt lên săm soi, lắc lắc. Cái hộp nhẹ bẫng, không một tiếng kêu. Anh Ba hỏi bâng quơ: “Cái gì trong này thế nhỉ? Nếu là vàng thì phải nặng chứ”. Im lặng. Lát sau cô út Sáu bảo: “Theo em, có lẽ là bản di chúc, hoặc tấm bản đồ chỉ nơi giấu vàng của thầy”. Những cái đầu gật gật ra chiều đồng ý. Nghe các em bình luận, chị Cả khẽ khàng tham gia: “Dù là gì chăng nữa, anh chị em mình cũng nên tôn trọng nguyện vọng của thầy”. Anh Cả nương theo ý vợ: “Nhà tôi nói phải đó. Khi sống thầy đã lo cho anh em mình đầy đủ cả rồi, chỉ việc chuyên cần vào làm ăn thôi. Chuyện cái hộp xếp lại và đừng bao giờ nhắc đến nữa. Hãy coi đây là kỷ vật của thầy”. Không ai đáp lời anh Cả. Mọi người lục tục đứng dậy chào nhau. Ngoài mặt vui cười nhưng trong lòng đều mang nặng ưu tư về chiếc hộp.
Vài tháng sau, anh Năm hớt hải chạy đến tìm anh Cả, mặt nhăn nhó: “Anh làm ơn cho em mượn dăm trăm. Độ này hàng ế quá, chủ hàng không cho chịu”. Anh Cả vui vẻ rút ra tờ bạc mệnh giá năm trăm nghìn đồng, đưa cho em. Anh Năm cười phá lên: “Em nói là dăm trăm triệu đồng cơ”. Anh Cả chết đứng. Trời ơi, làm ruộng như anh Cả đào đâu ra số tiền khủng vậy. Lựa lời, anh Cả bảo: “Sao chú không mang sổ đỏ ra ngân hàng mà vay. Nghe đâu dạo này người ta đang ưu tiên cho những doanh nghiệp nhỏ”. “Anh Cả nói như đúng rồi. Lỡ trả không đúng hẹn thì vợ chồng con cái em ra sông ở à? Hay sang nhà anh ở? Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, anh Cả mở hộp của thầy ra, may cứu được thằng em”. Chuyện của anh Năm chưa nguôi thì đến lượt cô út Sáu: “Cứu em với anh Cả ơi. Lũ bất nhân giật hụi chạy hết, để mình em mang công mắc nợ”. Rồi anh Ba, cô Tư, cô Hai, mỗi người một lý do để yêu cầu anh mở chiếc hộp sắt. Anh Cả khi rối bời, lúc như xát muối. Lũ em mất dạy và ngạo ngược. Chỉ vì tiền, vì vàng mà bất chấp lời di huấn của cha. Tình cảm anh em nghe chừng rạn nứt. Lời ong tiếng ve về anh Cả tham lam muốn lấy hết bắt đầu lởn vởn nơi đầu sông cuối bãi. Anh Cả biết trong làng có nhà chỉ vì vài ba chục phân đất mà anh em ruột thịt đưa nhau ra pháp đình. Thậm chí còn đổ máu nữa. Chị Cả nghe chồng phân ưu, phát hoảng: “Ý các cô, các chú ấy muốn thế thì anh cứ mở phắt ra. Tài sản của thầy để lại, không có di chúc, thì cứ chia theo pháp luật. Muốn hơn cũng chả được”. Anh Cả nhẹ nhàng: “Không phải chuyện hơn kém, mà anh nghĩ làm trái lời thầy dặn là có tội. Tội không bảo ban được các em”. “Nhưng mọi người có nghĩ như anh đâu. Thôi anh cứ mở ra cho tất cả vui vẻ”.
Đợi các em đến đông đủ, anh Cả lặng lẽ dâng hương lên bàn thờ cha mẹ: “Thưa thầy mẹ, con đã làm hết sức mình nhưng không thực hiện được lời di huấn của thầy. Các em con khó khăn quá. Nay con xin phép được mở chiếc hộp”. Nước mắt anh giàn giụa. Hết một tuần hương, anh Cả cẩn thận hạ chiếc hộp xuống. Chiếc hộp lần lượt được chuyền qua tay những người em. Mười cặp mắt săm soi đường hàn. Tất cả còn nguyên vẹn. Không ai thắc mắc. Anh Cả đưa lưỡi cưa cắt phần nắp. Cái hộp được mở ra. Bên trong chỉ có một tờ giấy khổ A4 và những dòng chữ của ông Hải. Anh Cả đưa tờ giấy cho em: “Chú Ba đọc cho mọi người cùng nghe”. Anh Ba hắng giọng, đọc: “Các con đừng trách thầy vì sao không truyền lại nghề cho các con. Nào thầy có biết gì về thuốc đâu. Toàn gạt lừa thiên hạ. Vì thế thầy rất ân hận và bỏ nghề. Người xưa dạy: Sống có tâm có đức thì không có sức mà ăn. Luật nhân quả là có thật. Thầy mong các con luôn ghi tạc lời dạy này”. Mười hai gương mặt thẫn thờ nhìn nhau. Không ai nói thêm lời nào. Cũng không nghe ai kêu thiếu nợ với vỡ hụi nữa.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN